Hạ tầng

Ngược đời dân cản xây trạm gác đường ngang

19/07/2020, 07:00

Đã 2 lần, công ty phối hợp với xã cử lực lượng bảo vệ thi công nhưng các hộ dân ngăn cản quyết liệt quá nên không thi công được.

img
Nhà gác đường ngang Km 25+200 tuyến đường sắt Bắc - Nam phải đi thuê, tạm bợ, chật hẹp

Có mặt tại khu vực đường ngang có gác chắn Km 25+200 tuyến đường sắt Bắc - Nam (thuộc địa bàn phố Tía, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), không như những nhà gác khác có vị trí dễ thấy, PV Báo Giao thông mất nhiều thời gian hỏi thăm mới thấy nơi được gọi là trạm gác khuất dưới khu vực hàng quán.

Xã đã làm công tác tư tưởng, vận động người dân, cũng đã phối hợp với đường sắt, đưa lực lượng xã ra bảo vệ thi công nhưng cũng không làm được. Để hài hòa lợi ích cả người dân và đường sắt, chúng tôi cũng đã làm văn bản, nhiều lần đề xuất lên các đơn vị, cấp có thẩm quyền chuyển trạm gác sang vị trí khác, dành lối đi cho dân. Còn nếu vẫn kiên quyết xây trên vị trí cũ, phải cử thêm lực lượng để bảo vệ thi công vì lực lượng xã mỏng.
Ông Đào Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu


Anh Nguyễn Quốc Vương, Đội phó Đội Đường sắt 101, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, đơn vị phụ trách địa bàn cho hay, “trạm gác” này là do công ty thuê lại của một cửa hàng bán kính mắt để đặt thiết bị, bàn làm việc cho nhân viên gác chắn nên chật hẹp, tạm bợ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Minh Tiến, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh cho biết, đường ngang Km 25+200 được thành lập năm 1976, là đường ngang cấp 2, có người gác. Trạm gác chắn của đường ngang được xây dựng gần 20 năm, nằm trong quỹ đất dành cho đường sắt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng đã xuống cấp nên năm 2018, công ty đã báo cáo chính quyền địa phương để xây mới trên chính vị trí trạm gác cũ. Tuy nhiên, các hộ dân dọc đường sắt đi ra phía đường ngang để ra QL1 phản ứng dữ dội vì cho rằng cản trở lối đi của họ.

“Hai năm nay, hàng chục văn bản đi, văn bản đến của nhiều cấp, cùng đó nhiều cuộc làm việc với các bên, kể cả với người dân, chính quyền địa phương nhưng vẫn không giải quyết được. Đã 2 lần, công ty phối hợp với xã cử lực lượng bảo vệ thi công nhưng các hộ dân ngăn cản quyết liệt quá nên không thi công được”, ông Tiến nói.

Tìm hiểu của PV, trên lối đi dọc đường sắt đi ra đường ngang có gần 30 hộ dân. Tuy nhiên, thay vì đi theo lối đi này, gần như nhà nào cũng trổ một lối đi qua đường sắt bằng cách đặt tấm đan sắt vào trong lòng đường sắt. Người dân còn cho ô tô qua lại đường sắt ở các lối đi tự mở này. Vì thế, khu vực này đã được đưa vào dự án làm hàng rào, đường gom để đóng lối đi tự mở. Khi đó, người dân buộc phải đi ra phía đường ngang để ra đường bộ vì phía còn lại là đường cụt, tuy nhiên đầu lối đi này lại khá hẹp, khoảng 1,5m.

img
Đường ngang km 25+200 tuyến đường sắt Bắc - Nam 2 năm không xây lại được nhà gác chắn

Bà Nguyễn Thị Bình (số nhà 159 phố Tía) cho biết: “Chúng tôi rất muốn làm đường gom để không phải đi qua đường tàu nữa, nguy hiểm lắm. Nhưng nếu xây trạm gác như cũ, để đầu lối đi hẹp cũng rất bất cập”.

Trước ý kiến của người dân, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Minh Tiến cho biết: “Nếu không xây trạm gác ở vị trí cũ, địa phương phải cấp đất “sạch” ở vị trí khác, đủ diện tích như trạm gác cũ và đầy đủ thủ tục, sổ đỏ, chúng tôi chỉ xây lên thôi”.

“Còn nếu không bố trí được đất, chính quyền địa phương phải phối hợp, bảo vệ cho chúng tôi thi công, không thể để mãi tình trạng như hiện nay, đe dọa mất an toàn. Trách nhiệm này, Luật đã quy định rồi. Tháng 4/2020, cả Bộ GTVT và TP Hà Nội đều đã có văn bản chỉ đạo phải xử lý dứt điểm nhưng đến nay địa phương mới chỉ họp với chúng tôi một lần và vẫn chưa quyết được phương án xử lý cụ thể”, ông Tiến cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.