Hạ tầng

Người có trách nhiệm trả lời về vết nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai

29/09/2014, 07:25

Toàn bộ quy trình từ khảo sát, thiết kế, đến thi công cao tốc Nội Bài - Lào Cai đều đúng tiêu chuẩn. Điều này đã được các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành kiểm tra xác thực.

Vết nứt đoạn Km83 cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Vết nứt đoạn Km83 cao tốc Nội Bài - Lào Cai


Tư vấn và nhà thầu đều là tên tuổi danh tiếng 


Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế với những quy trình lựa chọn, đấu thầu nghiêm ngặt. Tư vấn khảo sát thiết kế là Công ty OC của Nhật Bản. TVGS là Công ty Getinsa Ingenieria S.L - của Tây Ban Nha. Các nhà thầu thi công là các đơn vị danh tiếng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. 


Với riêng đoạn nứt ở Km 83 thuộc Gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam thi công. Ông Song Joo Myomung, Giám đốc Gói thầu A4 cho biết, quá trình triển khai thi công từ khi khởi công đến nay, nhà thầu luôn bám sát đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt, dưới sự giám sát chặt chẽ của tư vấn và chủ đầu tư.


“Đến tháng 7/2013 khi phát hiện ra đoạn đường có đất yếu Km 82+800 - Km 83+360, ngay lập tức nhà thầu đã phối hợp với các bên triển khai công tác khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu tuân thủ theo Quy trình khảo sát nền đường ô tô đắp trên nền đất yếu 22TCN 262-2000. Căn cứ vào kết quả khoan phát hiện ra tại khu vực này xuất hiện đất yếu với chiều dày không đồng nhất từ 3 m -12 m. Sau khi kiểm tra nền đất yếu, nhà thầu đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp được lựa chọn cuối cùng là thay đất một phần từ 4,5 - 6,5m”, ông Song Joo Myomung nói.


Căn cứ trên bản vẽ xử lý đất yếu được TVGS và chủ đầu tư phê duyệt tháng 8/2013, nhà thầu thi công đã tiến hành đào thay đất đến cao độ và kích thước thiết kế, tiến hành rải vải địa kỹ thuật ngăn cách và đắp trả bằng các loại vật liệu phù hợp theo chỉ dẫn của TVGS và chủ đầu tư, các bước thi công được TVGS và chủ đầu tư kiểm tra giám sát theo đúng trình tự. Nhà thầu hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng thi công xử lý đất yếu khu vực này.


Trao đổi với Báo Giao thông, ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria (Công ty Getinsa Ingenieria S.L - Tây Ban Nha), Tư vấn trưởng giám sát Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai khẳng định, hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng của cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đảm bảo tối đa. Trong quá trình làm việc, TVGS hoàn toàn độc lập để đưa ra các quyết định của mình và chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Việc nhận dạng các vị trí có điểm đất yếu chỉ được phát hiện trong quá trình thi công, còn trong quá trình khảo sát, thiết kế kỹ thuật ở các điểm này không được nhận dạng dù đã tuân thủ đúng quy trình, tiêu chuẩn. “Tại các vị trí đất yếu, cứ 100 m chúng tôi bố trí một mặt địa chất khoan theo phương ngang, còn ở tim tuyến trung bình 50m sẽ có một lỗ khoan. Đối với đoạn tại khu vực nền đất yếu dài 1km (Km 83) chúng tôi đã cho khoan tới 24 mũi để kiểm tra (thay vì thông thường chỉ khoan 2 mũi /1km) trước khi thi công”, ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria nói.

Vết nứt là bất khả kháng


Ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria cho biết thêm, nếu mặt trượt xảy ra ở điểm đã được tiến hành khảo sát và khoan thăm dò thì đã có phương án xử lý ngay từ đầu như tiến hành thay đất với chiều sâu từ 5-6,5m. Tuy nhiên, do không định hình được mặt trượt nguy hiểm và với số liệu ở các mặt cắt đã khoan, cung trượt nằm ngang nên không tính được điều kiện bất lợi nhất của cung trượt. Đây là việc bất khả kháng chứ không phải do năng lực của tư vấn hay chất lượng thi công của nhà thầu.
 

"Có những tuyến đường cao tốc trên thế giới sau khi đi vào khai thác đến 15 năm vẫn còn cho phép lún. Đối với 10 vị trí phải cắm biển chờ lún của dự án Nội Bài - Lào Cai chúng tôi đã dự báo được và giải quyết tối đa bằng các phương tiện, nguồn lực và những giải pháp tốt nhất nhưng sự cố nứt mặt đường vẫn xảy ra ở Km83. Đây là việc ngoài ý muốn do trong quá trình khảo sát không khoan đúng vào vị trí bất lợi nhất”.

 

Ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria
Tư vấn Trưởng giám sát
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT cầu đường VN cũng cho rằng, về mặt kỹ thuật, vết nứt tại Km 83 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hình thành do cung trượt cục bộ gây nên, không uy hiếp và ảnh hưởng lớn đến kết cấu và độ an toàn của con đường. Đây là sự cố đáng tiếc, nhưng mức độ nguy hiểm không nghiêm trọng. Điều này không phải là hiếm bởi nhiều dự án giao thông khác đã gặp phải. “Theo kinh nghiệm của tôi, giải pháp để xử lý cung trượt cục bộ này không quá phức tạp và không tốn kém nhiều. Có thể chỉ cần đắp một bộ phản áp nhẹ, kết hợp tháo dỡ đoạn mặt đường bị nứt, thảm bù lại là vết nứt sẽ ổn định”, Tiến sỹ Long nói.

