Xã hội

Người chưa tiêm đủ vaccine vẫn phải cách ly tập trung khi về Hậu Giang

19/10/2021, 18:26

Hậu Giang quy định người dân từ khu vực cấp 1-3 được qua lại các địa bàn trong tỉnh trừ khu vực phong tỏa, cấp 4.

Hậu Giang: Vẫn cách ly tập trung người chưa tiêm vaccine

Chiều 19/10, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành quyết định về việc ban hành quy định hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.

img

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên QL1, (thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), cửa ngõ ra vào tỉnh.

Theo đó, tất cả người về hoặc đến Hậu Giang không thực hiện cấp giấy đi đường, nhưng cần thực hiện nghiêm quy định “5K”, khai báo y tế tại cơ sở y tế nơi đến để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp giám sát phòng, chống dịch theo từng nhóm đối tượng.

Cụ thể, người khỏi bệnh Covid-19, sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, hạn chế tiếp xúc. Khi có dấu hiệu sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... phải liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine, cũng thực hiện việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú nhưng phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên ngày thứ nhất tại cơ sở y tế khi vào Hậu Giang, trừ trường hợp test còn giá trị trong 72 giờ.

Riêng trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện theo phương án phòng, chống dịch tại các cơ quan, doanh nghiệp được phê duyệt.

Với người chưa tiêm đủ 2 mũi, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nơi cách ly tập trung trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo và thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Còn người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà trong 28 ngày.

Tỉnh Hậu Giang còn quy định, người dân trong khu vực đang phong tỏa hoặc địa bàn dịch cấp 4 không được di chuyển khỏi nơi cư trú.

Người trong khu vực cấp 1, 2, 3 được đi lại các địa bàn trong tỉnh, nhưng không di chuyển đến các địa phương đang có dịch cấp 4 hoặc khu vực đang thiết lập vùng cách ly y tế và phải thực hiện các quy định về biện pháp phòng chống dịch của Hậu Giang.

Ngoài ra, trong quyết định của tỉnh Hậu Giang, từng hoạt động lĩnh vực ngành nghề dịch vụ, kinh doanh cũng được quy định biện pháp áp dụng cụ thể tùy theo từng cấp độ dịch.

Quyết định được áp dụng từ 17h ngày hôm nay cho đến khi có quyết định tiếp theo.

Trong thời gian này, các chốt kiểm soát phòng chống dịch khu vực cửa ngõ ra, vào tỉnh Hậu Giang tiếp tục được duy trì nhằm kiểm soát giấy chứng nhận tiêm vaccine hoặ giấy xác nhận của cơ quan, địa phương của người dân và phương tiện di chuyển từ các địa bàn có dịch vào Hậu Giang.

“UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể tỉnh, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này.

Đồng thời chú ý linh hoạt trong quá trình triển khai áp dụng nhưng không trái với quy định của tỉnh và Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”, Quy định về hướng dẫn tạm thời tỉnh Hậu Giang nêu rõ.

Sóc Trăng: Vận chuyển hàng hóa nội tỉnh ra vào vùng đỏ phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính

Theo quy định mới của Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường thủy nội địa nội tỉnh ra vào vùng đỏ phải xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính

Phương tiện từ vùng xanh, vùng vàng đến vùng cam và ngược lại, thì lái xe và người theo xe phải tuân thủ 5K; lái xe và người theo xe có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày (đối với loại vaccine phải tiêm 2 mũi thì mũi 2 đã tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và đến từ vùng không có dịch.

Phương tiện ra/vào vùng đỏ: Trường hợp đặc biệt, cung cấp các hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng nông sản, thủy sản khi giao nhận hàng phải có giấy xác nhận của cơ quan hoặc đơn vị cung cấp hàng hóa; phương án đảm bảo phòng, chống dịch gửi trước và được UBND cấp huyện chấp thuận.

Đồng thời, lái xe và người theo xe có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày (đối với loại vaccine phải tiêm 2 mũi thì mũi 2 đã tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 trong 72h kể từ khi có kết quả xét nghiệm.

img

Một chốt kiểm soát dịch ra vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đối với vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường thủy nội địa từ ngoài tỉnh vào Sóc Trăng thì lái xe và người theo xe có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 14 ngày (đối với loại vaccine phải tiêm 2 mũi thì mũi 2 đã tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và đến từ vùng không có dịch.

Nếu đến từ vùng có dịch phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 trong 72h kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Khi vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường địa phương thì thực hiện theo quy định.

Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, nắm bắt thông tin về hành trình, nơi xếp dỡ hàng hóa và cấp dịch do địa phương công bố; phổ biến đầy đủ kế hoạch vận tải cho người trên phương tiện để đảm bảo đáp ứng khi có yêu cầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19;

Bố trí lái xe, người đi theo xe đáp ứng các yêu cầu; bố trí phương tiện đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19: trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi (chỉ thực hiện khi đi từ hoặc đi qua địa bàn có dịch ở cấp 3, cấp 4);

Yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình và xếp dỡ hàng hóa tại các địa điểm ghi trong Giấy vận tải, hợp đồng vận chuyển hàng hóa; Bố trí nhân viên hoặc bộ phận y tế để phối hợp y tế địa phương xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại nơi làm việc;

Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải;

Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa phải chạy đúng lịch trình. Chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, nắm bắt thông tin về hành trình, nơi xếp dỡ hàng hóa và cấp dịch do địa phương công bố, phổ biến đầy đủ kế hoạch vận tải cho người trên phương tiện để đảm bảo đáp ứng khi có yêu cầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Bố trí phương tiện đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19: trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi (chỉ thực hiện khi đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3, cấp 4).

Yêu cầu thuyền viên chạy đúng hành trình đã được cấp phép của cơ quan Cảng vụ và xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến thủy nội địa; bố trí nhân viên hoặc bộ phận y tế để phối hợp với y tế địa phương xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại nơi làm việc.

Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển; tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.