Xã hội

Người dân nói gì về việc đóng cửa 2 nhà máy thép?

15/03/2018, 06:45

Chiều 14/3, UBMTTQVN xã Hòa Liên và huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) tổ chức họp nghe ý kiến người dân thôn Vân Dương 1&2.

28944907_10209157875622451_1950595632_o

Gần 300 người dân đã tham gia buổi đối thoại chiều 14/3 và mong muốn nói lên nguyện vọng được di dời đến nơi ở mới càng sớm càng tốt.

Hầu hết số hộ dân trong thôn đều bỏ việc để dự buổi đối thoại, và có gần 300 người dân có mặt tại nhà văn hóa thôn để nói lên suy nghĩ của mình.

Ghi nhận tại cuộc họp, đa số các ý kiến đều bày tỏ nguyện vọng được di dời đến nơi ở mới và để nhà máy thép tiếp tục hoạt động. Lý do được người dân đưa ra là nơi ở hiện tại đã bị ô nhiễm nguồn nước, đồng thời con em họ đang làm việc tại 2 nhà máy, nếu nhà máy đóng cửa họ cũng sẽ mất việc làm.

Ông Lê Văn Giáp (thôn Vân Dương 2) bày tỏ: Từ ngày 16/11/2016 đến tháng cuối năm 2017, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có 6 lần về đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2; đồng thời thống nhất chủ trương di dời dân đến khu tái định cư Hòa Liên 6, Hòa Liên 7 để tránh ô nhiễm. Thế nhưng, phương án di dời dân thực hiện quá chậm nên người dân mới tụ tập trước nhà máy nhằm gây áp lực với thành phố. Thành phố cần thực hiện cam kết với người dân là di dời dân trước và di dời nhà máy theo lộ trình.

“Nếu di dời nhà máy cũng phải có lộ trình và di dời người dân chúng tôi ra khỏi địa phương, thực hiện theo đúng cam kết mà ông Hồ Kỳ Minh đã về đây họp dân và đưa dân chúng tôi ra Hòa Liên 6, Hòa Liên 7 ở. Nguyện vọng của người dân chúng tôi bây giờ là muốn thành phố phải thực thi văn bản Quý 2, tháng 4/2017, tức là dân chúng tôi chọn phương án di dời để dân tồn tại song song với nhà máy hoạt động cho công nhân tại địa phương có công ăn việc làm”, ông Giáp nói thêm.

vov_ Người dân tụ tập trước Nhà máy Thép Da Na- Ý

Trước đó, nhiều người dân tụ tập trước 2 Nhà máy Thép với mục đích tạo áp lực với thành phố về lời hứa di dời dân trước đây

Cùng ý kiến, ông Phan Văn Đức, ở tổ 2 thôn Vân Dương 2 cho rằng, hiện nay, khu vực dân xung quanh nhà máy đã ô nhiễm nghiêm trọng về mạch nước ngầm, xỉ sắt, không thể canh tác và sinh hoạt. Theo ông Phan Văn Đức, thành phố sớm di dời dân theo phương án trước đây. "Bây giờ di dời nhà máy thì người dân chúng tôi hiện tại vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nên chúng tôi cũng mong muốn chính quyền di dời dân. Bởi vì dân chúng tôi đã đồng tình với thành phố chủ trương như vậy nên chúng tôi mới đồng tình giải tỏa để an cư lạc nghiệp", ông Đức nói.

Ông Phạm Mai (tổ 5, thôn Vân Dương 2) cũng có chung mong muốn di dời về nơi ở mới bởi nơi đây đã bị ô nhiễm, nếu ở lại sẽ rất lo lắng cho sức khỏe thế hệ con cháu mai sau.

Ông Phan Duy Vinh (tổ 6, thôn Vân Dương 2) cho rằng, ngừng sản xuất của 2 nhà máy, không phải ý kiến của đa phần người dân vì đa số công nhân trong thôn làm ở nhà máy, có nhà 3 đến 4 người làm. "Bây giờ nhà máy ngừng hoạt động, rất khó khăn cho đời sống của công nhân chúng tôi. Theo ý kiến cá nhân tôi, thành phố nhanh chóng giải tỏa người dân chúng tôi đến nơi ở mới, có cuộc sống tốt đẹp hơn, sau đó di dời nhà máy theo lộ trình".

