Thị trường

Ngừng kinh doanh do giãn cách, DN trả thêm lương để nhân viên làm từ thiện

09/09/2021, 17:15

Đó là chia sẻ đáng chú ý tại Tọa đàm “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” do VCCI tổ chức ngày 9/9.

Trả đủ lương và thêm tháng thứ 13

Cụ thể, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ cho biết: Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp này đã kích hoạt ngay kế hoạch sản xuất liên tục, không để đứt gãy. Tiếp theo đó là hoạt động truyền thông liên tục xuống cán bộ công nhân viên.

“Nội dung truyền thông là khó khăn xảy ra, tất cả cùng phải đương đầu, không vì khủng hoảng mà mọi người cũng khủng hoảng theo. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh sự linh hoạt ứng biến và thích nghi trong từng bối cảnh”, bà Dung nói.

img

Bà Cao Ngọc Dung chia sẻ tại Toạ đàm. Ảnh chụp màn hình

Đồng thời, thời gian dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp này đã tìm cách đào tạo nhân lực và tạo mọi điều kiện để nhân viên phấn chấn, lấy lại tinh thần, làm cho người lao động tin tưởng vào lãnh đạo và doanh nghiệp hơn.

Chính vì vậy, sau đợt dịch Covid-19 năm 2020, kết quả kinh doanh của PNJ có sức bật lớn.

“Khi đợt dịch lần 4 năm 2021 xảy ra, thực sự nếu không có chuẩn bị thì sẽ rơi vào khủng hoảng. Lúc đó, khi chính quyền thành phố vẫn đang lúng túng, chúng tôi đã thành lập đội nhóm phản ứng nhanh, không chỉ chăm lo sức khoẻ tinh thần nhân viên và còn chăm sóc y tế cho nhân viên và cả người nhà nhân viên nữa”, bà Dung chia sẻ.

PNJ là doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nhưng không nằm trong nhóm mặt hàng thiết yếu nên khi thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhất là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn bộ hoạt động phải dừng lại.

Lúc đó, công ty đã dùng nguồn lực để mở ngay siêu thị 0 đồng, chăm lo đời sống nội bộ cho nhân viên trong công ty. Nhưng ngay sau đó, mô hình này được xã hội quan tâm và hưởng ứng nên công ty đã mở rộng đến những người nghèo, người yếu thế.

Theo lãnh đạo công ty này, trong thời kỳ giãn cách xã hội, công ty không giảm lương mà vẫn trả đầy đủ và thậm chí còn trả thêm tháng lương thứ 13 để nhân viên đủ sống.

“Trong lúc nhân viên công ty không kinh doanh, bán hàng thì đi làm tình nguyện viên. Theo đó, hàng ngàn nhân viên của công ty đã đi làm từ thiện ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam và ngay cả ở Hà Nội để chăm lo cho người nghèo và cả đội nhân viên y tế cơ sở, chăm sóc đội ngũ y tế địa phương”, lãnh đạo PNJ cho hay.

Cạn tiền, khủng hoảng nhân sự là vấn đề cốt tử

Trên thực tế, thời gian qua, không chỉ PNJ mà rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn dành nguồn lực để duy trì hoạt động và tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng như đóng góp kinh phí cho công tác phòng chống dịch của địa phương và quốc gia.

Hàng nghìn tỷ đồng được đóng góp vào Quỹ phòng, chống vaccine cũng như hàng nghìn tỷ đồng trang thiết bị được các doanh nghiệp trao tặng, ủng hộ các bệnh viện, các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, bên cạnh doanh nghiệp còn trụ vững được thì có hàng nghìn doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

“Thực trạng hiện nay cho thấy đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nguồn vốn tài chính và nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp. Cạn tiền và khủng hoảng nhân sự đang là những vấn đề cốt tử của doanh nghiệp hiện tại. Bên cạnh yếu tố tác động tiêu cực từ đại dịch, nguyên nhân lớn là ở khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng yếu kém của các doanh nghiệp”, ông Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, những doanh nghiệp vẫn sống được, vẫn tồn tại được và có sức chống chịu tốt hơn hẳn mặt bằng chung trong giai đoạn nay đều là những doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI).

Đây cũng là những doanh nghiệp có sức bền dẻo dai hơn, có khả năng phục hồi cao hơn sau dịch bệnh.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức cập nhật về quản trị khủng hoảng, ngay trong tháng 9 này, VCCI cùng đối tác kỹ thuật là Deloitte Việt Nam sẽ ra mắt phiên bản thứ hai của cuốn Cẩm nang Quản trị công ty - Ứng phó, Phục hồi và Phát triển thời khủng hoảng để các doanh nghiệp tham khảo và áp dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.