Đời sống

Nước sạch Miền Tây vừa thừa vừa thiếu

13/05/2019, 10:25

Đã đến lúc cần sự nỗ lực của các bên để nước sạch miền Tây không còn rơi vào cảnh vừa thừa lại vừa thiếu.

img
Bà Nguyễn Thị Út cho biết, thùng đựng nước một thời gian thì bên trong bị đóng màu vàng ố

Sóc Trăng: Nước chảy nhỏ giọt

Báo Giao thông từng đăng tải bài “Nhiều hộ gia đình ở Hậu Giang chưa được sử dụng nước sạch”. Giờ lại đến Sóc Trăng, Cần Thơ tiếp tục “khát” nước sạch.

Có điều, khác với tình trạng được sử dụng nhiều nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt như tại Hậu Giang và Cần Thơ, nhiều địa phương tại Sóc Trăng lại rơi vào tình trạng “khát” nước sạch, chỉ vì “cung” chưa đáp ứng đủ “cầu”, thành ra thiếu nước.

Ông Nguyễn Minh Thiện (ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, nguồn nước ở đây cung cấp không đáp ứng hết được nhu cầu sử dụng. Vào giờ cao điểm, nước chảy nhỏ giọt, thậm chí cúp hẳn nước, ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của người dân.

“Hằng ngày gia đình phải tranh thủ tắm giặt từ sớm, hoặc trữ nước vào thùng để phòng cúp nước có nước dùng. Giờ có nguồn nước sạch đủ để sử dụng là tụi tui khỏe”, ông Thiện bày tỏ.

Ông Võ Văn Kía, Bí thư ấp Mỹ Thạnh chia sẻ, việc sử dụng nước sạch của người dân được quan tâm và ngày càng được cải thiện. Hơn 50% người dân đã có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, nhu cầu hiện vẫn còn rất cao, vào giờ cao điểm không đáp ứng đủ nước sinh hoạt. Đặc biệt, vào mùa khô, xảy ra tình trạng hạn, mặn xâm nhập cuộc sống của người dân trở nên vất vả hơn vì thiếu nước sinh hoạt.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến nay, Trung tâm đang quản lý 146 công trình cấp nước tập trung, công suất thiết kế từ 168 - 960 m3/ngày đêm. Tổng chiều dài tuyến ống cấp nước 2.467 km. Số đồng hồ Trung tâm đang quản lý là 103.292 cái, chất lượng nước cấp đạt theo TCVN 02:2009 của Bộ Y tế. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,1%, trong đó tỷ lệ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia là 55,2%.

Cần Thơ: Người dân chê nước máy không sạch

Trong khi đó, cũng giống như tại Hậu Giang và Cần Thơ tuy được sử dụng nhiều nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt như nước sông, nước mưa, nước đóng chai và nước máy nhưng một bộ phận người dân dù đã lắp đặt nước máy nhưng lại sử dụng rất ít.

Thậm chí, có nhà còn xem loại nước này còn không bằng nước sông mặc dù theo lẽ thông thường nước máy là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân Miền Tây và được cho là nguồn nước sạch vì đã qua xử lý tại các nhà máy nước. Vậy nên “thừa” mà lại “thiếu” (thừa nguồn nước nhưng thiếu nước sạch, nước đảm bảo).

Sử dụng nước từ nhà máy cấp nước đã hơn 8 năm qua nhưng hộ bà Nguyễn Thị Lan (SN 1972, ngụ xã Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) hàng tháng vẫn phải tốn thêm một khoản chi phí mua nước đóng thùng về dùng cho việc nấu ăn và uống.

“Lúc mới sử dụng nước máy thấy có mùi hăng hắc của chất khử trùng. Khi dùng nước tắm lại có cảm giác nhơm nhớp nên nhà tôi chịu tốn thêm một khoảng tiền mua nước lọc về ăn uống cho đảm bảo”, bà Lan nói.

Thực tế cho thấy, người dân địa phương ở đây đa phần đề sử dụng ba, bốn loại nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Hộ nào cũng sử dụng đan xen giữa nước mưa, nước đóng thùng, nước sông, nước máy…

Chỉ tay vào thùng nhựa bên trong nhuốm màu ố vàng, bà Nguyễn Thị Út (SN 1970, ngụ khu vực Phú Lễ, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết đây là kết quả của việc dùng thùng nhựa để đựng nước máy trong một thời gian. Vì vậy, cũng giống như các gia đình khác, hộ bà Út mua nước lọc về nấu ăn và uống. Sinh hoạt hằng ngày, gia đình bà lại dùng nước sông song song với nước máy vì đã quen dùng nguồn nước này từ mấy chục năm qua.

