Phát triển - Kết nối

Người dân miền núi Thanh Hóa hưởng lợi gì từ dự án QL15

05/11/2021, 15:39

Tuyến QL15 đi qua các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang từng bước hoàn thành, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa thuộc Tiểu dự án 3 nâng cấp đoạn Km 53+00 - Km 109+00 (qua tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng qua các huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh và Ngọc Lặc với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

img

Tuyến đường QL15 đang được đầu tư xây dựng để kết nối các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa sang Hòa Bình

Đường mở rộng, cuộc sống người dân thay đổi

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đi lên phía Tây qua mấy huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Đường sá đi lại giờ thuận tiện hơn xưa rất nhiều. So với những năm 1990 trở về trước thì đa số đều là đường cấp phối, đường đất gồ ghề. Chỉ cần một trận mưa là người và xe bì bõm trong bùn đất, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010, đường được đầu tư với chiều rộng khoảng 3m.

img

Bà Phạm Thị Hà cho biết, dự đính tới đây vợ chồng người con trai sẽ mở quán tạp hóa sau khi đường làm xong

Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, hệ thống giao thông đi các huyện miền núi được quan tâm đầu tư kịp thời, mặt đường được mở rộng 7m với 2 làn đường, “nắn” nhiều điểm cong, cua, dốc nguy hiểm. Nhiều tuyến đường huyết mạch như: QL217, QL15A, QL15C nâng cấp sửa chữa tạo ra một “mạch máu giao thông” quan trọng để kích cầu kinh tế - xã hội của các huyện phía Tây tỉnh này.

Có mặt trên tuyến QL15 đoạn qua huyện Lang Chánh, ông Lê Phi Thiên (64 tuổi, ở thôn Cui, xã Đồng Lương) cho biết: Vừa rồi dự án làm đường đã đi qua đất nhà tôi mất gần 200m2. Trước kia đường chưa mở rộng thì tôi có 3 gian nhà cũ giáp mặt đường. Đường lúc đó nhỏ, xuống cấp lắm. Nhưng mới đây, khi nhà nước đầu tư xây dựng thì tôi được đền bù hơn 1,2 tỷ đồng. Có tiền tôi xây nhà mới ở luôn.

img

Ông Lê Phi Thiên cho biết đường đi qua đã giúp nhà ông ra gần mặt đường hơn...

img

... Ngôi nhà của gia đình ông Thiên được đầu tư xây mới sau khi nhận được đền bù hơn 200m2 đất

Hàng xóm ông Thiên, bà Cao Thị Kim (68 tuổi) cho hay: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến sự đổi thay của những con đường. Lúc đầu đường đất, sau được nâng cấp mở rộng ra. Hàng ngày có nhiều phương tiện qua lại nên bà con ở đây kinh doanh buôn bán cũng thuận lợi. Đặc biệt, QL15 mới thảm nhựa này vừa làm xong thì dân ở đây ai cũng thích. Chúng tôi không lo bụi bặm, lo tai nạn rình rập nữa vì đường giờ rộng thênh thang, từ giờ đến Tết chỉ lo làm ăn thôi.

Ngược lên phía huyện miền núi Bá Thước, các đơn vị thi công đang san, ủi, là mặt đường hai bên dọc tuyến, bà Phạm Thị Hà (54 tuổi, ở xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) tâm sự: Nhà tôi trước kia cách đường chừng 5m, nay đường mở rộng đi qua thì vào đến sân nhà. Vợ chồng con trai tôi đang dự định sau này cải tạo lại nhà, mở buôn bán cái gì đó trục đường này xe tải, xe khách qua lại nhiều. Nghề nông nghiệp thì vẫn làm nhưng mong muốn sẽ thay đổi cuộc sống.

Được biết, Dự án QL15 được Bộ GTVT phê duyệt theo Quyết định số 2793/QĐ-BGTVT ngày 23/9/2010. Theo quyết định này, dự án do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư sau đó được ủy thác cho Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông 2 thực hiện (nay là Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa).

Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung trúng thầu thực hiện thi công. Ngoài ra trên tuyến còn có 2 nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Tân Thành, Công ty cổ phần Sun Việt.

img

Dọc tuyến đường QL15 qua xã Đồng Lương, nhiều hộ dân sau khi nhận được đền bù tranh thủ xây nhà mới to đẹp hơn.

Sớm đưa dự án vào khai thác để kích cầu kinh tế

Theo hồ sơ, dự án QL15 có điểm đầu nối với Tiểu dự án 2 thuộc địa phận xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa và điểm cuối tại thị trấn Ngọc Lặc để kết nối với đường Hồ Chí Minh (không bao gồm đoạn tuyến từ Km 72+950 - Km75+650, QL15 trùng với đoạn Km 104+475 - Km 107+200, QL217 đã được Bộ GTVT đầu tư theo Dự án nâng cấp QL217 tại Quyết định số 3986/QĐ-BGTVT ngày 21/10/2014). Theo thiết kế, phần đường được xây dựng đúng tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ 60 km/h.

img

Việc đầu tư tuyến đường nhằm kích cầu giao thương giữa các khu vực Tây Bắc và khu vực Miền Trung

Về tiến độ thực hiện dự án, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa , đến nay, cơ bản các huyện đã bàn giao mặt bằng trên toàn dự án. Riêng huyện Quan Hóa còn cục bộ 2 hộ dân phía mố M1, cầu Na Sài đang thắc mắc đơn giá bồi thường thấp, Hội đồng GPMB huyện đang tiếp tục vận động, dự kiến hoàn thành trước ngày 5/1/2022; đoạn qua xã Thiết Ống, huyện Bá Thước đang tiếp tục bảo vệ thi công 02 đoạn tuyến và 06 vị trí cục bộ liên quan đến đất hành lang còn lại, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thành viên của Tổ công tác bảo vệ liên quan đến ca F0 khu vực huyện Bá Thước nên đã ảnh hưởng đến tiến độ.

Các đơn vị đã thi công được 37km đường trong tổng số chiều dài 53,3km. Cơ bản xong 06 cầu: Chu Môn, Chiềng Khạt, Lang Chánh, Sàng Cải, Làng Thang, Hồ Ong; các cầu đang thi công gồm có: Làng Cha (mố M1 đến tường thân, bệ trụ, xong dầm; xong mố M2); Làng Kế (mố M1, M2 đến tường đỉnh, dầm 01/4); Làng Cỗi (xong dầm, cầu tạm); Làng Luồng (xong mặt cầu); cầu Na Sài (xong bệ trụ T6; mố M2 06/06 cọc)... Giá trị ước đạt khoảng 330,01/640,559 tỷ đồng (đạt 51,51%), cơ bản đảm bảo tiến độ hợp đồng.

Ông Đoàn Khả Phú - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, cho biết: Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng ở những vị trí cục bộ. Tận dụng những ngày khô ráo thi công ngày đêm để sớm hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Khiên - Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án có ý nghĩa rất lớn, trong đó nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông của các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, kết nối giao thương giữa các huyện, vùng Tây Bắc.

Tại Quyết định số 2793/QĐ-BGTVT ngày 23/9//2010 của Bộ GTVT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp QL15 đoạn qua Hòa Bình và Thanh Hóa - Tiểu dự án 3 (nâng cấp đoạn Km 53+00 - Km 109+00 qua tỉnh Thanh Hóa) chỉ rõ mục đích đầu tư là nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Đồng thời kết nối giao thông vùng Tây Bắc và khu vực Miền Trung tạo thành mạng lưới giao thông quan trọng góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.