Xã hội

Người dân nói gì khi phải chen chúc chờ văn phòng "một cửa" ở Lâm Đồng?

22/11/2021, 22:47
image

Tất cả đều đồng tình theo phản ánh của Báo Giao thông, và người dân đưa ra nhiều giải pháp hợp lý, để giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người dân.

Nhiều người dân đồng tình sau phản án của Báo Giao thông

Sau khi Báo Giao thông đăng bài viết “Dịch phức tạp, dân vẫn chen chúc làm thủ tục từ 4h sáng như thời bao cấp” trên rất nhiều trạng mạng đã có ý kiến về vấn đề này của người dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

img

Sợ mất chỗ, người dân phải bỏ hồ xơ, mũ bảo hiểm giữ chỗ giống thời bao cấp

Trên nhóm “LÂM HÀ QUÊ TÔI” đến 17h, ngày 22/11 có tới 208 người bình luận vầ 71 lượt chia sẻ. Phần lớn các thông tin đồng tình với nội dung Báo Giao thông đã đăng.

Tài khoản Le Thị Lan cho biết: “Đang dịch bệnh phức tạp, xem video thấy nhiều người còn vô ý thức không đeo khẩu trang, hay có đeo thì cũng chỉ đeo ở dưới cằm không chịu bịt lên mũi, đúng là điếc không sợ súng mà”.

Tài khoản Trần Hà cũng bình luận: “Cái một cửa đấy rất phức tạp. Loằng ngoằng lắm. Cứ ra một cửa là ôi thôi xác định mất 1 ngày là ít, chầu chực khổ vô cùng. Dịch bệnh quản lý thì không chặt. Người dân cũng không đành phải đi như vậy...”.

img

Một tài khoản bình luận phản ánh nhiêu khê của chính quyền

Tài khoản Nguyễn Lê bình luận: “Theo qui định, cán bộ nhận hồ sơ đầu vào phải kiểm tra kỹ, nếu không đủ thì yêu cầu bổ sung liền. Nhưng nơi này nhận hồ sơ 45 ngày trả, rồi bảo thiếu giấy kết hôn, bổ sung... Ra nộp giấy kết hôn lại hẹn 45 ngày nữa, trả hồ sơ thiếu giấy khác, lại yêu cầu bổ sung tiếp... Đó là lý do hồ sơ bị tồn đọng nhiều dẫn đến cảnh dân xếp hàng cực khổ như vậy”.

Tuy nhiên, tài khoản này cũng cho biết: “Nhờ bài viết của Báo Giao thông, nhiều người bắt đầu quan tâm rồi, cảm ơn quý Báo”.

Tại sao không ứng dụng công nghệ thông tin

Đây là lý do nhiều nhà đầu tư bất động sản khi đầu tư vào Lâm Hà có ý kiến. Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách năm 2020 của Bộ Nội vụ, tổng điểm của tỉnh Lâm Đồng đạt 83,93/100 điểm, tăng 3,27 điểm so với năm 2019, xếp thứ 32 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước đó, năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đứng ở vị trí 40 trong 63 tỉnh, thành phố. Từ thực tế trên, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 6006/KH-UBND để khắc phục tồn tại hạn chế, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính trong 4 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

>>> Clip chen chúc mất trật tự tại huyện Lâm Hà:

Tỉnh Lâm Đồng đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện Kế hoạch trên. Trong công tác chỉ đạo điều hành, các sở, ban, ngành được UBND tỉnh giao chủ trì các lĩnh vực cải cách hành chính cụ thể.

UBND cấp huyện, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến về công tác cải cách hành chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng quy định, không còn tình trạng văn bản quy phạm pháp luật chứa thông tin hành chính và ngược lại.

Các giải pháp khác được chú trọng thực hiện như: cải cách thủ tục hành chính bằng kiểm soát chặt chẽ nội dung công bố trên cổng dịch vụ công, cổng thông tin điện tử, cập nhật mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy trình thủ tục hành chính kịp thời…

Trong cải cách bộ máy hành chính, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng các Nghị định của Chính phủ. Giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai với các nội dung thực hiện hoàn thành 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ để đánh giá chất lượng công chức; tham mưu và thực hiện đúng quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ đúng quy định...