Tại buổi họp rất nhiều người dân muốn được nêu ý kiến của mình nhưng chủ tọa ngắt lời vì cho rằng các ý kiến na ná nhau. Nhiều lời đề nghị cho dân được biểu quyết thì xã Hòa Liên cũng không đồng tình.

28946002_10209157899463047_1351698458_o

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tại buổi họp chiều nay

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nói rằng: hôm nay chúng tôi tổ chức cuộc họp này là để nghe và ghi nhận ý kiến của người dân. Trong văn bản của UBND thành phố ghi rõ là dừng hẳn hoạt động sản xuất của 2 nhà máy thép, hủy bỏ chủ trương di dời giải tỏa dân.

“Cũng mong muốn rằng bà con đồng tình với chủ trương này để tiếp tục lao động sản xuất, chứ bà con không hiểu hết, không nắm hết chủ trương của thành phố thì bà con cũng bâng khuâng không biết là có đi hay không. Cho nên hôm nay, Mặt trận xuống đây để nói rõ chủ trương của thành phố như vậy, và mong muốn bà con ổn định sản xuất, có những giải pháp với gia đình, với bản thân. Ví dụ, không còn việc làm ở đó thì cũng phải tự tìm cho mình việc làm...”

Ngày 2/3, TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương không để nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; đồng thời thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo 2 nhà máy thép cho biết: bình quân mỗi ngày 2 doanh nghiệp này thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Công ty Cổ phần thép Dana - Ý liên tục sụt giảm, doanh nghiệp lao đao.

Thiệt hại trước mắt đối với việc dừng hoạt động 2 nhà máy này là doanh nghiệp không đủ hàng giao cho các đại lý, mất thị phần. Nhà máy thép Dana - Ý bị phạt gần 55 tỷ đồng do không thực hiện đúng hợp đồng mua, bán đã ký kết với các đối tác; Lãi vay và các khoản phạt do chậm thanh toán cho khách hàng hơn 17 tỷ đồng; Lương hỗ trợ chờ việc cho công nhân khoảng 3,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, thiệt hại gián tiếp mà doanh nghiệp này phải gánh chịu là máy móc thiết bị dừng sản xuất lâu sẽ bị giảm công năng; Doanh thu của các đơn vị liên quan như ngân hàng, như cầu tiêu thụ điện năng (giảm 10%) và các nhà cung cấp vật tư nguyên liệu trên địa bàn thành phố sụt giảm đáng lo ngại.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý cho biết, Nhà máy đã nhập hơn 70.000 tấn nguyên liệu, đối tác liên tục yêu cầu cung cấp hàng. Mỗi ngày, doanh nghiệp thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Công ty từ 9.0 trong ngày 26/2 giảm còn 6.4 vào ngày hôm nay (14/3).

"1 ngày doanh thu của chúng tôi trên 10 tỷ đồng, 1 tháng doanh thu trên 300 tỷ đồng. Như vậy, 1 ngày chúng tôi mất trên 1 tỷ đồng. Thiệt hại quá lớn. Nếu trường hợp này kéo dài thì chúng tôi hoàn toàn buông tay" - ông Huỳnh Văn Tân chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc cũng cho biết, trung bình mỗi ngày thiệt hại từ 300 - 500 triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần thép DaNa - Úc, năm ngoái, sau khi thành phố Đà Nẵng chủ trương di dời dân trước khi di dời nhà máy, doanh nghiệp đã đầu tư 70 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống hút bụi. Doanh nghiệp cũng đã vay 300 tỷ đồng nhập nguyên liệu sản xuất hơn 19.000 tấn, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Bà Nguyễn Thị Xuân lo lắng, thành phố đột ngột thông báo dừng sản xuất, doanh nghiệp đối mặt với khoản nợ 670 tỷ đồng, hàng ngàn đơn hàng bị hủy bỏ, 500 công nhân thất nghiệp.

"Đã khó khăn rồi mà phải đi vay tiếp ngân hàng. Mỗi doanh nghiệp thêm 1 khoản tiền rất là lớn đầu tư vào đây. Phía môi trường định kỳ lên kiểm tra lộ trình mình đầu tư có đúng không. Họ lên chụp hình, báo cáo thành phố đều đặn như vậy, mình không hiểu vì sao vừa rồi thành phố quyết định dừng 2 nhà máy", bà Nguyễn Thị Xuân cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.