Thời sự

Người dân hưởng lợi gì từ nông thôn mới?

26/11/2018, 07:05

Trong khi các nhóm tiêu chí khác có số xã đạt chuẩn từ 70-90% thì đường giao thông chỉ đạt 55,4%...

5

Ông Nguyễn Minh Tiến

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN, PT&NT), trước thềm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/11 tại Hà Nội.

Nhiều địa phương xuất hiện “đại lộ nông thôn”

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (Chương trình nông thôn mới) tới nay đã góp phần thay đổi đời sống người dân thế nào, thưa ông?

Sau 8 năm thực hiện, tới nay cả nước có 3.478 xã (38,98%), 55 huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với tiến độ này, chỉ tiêu 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn toàn có thể đạt được vào cuối năm 2019, sớm hơn 1 năm so với dự định.

Bên cạnh những kết quả khả quan về số lượng, Chương trình nông thôn mới đang đi vào chiều sâu chất lượng đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Năm 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn lực huy động cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới khoảng 820.964  tỷ đồng, xấp xỉ tổng nguồn vốn huy động của 5 năm 2012-2015. Trong đó, ngân sách Trung ương 24.167,1 tỷ đồng (2,9%); ngân sách địa phương 91.975 tỷ đồng (11,2%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 96.093 tỷ đồng (11,7%); vốn tín dụng: 512.450 tỷ đồng (62,4%); vốn doanh nghiệp: 39.480 tỷ đồng (4,81%).

Phải khẳng định, việc các địa phương tập trung dồn nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn những năm vừa qua đã giúp diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt. Đến nay, cả nước đã có 4.944 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 55,4%), 7.653 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,7%), 5.063 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 56,7%), 4.707 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,7%), 6.362 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 71,3%)... Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hoá; 4.498 xã có công trình nước sạch tập trung, trong đó có 14.039 công trình đang hoạt động, chiếm 87,2%...

Qua đó, điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân đã được nâng lên, so với 10 năm trước, thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn tăng 3,5 lần đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Kết quả chuyển biến nhìn chung rất rõ nét song thực tế, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Cụ thể, tỷ lệ xã đạt chuẩn vùng Đồng bằng sông Hồng (65,38%), Đông Nam Bộ (63,88%) trong khi khu vực miền núi phía Bắc (18,20%), Tây Nguyên (24,67%), Đồng bằng sông Cửu Long (31,21%)... Một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam...) để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thế nhưng, một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp (như Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng…).

Vai trò đầu tư phát triển hạ tầng cơ bản trong đó có đường giao thông tác động tới thay đổi đời sống người dân ra sao?

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, giao thông nông thôn trong hơn 8 năm qua đã hoàn thành một khối lượng hơn gấp 5 lần giai đoạn 2001-2010. Có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...), hệ thống đường giao thông được bê tông hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chất lượng đường giao thông nông thôn được nâng cấp không chỉ tuyến từ UBND xã đến UBND huyện, mà còn ở các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng mà tại một số địa phương đã xuất hiện “đại lộ nông thôn”.

Bộc lộ nhiều bất cập

Nếu so với các tiêu chí khác, số xã đạt tiêu chí đường giao thông lại gần như ở mức thấp nhất, dù được ưu tiên đầu tư nguồn lực. Tại sao vậy thưa ông?

Trong khi các nhóm tiêu chí khác có số xã đạt chuẩn từ 70-90% thì đường giao thông chỉ đạt 55,4%. Đáng nói, chủ yếu các xã đạt chuẩn giao thông nằm ở vùng có điều kiện kinh tế phát triển còn tại những vùng khó khăn, tỷ lệ số xã đạt chuẩn về đường giao thông rất thấp chỉ từ 12-25%. Lý do căn bản vẫn là bài toán thiếu nguồn lực. Mặc dù nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông và trường học chiếm tới 70% tổng đầu tư xây dựng nông thôn mới nhưng tại những vùng khó khăn, nơi hầu như cơ sở hạ tầng chưa có, nhu cầu vốn đầu tư lại cần lớn hơn rất nhiều.

Không những thế, trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn còn bộc lộ bất cập từ sự thiếu đồng bộ dẫn tới không đạt hiệu quả như mong muốn. Thực tế, tại nhiều nơi đường giao thông liên xóm, liên thôn đã được xây dựng khá hoàn thiện, hiện đại nhưng khi đấu nối ra đường liên xã, đường huyện lại gặp khó khăn. Lý do bởi chương trình nông thôn mới chỉ đưa ra cơ chế chính sách đầu tư, huy động nguồn lực cho giao thông nội đồng cấp xã trong khi tuyến đường liên xã, đường huyện đã xuống cấp nhiều năm lại đang bị bỏ ngỏ. Hiện nay, chúng ta chưa hề có cơ chế chính sách nào hỗ trợ cho huyện làm nông thôn mới trong khi nhu cầu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng cấp huyện rất lớn.

Ngoài ra, chúng ta cũng mới chỉ chú trọng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trong khi lại thiếu cơ chế quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng. Mặc dù đây chính là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tuổi thọ của tuyến đường. Đó là chưa kể chuyện xe tải trọng lớn né tuyến quốc lộ chạy vào phá nát đường nông thôn. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận rất nhiều đơn thư của người dân khiếu kiện về tình trạng này.

Vì vậy, chúng tôi rất đồng tình khi Bộ GTVT trình Chính phủ xin phép điều chỉnh Chiến lược Giao thông nông thôn nhằm giải quyết những bất cập về tính đồng bộ, mâu thuẫn lợi ích cũng như cơ chế chính sách huy động nguồn lực.

Trước những bất cập trên, chương trình nông thôn mới dự kiến sẽ được triển khai thế nào trong giai đoạn tiếp theo?

Năm 2019, chương trình nông thôn mới sẽ tổng kết và đánh giá lại cơ chế chính sách, xây dựng chương trình sau năm 2020 trên cơ sở đảm bảo tính toàn diện, bền vững và hiệu quả. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu và đề xuất chương trình sau này không chỉ coi cấp xã là đơn vị trọng tâm triển khai mà có thể linh hoạt mở rộng cấp huyện, liên huyện. Cụ thể, đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại những vùng kinh tế phát triển, sẽ có chính sách huy động hỗ trợ nguồn lực cho cấp huyện nhằm hướng tới tính kết nối đồng bộ hiện đại. Bên cạnh đó đối với vùng khó khăn, vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới từ cấp cơ sở.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.