Tuy nhiên, với cách làm tại huyện Lâm Hà lại đang có nhiều bất cập. Anh Nguyễn Văn K, một nhà đầu tư bất động sản từ Hà Nội, cho biết: “Tại sao, hiểu cứng nhắc Văn phòng một cửa là có một cửa vào, người dân “rồng rắn” xếp hàng đi theo một lối để bốc số, trong khi đó có 5 bàn để tiếp dân.

Để người dân biết những quy định cần có, nên thông báo bằng loa, hoặc bằng bảng để họ biết chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ liên quan và yêu cầu người dân phải có những giấy tờ cơ bản gì trước khi nộp. Nhưng huyện này không làm vậy, người dân tranh nhau bốc số, bốc được đã mừng, nhưng khi vào nộp hồ sơ, cán bộ nhận xong, 45 ngày sau hẹn lấy kết quả thì thông báo thiếu giấy đăng ký kết hôn”.

Còn một nhà đầu tư khác cho biết: “Tại sao văn phòng một cửa không làm được như bên công an. Họ mời nhân viên ngân hàng đến trụ sở công an thu thuế luôn đối với người nộp phạt vi phạm hành chính.

Ở huyện Lâm Hà, số lượng người nộp thuế tại Văn phòng một cửa theo quy định rất lớn. Nhưng thực tế theo người dân, họ đợi từ sáng sớm, bốc được số và nộp hồ sơ, nhân viên nói đi nộp thuế, nộp thuế xong, sáng mai lại đến bốc số tiếp để được làm hồ sơ”.

Anh Trần Quang L. người đầu tư bất động sản đến từ TP.HCM, cho biết: “Nhiều tỉnh thành đã cho người dân đăng ký hồ sơ ban đầu qua cổng điện tử. Sau đó, UBND các huyện, thị phản hồi đủ hay thiếu gì, để người dân bổ sung. Nhưng huyện Lâm Hà vẫn làm “thủ công” như thời bao cấp. Khiến người dân vất vả cả năm chưa giải quyết xong một bộ hồ sơ là đương nhiên”.

Trước đó, Báo Giao thông đã phản ánh tình trạng từ 4h sáng ngày 19/11, nhiều người dân đã đổ dồn về Văn phòng một cửa huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng tại trụ sở Bưu điện huyện Lâm Hà, số 169, Hùng Vương, thị trấn Đinh Văn.

Tại sân bưu điện, dây được căng để tạo lối đi để tránh tình trạng người dân xô đẩy nhau. Người ngồi, người đứng la liệt. Nhiều người xếp hàng giữ chỗ ngồi lâu quá, mỏi mệt muốn đi ra ngoài hay đi vệ sinh thì phải đặt bộ hồ sơ cầm theo xuống đất và nhờ người ngồi sau trông giúp.

Một lãnh đạo phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lâm Hà thừa nhận số lượng hồ sơ đăng ký quá nhiều, không giải quyết kịp, nên người dân mới tập trung tại Văn phòng một cửa đông vậy. Tuy nhiên, ông cho rằng do nhu cầu người dân sang nhượng đất, làm sổ đỏ, và hồ sơ vay vốn thế chấp.

Từ đầu năm đến nay Phòng Tài nguyên & Môi trường đã giải quyết hành chính hơn 3.000 hồ sơ. Tại Văn phòng một cửa của huyện bố trí 5 bàn tiếp nhận, nhưng không kịp. Theo ông này, phản ánh của người dân về việc chậm cấp sổ đỏ chủ yếu chậm ở bộ phận đo đạc.

Ngày 29/10/2021, UBND huyện Lâm Hà đã có công văn số 2488/UBND-TNMT thừa nhận kế hoạch cấp giấy chứng nhận sử dụng đất giao cho một số xã còn thấp, tỉ lệ đạt dưới 50%. Có đến 870 hồ sơ trả về, chiếm tỉ lệ đến 43,2%.

Báo giao thông sẽ tiếp tục thông tin về gải pháp khắc phục trong công tác cải cách hành chính huyện Lâm Hà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.