Xã hội

Người dân mong được bảo lãnh xe vi phạm tại chỗ

16/09/2021, 06:25

Người vi phạm muốn bảo lãnh xe vẫn vướng quy định phải mất thời gian 2- 3 ngày làm thủ tục, quá trình đó xe vẫn phải ở bãi tạm giữ...

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính và đưa ra lấy ý kiến.

Tuy nội dung hướng dẫn đã cụ thể, rõ ràng hơn trước, song việc người vi phạm có được đặt tiền tại chỗ rồi mang xe về nhà hay không thì chưa thấy được đề cập trong dự thảo.

img

Trong khi nhiều bãi giữ xe vi phạm đang trong tình trạng quá tải thì người dân vẫn chưa mặn mà với quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh để mang xe về tự trông giữ

Vẫn mất 2- 3 ngày làm thủ tục

Dự thảo nói trên nhằm thay thế Nghị định 115/2013 (đã sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 31/2020 ngày 3/5/2020) sau 7 năm áp dụng.

Theo cơ quan soạn thảo (Cục Pháp chế, Bộ Công an), dự thảo Nghị định mới nhằm quy định cụ thể hơn nữa việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ; phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm bị tạm giữ.

Trong đó, dự thảo sẽ quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm để thuận tiện áp dụng; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra như khi đến thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không đến giải quyết...

Cụ thể, dự thảo quy định mức tiền đặt bảo lãnh xe ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm.

Người vi phạm muốn bảo lãnh xe chỉ cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị đặt tiền bảo lãnh. Cơ quan chức năng trong vòng tối đa 2 ngày sau khi nhận được đơn phải giải quyết xong (trừ trường hợp vụ việc phức tạp phải phát sinh thì trong vòng tối đa 3 ngày).

Nếu cơ quan chức năng không chấp nhận đơn bảo lãnh xe thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do với người vi phạm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường,Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), dù dự thảo có chi tiết và cụ thể hơn về điều kiện, thủ tục bảo lãnh xe, song về cơ bản, không có nhiều điểm mới so với Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 3/5/2020.

“Người vi phạm muốn bảo lãnh xe vẫn vướng quy định phải mất thời gian 2- 3 ngày làm thủ tục, quá trình đó xe vẫn phải ở bãi tạm giữ. Trong khi quy định hiện hành, hiện thời gian tạm giữ xe nếu không có các yếu tố phức tạp, điều tra hình sự chỉ là 7 ngày”, luật sư Cường nói.

Ngại mất thời gian

Kể từ khi triển khai Nghị định số 31/2020 đến nay, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, lực lượng CSGT cả nước đã lập biên bản xử lý 1.733.203 trường hợp vi phạm, tạm giữ 298.008 phương tiện các loại. Tuy nhiên, số phương tiện làm thủ tục bảo lãnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thống kê từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho thấy, chưa có chủ phương tiện nào thực hiện bảo lãnh xe từ đầu năm đến nay.

Khi tất cả các thông tin cá nhân của người dân đã được thu thập, quản lý chặt chẽ trên kho dữ liệu dùng chung, có thể xem xét áp dụng việc cho bảo lãnh xe vi phạm ngay tại thời điểm, nơi vi phạm.
Trước mắt, chúng ta có thể thí điểm cho áp dụng tại những thành phố lớn, đã đồng bộ hoá các điều kiện về công nghệ thông tin, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử phạt vi phạm giao thông nói chung và việc cho bảo lãnh phương tiện nói riêng rất cần được quan tâm, thúc đẩy.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM


Lý giải về thực trạng này, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết, dù quy định của Nghị định 31/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013) đã cụ thể, thuận tiện hơn trước đây rất nhiều, nhưng thực tế còn một số điểm vẫn chưa phù hợp.

Trong đó, người vi phạm thấy vướng nhất là thời hạn giải quyết thủ tục bảo lãnh 2-3 ngày.

Ngoài ra, nhiều người vi phạm cho rằng mức tiền đặt bảo lãnh hiện quy định ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa, mà giá trị xe lại thấp thì sẽ không có nhu cầu bảo lãnh.

Từng từ bỏ ý định bảo lãnh xe vì thủ tục khá phiền hà, chị Hải Minh (ở Đại Kim, Hoàng Mai) cho biết, khi vi phạm, xe vẫn bị cẩu về nơi tạm giữ, bản thân chị được hướng dẫn phải vòng về địa phương xin xác nhận, rồi quay lại trụ sở CSGT nộp đơn đợi phê duyệt có được bảo lãnh hay không.

“Tôi được hướng dẫn quá trình chừng 2-3 ngày, mà xe cũng chỉ tạm giữ 7 ngày. Thế nên tôi đành để luôn xe ở bãi tạm giữ. Nay đọc dự thảo mới, cơ bản các quy định về thời gian giải quyết thủ tục bảo lãnh, số tiền tối thiểu bảo lãnh vẫn như cũ, chỉ thêm hướng dẫn về nộp đơn bảo lãnh, tôi thấy chưa thuận tiện”, chị Minh cho hay.

Tương tự, anh Lê Tú (ở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho rằng, xe đã vi phạm bị tạm giữ có bảo lãnh về nhà cũng chỉ cất giữ, không được tham gia giao thông.

Do đó, chỉ với những xe đắt tiền, chủ xe “xót ruột” mới làm thủ tục bảo lãnh. Vì vậy, vướng mắc với nhóm đối tượng này không phải là mức tiền đặt bảo lãnh, mà thủ tục phải thuận tiện, nhanh chóng.

“Với cơ sở dữ liệu hiện có, CSGT hoàn toàn có thể tra cứu ngay xe đó có phải vật chứng vụ án hình sự, đua xe trái phép, BKS giả, số khung số máy bị đục xoá... Nếu không thuộc trường hợp không được bảo lãnh, chỉ cần giấy tờ chứng minh đó là chủ xe thì nên cho người vi phạm nộp tiền bảo lãnh đưa xe về”, anh Tú đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.