Tâm sự

Người biến ngục tù Phú Quốc thành... nơi chữa bệnh

01/05/2017, 18:12

Nhìn cảnh đồng chí bầm dập bởi đòn roi kẻ thù, ông Tộ dùng kiến thức sẵn có để chữa bệnh cho đồng đội.

101

Với lương y Nguyễn Trường Tộ, niềm vui lớn nhất hiện nay là dành hết phần đời còn lại của mình tiếp tục chữa bệnh cứu người

Những năm tháng bị giam cầm nơi ngục tù Phú Quốc, ông Nguyễn Trường Tộ (SN 1942, trú TP Vinh, Nghệ An), đã nhiều lần chứng kiến cảnh đồng đội bị kẻ thù tra tấn dã man. Ông đã âm thầm mài sợi thép thành kim châm cứu, sáng tạo ra những bài thuốc hay giúp đồng đội giảm đi các cơn đau khi bị địch tra tấn. Ông bảo, khoảng thời gian kinh hoàng đó đã giúp ông rèn luyện ý chí kiên cường và cả trình độ chuyên môn.

“Tù nhân lương y” biến nhà tù thành nơi chữa bệnh

Nở nụ cười vui vẻ đón khách, cựu chiến binh Nguyễn Trường Tộ nay đã 75 tuổi, dáng người nhỏ thó, nhưng phong thái vẫn rất nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh. Ông kể, học xong lớp 10, ông lên đường nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên. Trong một trận chiến không cân sức vào tháng 5/1968, ông bị thương nặng và rơi vào tay giặc, bị giam tại Đà Nẵng. Vào cuối tháng 7 năm đó, ông bị chuyển đến nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Ở nhà tù Phú Quốc, nhìn cảnh đồng chí, đồng đội bị bầm dập bởi đòn roi kẻ thù, ông đã dùng kiến thức sẵn có của người lính quân y cộng với tư duy ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để chữa bệnh cho đồng đội. Trong điều kiện “3 không”: Hai bàn tay không, không có đồ nghề, không thuốc men, ông bắt đầu chuẩn bị đồ nghề cho mình bằng việc đi lượm lặt những sợi dây thép gai đem về mài tạo nên những cây kim châm cứu, rồi nhặt những ống xilanh đem về rửa sạch làm dụng cụ chữa trị.

Trong quá trình làm việc tại Sở Y tế Nghệ An, ông Tộ đã tham gia biên soạn 10 công trình về Đông y được Bộ Y tế trao giải thưởng cao quý Hải Thượng Lãn Ông, Hội Đông y Việt Nam tôn vinh danh hiệu Lương y tiêu biểu. 

Ông Tộ cho biết: “Trong hoàn cảnh khó khăn đó, nếu không linh hoạt nghĩ ra trăm phương nghìn kế thì không thể tồn tại được với những tên “đao phủ” sặc mùi máu”. Tiếp tục cho công tác chữa trị, trong những lần đi tạp dịch, ông bắt đầu hái những loại lá có ích trong việc trị bệnh cho anh em trong trại. Với số lượng người cần được chữa trị quá nhiều, ông nhờ thêm anh em mỗi lần được ra ngoài phơi nắng hoặc đi tạp dịch tranh thủ hái những thứ lá như lá sim, lá khế, lá tàu bay, lá cứt lợn, hà thủ ô trắng…mang về.

Những năm tháng trong nhà tù Phú Quốc, ông không nhớ nổi đã chữa bệnh cho bao nhiêu người, như anh Cự ở Yên Thành (Nghệ An) sau khi tuyệt thực để phản đối đòi quyền lợi cho tù nhân thì bị kiết lỵ, anh Điểm ở Hà Bắc bị sốt rét, anh Thành ở Hà Tây bị tra tấn đến chấn thương sọ não… Các tù nhân bị giam giữ đông trong trại nên dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Những lần ốm đau như thế, lại không thuốc men, không được chữa trị, các tù nhân bắt đầu đấu tranh đòi quyền lợi, có những tù nhân tự rạch bụng mình và cứ sau những lần như vậy “tù nhân lương y” Tộ tiếp tục trách nhiệm cứu người cao cả của mình.

Bên cạnh việc chữa bệnh cho đồng đội trong tù, Nguyễn Trường Tộ còn dạy văn hóa, hướng dẫn đồng đội cách sử dụng những thứ lá thuốc sẵn có mỗi khi gặp sự cố. Ông nói: “Thời buổi giặc đông hơn dân, mỗi khi vượt ngục được thì phải lẩn trốn và những lúc như thế, sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên việc trang bị kiến thức về chăm lo cho sức khỏe cũng là việc làm cần thiết và cấp bách lúc này”.

Theo ông Tộ, dạy cho anh em trong tù phải bí mật, lặng lẽ, chỉ dùng hòn đá, gạch ngói viết xuống nền đất, thoáng thấy lính canh thì nhanh chóng xóa đi. Sau đó, anh em dùng tấm bìa cứng, tô màu đen, lấy giấy ni lông phủ lên, dùng bút tự chế viết lên nên mỗi khi thấy lính canh, chỉ cần lôi tấm ni lông khỏi bảng đen là không thể phát hiện được. “Cuốn sổ ghi chép bệnh và nguyên liệu thuốc tôi làm từ giấy của những bao thuốc lá. Còn cây bút tự chế là lấy que tre vót thành, dùng mực của con mực biển viết”, ông Tộ cho hay.

102

Ông Nguyễn Trường Tộ sống cuộc đời an nhàn cùng vợ

5 năm luyện chí thép nơi ngục tù Phú Quốc

Chốn ngục tù khốn khổ, bị tra tấn khốc liệt, nhưng ông Tộ vẫn quan niệm rằng: “Nhà tù Phú Quốc chính là trường học giúp mình rèn luyện phẩm chất, ý chí, y đức và cả trình độ chuyên môn”.

“Có lần bọn đế quốc đưa tôi ra nhưng không khai thác được gì, chúng liền bẻ hết răng cho vào phòng biệt giam, rồi lấy búa đóng vào đầu ngón tay, đánh cho bong hết các móng tay mới thôi. Nhiều hôm, chúng tra tấn dã man, bắt tôi nằm xuống rồi lấy giày đinh dẫm lên ngực, lấy búa đinh đập vào cột sống, rồi chọc thủng màng nhĩ… Nhưng sợ nhất là chúng lấy những cây kim châm cứu do tôi tạo ra từ những sợi dây thép gai rồi đâm vào đầu ngón tay. Tiếp theo, chúng găm một tờ giấy mỏng ở đầu kim, bật quạt vặn cỡ lớn. Tờ giấy quay tròn khiến chiếc kim châm đâm sâu vào ngón tay, đau nhói”, ông nhớ lại.

Dù bị tra tấn dưới mọi hình thức nhưng ông Tộ vẫn luôn luôn tin tưởng rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhất định sẽ thắng lợi, đất nước nhất định thống nhất. Sau 5 năm cầm cự, chống chọi với đòn roi của kẻ thù, năm 1973, ông Tộ được trao trả tự do, an dưỡng tại Quân khu III một năm, sau đó ông tiếp tục con đường tu nghiệp nâng cao kiến thức tại Đại học Y khoa Hà Nội.

Sau 6 năm miệt mài đèn sách, năm 1980 ông về tiếp nhận công tác tại Sở Y tế Nghệ An và sinh sống cùng vợ con. Với ông, niềm vui lớn nhất là dành hết phần đời còn lại của mình tiếp tục chữa bệnh cứu người trong hòa bình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.