Nhà chị Nguyễn Thị Liên chọn phương thức tích trữ nước mưa để sử dụng. “Tính dùng nước máy nấu ăn nhưng khi ăn lại thấy không ngon lại có vị mặn nên chỉ để tắm. Thế nhưng, tắm xong người lại có cảm giác nhơm nhớp. Còn khi tích trữ nước thì xảy ra đóng cặn đục ở dưới đáy lu. Vì vậy, nhà tui chỉ dùng nước này cho việc tắm giặt, rửa chén và những sinh hoạt thường ngày. Còn lại ăn, uống đều dùng nước mưa tích trữ”, chị Liên thông tin và bày tỏ mong muốn có được nước sạch sử dụng cho mọi mục đích chứ không phải phân chia như hiện tại.

img
Chị Nguyễn Thị Liên mong có nguồn nước sạch sử dụng được cho mọi mục đích

Gỡ ”khó” cho nước sạch Sóc Trăng

Để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm 2018, đơn vị đã tham mưu xây dựng Đề án cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng và Đề án hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước và nước sinh hoạt cho hộ nghèo trên địa bàn nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Các đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai. Đến nay, mạng cấp nước ngày càng mở rộng phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân ở các xã Long Bình, Ba Trinh, Đại Hải, Trinh Phú, Mỹ Tú.

Riêng khu vực ấp Mỹ Thạnh, hiện có 320 hộ dân chưa có nước sạch sử dụng sinh hoạt. Để cấp nước cho khu vực này cần đầu tư mở rộng tuyến ống 5.000 mét, kinh phí dự kiến khoảng 800 triệu đồng.

Theo ông Đinh Diệp Anh Tuấn, Chánh văn Phòng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, do chế độ xâm nhập mặn, hệ thống cấp nước đô thị các tỉnh ven biển khai thác chủ yếu từ nguồn nước mặt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy ở một số địa phương như Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang,… phải cung cấp nước lợ hoặc phải ngừng hoạt động gây ảnh hương nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Cũng theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai cung cấp nước sạch vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn do thiếu vốn. Cạnh đó, tỉ lệ người dân tộc thiểu số và tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh khá cao, nhiều nơi dân cư sống không tập trung. Đặc biệt, một số công trình cấp nước của đơn vị hiện nay đang hoạt động quá tải, do việc mở rộng kéo dài tuyến ống cấp nước và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của người dân.

Một số nhà máy cấp nước đô thị còn lạc hậu

Liên quan đến vấn đề nước sạch cho người dân, ông Đinh Diệp Anh Tuấn, Chánh văn Phòng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nghiên cứu mới đây từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam, các nhà máy nước cấp cho các đô thị toàn vùng ĐBSCL hiện nay khoảng 985.017m3/ngày. Nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Tiền và sông Hậu tổng công suất khai thác khoảng 650.000m3/ngày (tương ứng khoảng 66%) và nguồn nước ngầm được khai thác với tổng công suất khoảng 335.000m3/ngày (tương ứng khoảng 34%). Các tỉnh chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm có Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Long An.

Nhìn chung hiện nay, một số nhà máy cấp nước đô thị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, công nghệ xử lý còn lạc hậu. Trong khi đó, công suất khai thác chỉ đạt khoảng 70% so với công suất thiết kế. Mặc khác, hệ thống cấp nước được xây dựng qua nhiều thời kỳ, nhiều đường ống đã xuống cấp, hư hỏng, chắp vá, tỷ lệ thất thoát cao...

Rõ ràng, không phải đến nay, miền Tây mới “khát” nước sạch. Từ những năm trước cũng đã vậy, nên cần nỗ lực của các bên để đáp ứng nhu cầu về “lượng” của người dân Sóc Trăng và nhu cầu về “chất” của người dân Cần Thơ, Hậu Giang để nước sạch miền Tây không còn rơi vào cảnh “vừa thừa lại vừa thiếu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.