Xã hội

Người dân miền Trung hối hả bơm nước gia cố mái nhà, chống siêu bão

26/09/2022, 13:05

Bên cạnh giải pháp dùng bao cát, nhiều hộ dân ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi dùng bao nước gia cố mái tôn, phòng chống bão Noru đang cận kề.

Sáng 26/9, ghi nhận nhanh của PV trên địa bàn TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), nhiều hộ dân, chủ cơ sở kinh doanh tất bật chằng chống nhà cửa, gia cố các mái tôn bằng nhiều vật dụng. Bên cạnh giải pháp truyền thống tăng tải bao cát, nhiều hộ sử dụng các bao linon đựng nước.

Một tay mở miệng bao, một tay anh Phạm Đình Hải (P.Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi) lấy vòi bơm nước từ dưới nhà xả đầy vào túi lớn. Chỉ vài phút, anh Hải hoàn thiện xong một bao linon nước dài hơn 1m, rộng khoảng 0,5m. Theo anh Hải, lâu nay mỗi lần chống bão, gia đình hay mua cát về rồi kéo lên mái. Nhưng vừa qua, thấy cách dùng nước này hay và tiện lợi nên trước bão Noru, anh quyết định dùng thử.

img

Người dân trên đường Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu (Đà Nẵng) dùng bao nilon đựng nước để gia cố sức chịu gió cho mái tôn. Ảnh Xuân Huy

"Với các bao cát, việc vận chuyển lên mái hết sức khó khăn. Do cát nặng, phải cần ít nhất 2-3 người, nâng đỡ, rồi kéo lên, mất nhiều sức và thời gian. Nhưng với việc dùng nước này, gia đình chỉ cần vòi dẫn dài, rồi lấy bao để sẵn trên mái, cứ thế bơm và buộc chặt lại. Nếu cần chắc chắn thì mình lồng 2-3 bao linon vào làm 1, vừa nhanh vừa đỡ chi phí", anh Hải nói.

Nhiều hộ dân lân cận nhà anh Hải cũng dùng cách này để phòng bão. Theo các hộ dân, siêu bão Noru là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, nên các gia đình không chủ quan. Việc gia cố mái bằng nước vừa an toàn, mà lại ít vất vả hơn dùng đất cát đưa lên chằng mái. Bão đi qua cũng không cần phải lên thu dọn như cát.

Tại Đà Nẵng, những năm gần đây, người dân thường dùng bơm nước lên các bao linon đề chẳng chống mái tôn.

Anh Nguyễn Văn Toàn (chủ quán bê thui, trên đường Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, dù là quán thuê nhưng phải gia cố cẩn thận. Lần này, việc dùng bao nilon nước cũng tiện lợi hơn rất nhiều. Thậm chí khi bão đi qua, nếu nguồn nước sạch bị ảnh hưởng, gia đình có thể lên lấy lại nước trên mái để dùng tạm.

Theo UBND P.Hòa Khánh Nam, phường tăng cường lực lượng để hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa. Đặc thù các hộ dân phần lớn lợp mái tôn, nên nếu không gia cố cẩn thận gặp sức gió lớn sẽ dễ bị thổi tung, gây hư hại vật dụng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Người dân dùng nhiều cách như dây cáp để neo mái, hoặc bao cát, và cả bao nilon nước. Mỗi cách có công dụng khác nhau, nhưng phải đạt hiệu quả tốt nhất.

img

Tại TP.Quảng Ngãi. những bao ni long có bề rộng 0,5m và dài 1,2m được người dân tỉnh Quảng Ngãi sử dụng vào việc chống bão bằng cách bơm đầy nước và buộc chặt để chằng chống mái tôn - Ảnh: LÊ ĐỨC

img

Theo người dân, việc sử dụng bao ni long chứa nước và chằng chống mái nhà trong bão sẽ hiệu quả hơn so với dùng bao cát vì việc vận chuyển thuận lợi, tính chất an toàn sẽ cao hơn so với bao cát do bao nước nặng và lực đèn nén lớn.

img

Bên cạnh việc hỗ trợ chằng chống mái nhà an toàn trước bão, các bao nước này còn có một vai trò lớn đó là nguồn dự trữ nước để sử dụng trong sinh hoạt khi bão tan lũ về làm nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, chính các bao nước này sẽ là "tài sản" để sử dụng trong các ngày sau bão.

img

Việc vận chuyển các "cục tạ" để gia cố mái nhà trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn so với việc sử dụng bao tải chứa đầy cát khi gia cố chằng chống nhà trước khi bão đổ bộ vào đất liền và một người có thể làm được thay vì sử dụng bao tải chứa cát phải có ít nhất 2 người mới làm được.

img

Không chỉ mang lại hiệu quả trong quá trình chống bão và giữ được nguồn nước sinh hoạt mà việc vệ sinh sau bão, lũ cũng thuận lợi hơn.

img

Sáng 26/9, tranh thủ thời tiết hửng nắng, nhiều hộ dân trên địa bàn Liên Chiểu (Đà Nẵng) tất bật gia cố, chằng chống lại mái nhà

img

Giải pháp dùng túi nilon để bơm nước lên mái được nhiều người sử dụng

img

Có nhiều hộ đem cả can lớn loại 30-50 lít lên mái

img

Mỗi bao nilon nước này nặng 20-30kg góp phần tạo lực để giữ mái

>>> Xem thêm video dùng nước gia cố mái chống bão:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.