Bạn cần biết

Ngứa ngáy, tiêu chảy vì dùng dược liệu “sống”

20/06/2016, 18:21

Sử dụng thuốc Đông y “sống” không qua sao tẩm để chữa bệnh, bị cảnh báo phản tác dụng.

Sao tẩm mang tinh chất quyết định trong bào chế th

Sao tẩm mang tính chất quyết định trong bào chế thuốc Đông y (Ảnh minh họa)

Dùng thuốc “sống” dễ gây ngộ độc

Chớm mắc viêm dạ dày, anh Nguyễn Văn H. (Văn Lâm, Hưng Yên) quyết định theo Đông y trị bệnh với quan niệm cho... lành. Bốc 7 thang thuốc về chữa viêm dạ dày từ ông lang quen gần nhà, nhưng mới uống hết thang thuốc thứ nhất anh H. đã bị đi ngoài dữ dội. Hoảng quá, anh H. bỏ luôn cả mấy thang thuốc trị giá hơn 1 triệu đồng.

Còn chị Vũ Thị M. (Hoàng Mai, Hà Nội), cả tuần nay người nổi mẩn ngứa sau khi uống mấy thang thuốc Đông y chữa trị ho đờm. Chị M. cho hay: “Người quen giới thiệu chỗ cắt thuốc vừa rẻ lại vừa tốt, đỡ phải dùng đến thuốc Tây nên mình theo. Uống gần hết 3 thang thuốc xuất hiện tình trạng ngứa ngáy. Chưa chữa xong bệnh này lại sang bệnh khác”.

Trao đổi với Báo Giao thông, lương y Vũ Quốc Trung, Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội cho biết: “Việc sử dụng thuốc “sống”, không qua bào chế, sao tẩm rất dễ gây hiện tượng tiêu chảy, ngứa ngáy hay nôn mửa cho người bệnh. Đơn cử như bán hạ thường dùng trong vị thuốc hóa đờm, nếu dùng “sống” có thể gây ngứa, nhưng nếu tẩm gừng mất tính ngứa, mang lại hiệu quả trong điều trị. Hay như quả ké đầu ngựa thường bốc trong vị thuốc chữa trị mẩn ngứa, mề đay, tuy nhiên nếu không chế biến thì ít tác dụng nhưng khi sao lên lại mang đến nhiều tác dụng”.

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội) cho biết: “Việc bào chế thuốc Đông y mục đích để giảm bớt tính độc của dược liệu (nếu có), tính hàn, tính nhiệt, làm tăng tác dụng của thuốc. Mục đích cuối cùng là đưa thuốc vào đúng vị trí của bệnh”.

Chính vì vậy, thông thường các dược liệu lấy về đều phải được bào chế, sao tẩm thành thuốc Đông y. “Sao tẩm là một trong những yếu tố quyết định chất lượng điều trị. Hiện, một số cơ sở Đông y thường không sao tẩm, dùng thuốc sống để chữa bệnh, khiến kết quả điều trị kém, thậm chí có khi phản tác dụng”, ông Hướng khẳng định.

“Các cụ xưa cho rằng, thầy thuốc Đông y dùng thuốc hơn nhau ở chỗ bào chế sao tẩm. Do vậy, có thể cùng bài thuốc trị bệnh nhưng bốc của thầy thuốc này khỏi bệnh, mà bốc ở nơi khác lại không có tác dụng gì. Với thầy thuốc có kinh nghiệm sao tẩm, từng dẫn chất cho kết quả khác nhau. Ví như khi chế với muối đi vào thận, chế với dấm đi vào gan hay chế với rượu đi vào huyết”, lương y Vũ Quốc Trung cho biết.

Xông thuốc Đông y bằng diêm sinh có độc (?)

Theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, hiện trên thị trường có 2 nguồn dược liệu: Việt Nam và nhập từ Trung Quốc. Sau khi thu hái, dược liệu được phơi khô và sấy bằng diêm sinh (bằng cách xông khói truyền thống nhằm tránh mối mọt, nấm mốc và giữ màu cho một số loại dược liệu). Về cơ bản, diêm sinh nếu biết cách sử dụng còn có thể được coi là một vị thuốc chữa các bệnh như vẩy nến, ghẻ.

Cùng quan điểm, ông Hướng cũng cho rằng, xông diêm sinh trong Đông y cho phép với một số dược liệu như: Lá dễ mốc mọt, một số củ có tinh dầu nếu phơi khô sẽ mất tinh dầu, kém tác dụng như đương qui, ngưu tất, với tỷ lệ cứ 100kg dược liệu dùng 20g diêm sinh đốt lên xông khói trong một cái lò bằng đất, chứ không phải tẩm diêm sinh như một số người đồn thổi.

“Diêm sinh bám vào dược liệu hoàn toàn có thể làm sạch bằng cách rửa qua nước, phơi sấy ở nhiệt độ cao. Vì vậy, các dược liệu khi mua về đều được thầy thuốc Đông y bào chế trước khi sao tẩm chế biến thành các vị thuốc chữa bệnh. Vì vậy, có thể yên tâm không lo chất diêm sinh trong sấy xông dược liệu gây ảnh hưởng”, ông Bùi Hồng Minh cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Minh, điều đáng lo ngại hơn cả trên thị trường dược liệu hiện nay là một số loại không được sấy xông bằng diêm sinh mà bằng hóa chất khác không rõ nguồn gốc. Cũng đáng lưu ý, hiện một số loại cây dược liệu như cà gai leo, nhân trần… khi thu hái, bảo quản bằng cách phun thuốc diệt cỏ. Loại hóa chất này không thể rửa sạch, đồng thời khi mua về cũng khó kiểm soát nguồn gốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.