Xã hội

Ngủ võng, dựng chòi canh rừng thủy tùng quý hiếm

02/05/2021, 06:30

Dù việc săn lùng thủy tùng không còn “nóng” như trước đây nữa, song chỉ cần chút sơ hở là bị kẻ xấu đột nhập cưa hạ ngay.

img

Cây thủy tùng 700 năm tuổi, có đường kính 1m

Thủy tùng (cây thông nước) có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện thủy tùng chỉ có ở các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk và đang được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt.

Ăn, ngủ… cùng cây

Cơn mưa đầu mùa trút xuống xối xả, làm cho con đường đất dẫn vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ea Ral (Trạm Ea Ral), nơi chịu trách nhiệm bảo vệ loài sinh cảnh thông nước (thuộc thôn 5, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) xói lở, trơn trượt.

Trạm nằm sát vách với quần thể rừng thủy tùng nguyên sinh còn sót lại. Đây cũng chính là trụ sở làm việc của lãnh đạo và cán bộ khu bảo tồn loài thông nước quý hiếm.

Phía sau lưng Trạm Ea Ral là quần thể 140 cây thủy tùng xanh ngắt, mọc trải đều trên diện tích 4,2ha đầm lầy. Diện tích này được bao quanh bởi hàng rào thép gai.

Giữa quần thể thủy tùng được xây dựng những cầu phao, mặt lót ván gỗ làm đường đi tuần tra. Con đường tuần tra được bố trí chạy dọc quần thể thủy tùng, ngoài ra còn có đường xương cá kết nối những vạt thủy tùng với nhau. Ở những gốc thủy tùng cổ thụ, nơi hiểm yếu được bố trí chòi gác để cán bộ túc trực, đảm bảo thủy tùng không bị kẻ xấu xâm hại.

img

Quần thể thủy tùng nguyên sinh được đánh dấu thứ tự để quản lý

Dẫn chúng tôi đi trên con đường tuần tra gập ghềnh, anh Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Hành chính, kiêm cán bộ QLBV rừng kể, những năm 2010, giá thủy tùng được thổi lên đắt đỏ, nhà nhà người người đi săn lùng thủy tùng.

Những khu đầm lầy, hồ nước nằm giáp ranh với quần thể thủy tùng hiện giờ bị đào bới, lật tung. Có nhiều người trúng mánh, kiếm tiền tỷ.

“Lúc đó, công việc bảo vệ thủy tùng như 1 trận chiến, anh em phải ăn, ngủ dưới gốc cây để canh gác, sơ hở là bị kẻ gian đột nhập cưa hạ ngay. Ngày nay, loài thủy tùng đã qua “cơn sốt” nhưng nó vẫn là miếng mồi béo bở để bọn xấu lăm le”, anh Trọng cho hay.

Theo anh Trọng, việc bảo vệ loài thủy tùng không dễ dàng chút nào, vì đặc trưng của loài cây sinh sống trên khu vực đầm lầy. Mùa mưa nước lên ngập ngang người, anh em phải chia nhau lội đến từng cây để kiểm tra sự sống của nó.

Nhiều khu vực, khi lội xong đỉa bu kín chân. Ban đêm, anh em mắc võng nằm trong chòi canh gác, muỗi bay dày đặc. Nhiều người mới vào nghề, cả ngày lặn lội trong rừng thủy tùng, buồn định bỏ việc nhưng riết rồi quen, càng ngày càng thấy gắn bó hơn.

Động viên nhau vượt khó

img

Quần thể thủy tùng nguyên sinh được đánh dấu thứ tự để quản lý

Rong ruổi trên con đường tuần tra ngoằn ngoèo, chúng tôi nhận thấy nằm phía cuối đường là một cây thủy tùng trên 700 năm tuổi, thân cây sừng sững, có đường kính vài người ôm mới xuể. Ngay gốc cây được bố trí hai chòi gác.

Anh Trịnh Duy Hải, cán bộ quản lý bảo vệ rừng chia sẻ: “Quần thể thủy tùng ở Ea Ral và Ea Hồ nằm sát nách các khu dân cư, bao quanh là rẫy của người dân nên chỉ cần mất cảnh giác là rừng thủy tùng sẽ bị xâm hại. Năm 2017, một cây đã bị 7 đối tượng xâm nhập, cắt hạ hai đoạn thân cây, mỗi đoạn dài 1m, đường kính 0,5m. Dù sau đó các đối tượng đã bị bắt nhưng anh em rất xót xa. Những năm tháng ở đây, chúng tôi xem chúng như một phần cơ thể của mình, một cành bị cắt đi đau đớn lắm. Vì vậy, dù gian khổ nhưng anh em động viên nhau, quyết tâm bảo vệ cây bằng mọi giá. Những đêm trời mưa dầm, chúng tôi mắc võng ngủ tại gốc cây”.

Ông Võ Thành Tám, Phó giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước cho biết, trước nguy cơ biến mất của loài thông nước quý hiếm, ngày 1/8/2012, Ban quản lý được thành lập.

Buổi đầu, Ban chỉ có 10 người, đến nay là 16 người. Nhưng do thiếu nhân lực nên cán bộ, viên chức của đơn vị phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, phải làm việc cả ngày nghỉ, trong khi đó các chế độ ưu đãi, phụ cấp không có nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Hiện nay, đơn vị đang quản lý bảo vệ 162 cây thủy tùng nguyên sinh, trong đó, tại Trạm Ea Ral (huyện Ea H’leo) có 140 cây; tại Trạm Trấp K’sơ (huyện Krông Năng) 21 cây và tại TX Buôn Hồ 1 cây. Đối với rừng nguyên sinh, cây lớn nhất khoảng 700 năm tuổi, cây nhỏ khoảng 80 năm tuổi.

“Ngoài công tác quản lý bảo vệ rừng, đơn vị còn nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển loài thủy tùng nhưng từ ngày thành lập đến nay chưa thực hiện được vì điều kiện không cho phép. Đến nay, đơn vị vẫn chưa có trụ sở, anh em phải ở tạm trong Trạm của Hạt kiểm lâm cũ chật hẹp, tạm bợ”, ông Tám nói và cho biết, hiện tại, đường vào đơn vị rất khó khăn, đang phải đi nhờ trên đất người dân.

Dù việc săn lùng thủy tùng không còn “nóng” như trước đây nữa, song ông Tám cho biết, chỉ cần chút sơ hở là bị đột nhập cưa hạ ngay. “Có thông tin thủy tùng trị được ung thư, diệt trừ muỗi… nhưng thực tế là không có. Thủy tùng là một trong những cây dùng chế tác mỹ nghệ là chính vì đường vân đẹp, có mùi thơm đặc trưng”, ông Tám nói.

Thủy tùng tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc nhóm IA, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, thủy tùng còn lại ở các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk, khoảng 162 cây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.