Xác nhận điều này, ông Ngô Lâm - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Cục đã cử đoàn công tác kiểm tra vết nứt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Theo ông Lâm, về nguyên nhân, qua kiểm tra thực tế hiện trường và xem xét hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công đoạn đường bị nứt, đây là vị trí có nền đất yếu và xuất hiện một cung trượt.

 
“Qua công tác đánh giá, thẩm định hồ sơ, chúng tôi nhận thấy, quá trình khảo sát thiết kế ban đầu đã làm đúng với các tiêu chuẩn cho phép, số lượng và khoảng cách các mũi khoan thăm dò đều đúng tiêu chuẩn nhưng không phát hiện ra những khu vực đất yếu. Chỉ đến khi tiến hành thi công, các đơn vị mới phát hiện ra các khu vực có nền đất yếu. Khi đó quy trình khảo sát thiết kế đường ô tô trên nền đất yếu đã được vận dụng tại các khu vực này. Đối với đoạn nền đất yếu dài 1km vừa bị nứt mặt đường ở Km83, các đơn vị đã cho khoan 24 mũi để kiểm tra trước khi thi công. Mật độ và khoảng cách mũi khoan như vậy là đúng với tiêu chuẩn. Thế nhưng, mặt trượt gây nên vết nứt mặt đường rơi vào vị trí bất lợi nhất ở khoảng giữa của hai mũi khoan khảo sát khiến đơn vị thi công không phát hiện được, đó là điều rất đáng tiếc”, ông Lâm khẳng định. 

Chờ lún là việc bình thường trên thế giới


Ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria, người đã đảm nhiệm cương vị tư vấn trưởng ở nhiều dự án giao thông trên thế giới cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện cắm biển chờ lún. “Trên thế giời cũng có rất nhiều và đó là việc bình thường. Các dự án đường cao tốc ở các nước châu Mỹ La tinh, châu Âu mà tôi đã từng làm khi tuyến đường phải đi qua các khu vực có nền đất yếu thì đều phải chờ lún, đây là chuyện rất bình thường. Còn với Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai trải dài đến 245 km, trong khi điều kiện thông xe vẫn được đảm bảo là rất hiệu quả. Chờ lún là quá trình rất dài. Nó xảy ra hàng tháng, hàng năm chứ không phải chỉ ngày một, ngày hai nên người đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn toàn yên tâm về mặt an toàn” , ông Fracisco Javier De Bonnifaz Barria nói. 


Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long cho biết, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe, đưa vào khai thác sớm, một số vị trí cắm biển chờ lún là rất đúng, rất cần thiết. Nếu chờ tắt hết lún mới thông xe sẽ giảm nhiều hiệu quả kinh tế. 

Đ.Thắng - Đ.Quang


Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về vết nứt tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai

 

Ngày 26/9, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vết nứt trên mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại vị trí Km 83. 


Báo cáo nêu rõ: Trong quá trình đấu thầu, dự án bị thiếu vốn nên hai gói thầu A4, A5 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Yên Bái bị chậm, khởi công vào ngày 1/10/2010. Trên toàn tuyến có 10 đoạn đi qua vùng đất yếu theo quy trình xử lý nền đất yếu phải đến cuối năm 2015 dự án mới hoàn thành.


Tuy nhiên, để sớm phát huy hiệu quả của dự án, chủ đầu tư (VEC) đã báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho phép xử lý kỹ thuật, tiếp tục quan trắc theo dõi xử lý bù lún hoặc nứt (nếu có) trong quá trình khai thác. Vì vậy, dự án đã được thông xe vào ngày 21/9/2014.


Vị trí vết nứt mặt đường tại Km83 với chiều dài 73 m là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến, trước khi thông xe đã được chủ đầu tư tổ chức họp báo công bố công khai minh bạch ngày 17/9/2014. Đồng thời, các nhà báo cũng được bố trí đi thực tế các điểm chờ lún để quan sát.


Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá vết nứt tại Km 83 tương đối lớn là bất thường. Để xác định nguyên nhân chính xác và có biện pháp xử lý triệt để, chủ đầu tư đã cho khoan bổ sung địa chất với mật độ dày hơn, kết quả lỗ khoan cho thấy vết nứt nằm trên triền đá yên ngựa dưới tầng đất yếu có độ nghiêng 30 độ, với nền đường đắp cao từ 7-9 m cùng với hai bên bị tích nước sau các cơn bão số 3 và số 4 vừa qua đã tạo nên vết nứt nêu trên.


Để khắc phục, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư trước mắt xử lý vết nứt để chống thấm nước và xử lý lún bằng bù phụ mặt đường, tạo sự êm thuận trong quá trình khai thác, đảm bảo ATGT tuyệt đối, trong thời gian tới tiếp tục khảo sát, quan trắc tìm hiểu nguyên nhân chính xác để xử lý triệt để theo đúng thiết kế. Toàn bộ kinh phí do nhà thầu chịu. 9 vị trí xung yếu còn lại cũng sẽ tiếp tục lún và có thể nứt như tại Km 83, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư quan trắc theo dõi thường xuyên bù phụ để đảm bảo ATGT theo đúng thiết kế sau khi tắt lún.

 

N.Đ.T

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.