Chuyện dọc đường

Người chết sao có thể nghèo?!

01/07/2020, 06:28

Cơ quan chức năng của huyện phát hiện có 1.265 người đã chết, chuyển đi nơi khác và thậm chí có trường hợp đi tù vẫn có tên trong danh sách.

img
Danh sách 1.265 người không được nhận hỗ trợ do Covid-19 tại huyện Chư Păh

Mới đây tại Gia Lai, thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Chư Păh về việc thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã khiến dư luận xôn xao.

Theo đó, toàn huyện có 22.913 đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng. Đến ngày 19/6, huyện đã chi trả cho 21.648 người (đạt 94,4%) với số tiền trên 18 tỷ đồng. Sẽ không có gì đáng nói nếu như trong quá trình rà soát đối tượng được thụ hưởng, cơ quan chức năng của huyện phát hiện có 1.265 người đã chết, chuyển đi nơi khác và thậm chí có trường hợp đi tù... nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ mà các xã đưa lên!

Đón nhận thông tin trên, nhiều người không khỏi chua xót mà rằng: “Chỉ có người nghèo mới chết, chứ người chết sao có thể nghèo mà nhận tiền hỗ trợ?!”.

Ông Rơ Châm Ghí, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết, quá trình rà soát đối tượng được hưởng hỗ trợ, đơn vị đã lấy danh sách các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo vào cuối tháng 12/2019. Các xã lập danh sách, rà soát, kiểm tra và gửi lên danh sách hỗ trợ. Còn có hay không chuyện lợi dụng chính sách Nhà nước để trục lợi, ông Ghí cho rằng “có xác minh và phát hiện một số trường hợp nhập vào hộ nghèo, nhưng họ có trục lợi hay không thì không rõ” (?)

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: “May mà rà soát phát hiện ra, chưa gây thất thoát cho Nhà nước”.

Với những người chết, ông Kiên lý giải là do thống kê cuối năm 2019 nhưng đầu năm 2020 thì những người này mới chết nên vẫn có tên. Còn những người không có CMND, sổ hộ khẩu, không có giấy chứng nhận hộ nghèo nhưng vẫn được các xã lập danh sách thì là lỗi của chính quyền địa phương. Hiện, huyện đã đề nghị địa phương kiểm điểm nhận trách nhiệm.

Dù may mắn tiền từ gói hỗ trợ Covid-19 chưa được chuyển đến tay hơn 1.200 đối tượng kể trên, nhưng câu chuyện ở huyện Chư Păh lại làm người ta nhớ tới việc nhiều hộ khá giả, có quan hệ với quan chức địa phương ở Thanh Hóa bỗng dưng “lọt” vào danh sách hộ nghèo để được nhận tiền hỗ trợ; việc ở huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, người nghèo muốn nhận tiền hỗ trợ phải chi tiền “uống nước” cho cán bộ...

Cả nước vừa phải trải qua cuộc chiến chống dịch đầy cam go, tốn kém biết bao tiền bạc, mồ hôi công sức của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn dành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để giúp đỡ những người nghèo trong xã hội để giúp họ vơi đi bớt phần nào những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Ấy vậy nhưng chính sách nhân văn, tốt đẹp đó khi xuống cơ sở lại bị bóp méo bởi những cán bộ tắc trách, thiếu trách nhiệm, thậm chí cố ý tơ hào. Điều đó khiến tiền hỗ trợ không đến được đúng đối tượng thụ hưởng, trong khi lại “đi lạc” vào những hộ khá giả, đến tay những người có hoàn cảnh không đến nỗi. Và rồi khi mọi chuyện vỡ lở, người ta lại kiểm điểm, xin rút kinh nghiệm với nhau, cuối cùng lại “hòa cả làng”. Đó thực sự là một điều rất đáng buồn!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.