An ninh hình sự

Người cha bạo hành con trai ở Hà Nội đối mặt hình phạt nào?

09/12/2017, 11:24

Hành vi của người cha bạo hành con ruột có tình tiết phạm tội nhiều lần với một người, phạm tội với trẻ em.

be-trai-10-tuoi-bi-bo-bao-hanh

Hình ảnh người cha thực nghiệm lại hành vi bạo hành con trai và hình ảnh cháu Kh với nhiều vết thương còn hằn lại do bị đánh đập

Liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành ở Hà Nội, thông tin ban đầu từ CQĐT Công an quận Cầu Giấy cho hay, kết quả thăm khám cho thấy cháu Trần Gia Kh. (10 tuổi) đã bị đánh đập, hành hạ dẫn tới rạn 6 xương sườn. Ngoài ra, trên người cháu còn có nhiều vết thương khác do vật cứng gây ra. Cơ quan công an cũng đã xác nhận đối tượng Trần Hoài Nam ((34 tuổi, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, cha ruột cháu Kh) chính là người đã hành hạ cháu. Mẹ kế cháu Kh. cũng thừa nhận từng có hành vi bạo hành cháu bé.

Phân tích về các hành vi trong vụ việc, luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Hãng Luật Giải phóng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, với tình tiết: “Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người” và phạm tội “đối với trẻ em”, hành vi của người Trần Hoài Nam đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự.

Theo đó quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình….

Tuy nhiên, theo luật sư Hưng, với tội danh này, để củng cố căn cứ khởi tố và định khung hình phạt, cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật gây ra cho cháu bé là bao nhiêu. Người mẹ kế thừa nhận bạo hành cháu bé sẽ được coi là đồng phạm với người cha.

bao-hanh-con-de

Các vật dụng mà người cha dùng để bạo hành con trai

Về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật Trẻ em quy định cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ con cái, đặc biệt là trẻ em. Theo Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ đều phải có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái, ngay cả khi đã ly hôn và không giành được quyền nuôi con.

Vì vậy, luật sư cho rằng hành vi của người cha trong trường hợp này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, mà còn vi phạm pháp luật, rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh. “Trong trường hợp này, không trách người mẹ được vì chị ta đã nhiều lần tìm con nhưng không biết ở chỗ nào, đặc biệt là tin tưởng vào người cha sẽ thương con mình” – luật sư nêu quan điểm.

Trước đó, ngày 5/12, cơ quan Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo về vụ việc cháu bé 10 tuổi Trần Gia Kh. bị cha ruột và mẹ kế bạo hành trong thời gian dài. Tối 5/12, sau nhiều lần chạy trốn bất thành, cháu đã bắt xe bus tìm được về nhà ông bà nội. Đến lúc này, mọi người trong gia đình mới biết cháu bị bạo hành.

Cơ quan công an đã tạm giữ hình sự cha ruột của cháu K để làm rõ hành vi, đồng thời triệu tập người mẹ kế lên lấy lời khai. Tại cơ quan công an, ban đầu cả hai cùng thừa nhận đã bạo hành và gây ra nhiều thương tích cho bé Kh.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.