Xã hội

Ngư dân vẫn vươn khơi mặc 18.000 tàu Trung Quốc tràn vào biển Đông

08/09/2017, 07:04

Trước thông tin 18.000 tàu Trung Quốc sắp tràn vào biển Đông, ngư dân miền Trung khẳng định sẽ bám ngư trường truyền thống...

10

Ngư dân tại cảng cá Quy Nhơn chuẩn bị đá lạnh cho chuyến ra khơi

Lập tổ đội tương trợ nhau trên biển

Sau lệnh cấm biển phi pháp, Trung Quốc tiếp tục đưa 18.000 tàu cá tràn vào biển Đông nhưng ngư dân miền Trung chẳng hề nao núng. Lão ngư Bùi Thanh Ninh (SN 1957, trú xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định), Tổ trưởng Tổ đội khai thác với 16 tàu, tổng công suất hơn 8.000 CV đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa khẳng định chắc nịch: “Biển là nhà của ngư dân, chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn”.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện nay Bình Định đã thành lập 683 tổ đội tàu đoàn kết đánh bắt xa bờ với tổng số 2.936 tàu. Tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, đào tạo tập huấn cho ngư dân vận hành, sử dụng các thiết bị, công nghệ mới của các tàu đóng mới theo Nghị định 67, đẩy mạnh các hoạt động thu mua thủy sản giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, Sở vẫn thường xuyên xuống với ngư dân và tâm lý ngư dân miền Trung không lo sợ việc Trung Quốc diễn tập quân sự trên biển Đông. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Đà Nẵng (Sở NN&PTNT) cũng cho biết, đơn vị đã tiếp xúc và ghi nhận những ngư dân có tiếng tại Đà Nẵng quyết tâm vươn khơi bám biển, khai thác trên ngư trường Việt Nam.

Ông Ninh vẫn còn nhớ như in chuyến biển vào năm 2015, tàu cá BĐ 96617 TS do thuyền trưởng Nguyễn Sinh (huyện Hoài Nhơn) cùng 13 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển chủ quyền Việt Nam bị tàu sắt Trung Quốc đâm hư hỏng ca bin và thân tàu. Sau khi bình tĩnh báo tin cho cơ quan chức năng xử lý, tàu BĐ 96617 TS quay trở về đất liền sửa chữa, rồi sau đó lập tức quay trở lại với những hải trình dài ngày, chẳng ai bận tâm đến tàu Trung Quốc.

“Nơi chúng tôi đánh bắt là lãnh hải của nước nhà, là chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Anh em đi biển rất đoàn kết, thể hiện niềm tin và quyết tâm bám biển. Ngư dân chúng tôi mưu sinh hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam thì chẳng có lý do gì phải ngần ngại. Đi biển gặp tàu Trung Quốc như cơm bữa, tàu Trung Quốc hung hăng, manh động nên để đảm bảo an toàn mỗi chuyến ra khơi ngư dân đều đi theo tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau”, ông Ninh khẳng khái.

Để quản lý đội tàu trên biển, ông Ninh trang bị bản đồ, theo dõi và điều hành qua Internet, máy Icom, radio… kết nối trực tiếp với từng thuyền trưởng trên 16 tàu đang hoạt động ngoài khơi. Khi có sự cố, các thuyền trưởng báo ngay về bờ, ông chủ động nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ.

Tại Khánh Hòa, ngư dân Võ Ngọc Tùng, ngư đội phó ngư đội Trường Sa Lớn cho biết, đã sở hữu đội tàu 3 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Theo anh Tùng, con tàu anh vừa hạ thủy là tàu composite trị giá gần 8 tỷ đồng. Tàu dài gần 20m, rộng gần 6m, cao 3m, hành nghề lưới rê, chuyên đánh bắt xa bờ. Anh Tùng phấn khởi cho biết, con tàu composite này được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. “Qua tìm hiểu, tôi thấy đây là loại tàu có nhiều ưu điểm vượt trội để bám biển xa bờ cũng như ưu thế về đánh bắt. Có con tàu 67 trong tổ đội cũng yên tâm hơn nhiều khi hành nghề trên biển”, anh Tùng thổ lộ.

Có điểm tựa, ngư dân yên tâm bám biển

Cũng tại huyện Hoài Nhơn, con tàu BĐ 91189 TS, công suất 900 CV của ngư dân Nguyễn Văn Việt cùng 6 thuyền viên vừa xong chuyến câu cá ngừ đại dương trở về cập cảng Tam Quan. Ông Việt hồ hởi cho biết chuyến vừa rồi câu được kha khá, tàu thu nhập được hơn 300 triệu đồng.

Nhắc thông tin tàu cá Trung Quốc tràn vào biển Đông, ông Việt cười xòa. “Năm nào Trung Quốc cũng cấm biển và đưa tàu cá vào biển Đông. Nhưng vùng biển chúng tôi đánh bắt là của Việt Nam, nếu sợ mà bỏ biển thì khác gì bỏ nhà cho người khác ở”, ông Việt dõng dạc.

Cũng theo ông Việt, tàu của ông đã được bố trí các thiết bị nhận dạng tàu, máy Icom, bộ đàm đầy đủ. Nếu tàu cá Trung Quốc gây khó thì ngư dân sẽ có bằng chứng để tố cáo họ vi phạm chủ quyền.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, hành vi quấy phá của Trung Quốc trên biển càng ngày càng trắng trợn, hằng năm họ dùng lực lượng ngăn cản hoạt động khai thác của ngư dân trên ngay ngư trường của Việt Nam. Hiện nay, trên vùng biển của nước ta có các lực lượng chức năng bảo vệ như kiểm ngư, hải quân nên ngư dân yên tâm đánh bắt. “Nếu chẳng may gặp sự cố trên biển, ngư dân cần phải báo ngay cho lực lượng chức năng để ứng cứu kịp thời. Không có vấn đề gì ghê gớm mà ngư dân phải sợ cả vì bên cạnh ngư dân vẫn có lực lượng bảo vệ. Thời gian qua, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao đã kịch liệt phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta, gây ảnh hưởng đến việc khai thác của ngư dân”, ông Lăng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.