Y tế

Người đàn ông đau khổ vì luôn sợ hãi khi làm “chuyện ấy”

12/05/2022, 12:00

Người đàn ông này cảm thấy chán nản, xấu hổ, mặc cảm, thậm chí trở nên sợ hãi mỗi khi quan hệ tình dục với vợ, nên anh đã quyết tâm đi khám để được tư vấn và chữa trị.

Khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân đã lập gia đình được 2 năm nhưng chưa bao giờ làm “chuyện ấy” thành công với vợ.

Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ: Khi có kích thích ban đầu, "cậu nhỏ" vẫn cương cứng được nhưng mỗi lần chuẩn bị thâm nhập thì nó lại mềm xìu đi, khiến anh không thể tiếp tục được nữa.

img

Ảnh minh họa.

Cảm thấy chán nản, xấu hổ, mặc cảm, thậm chí trở nên sợ hãi mỗi khi quan hệ tình dục với vợ, nên người đàn ông này đã quyết tâm đi khám để được tư vấn và chữa trị.

Tại khoa Nam học và Y học Giới tính, các bác sĩ thăm khám và đánh giá bệnh nhân. Theo đó, cơ quan sinh dục của bệnh nhân không có các dấu hiệu bất thường. Các chỉ số xét nghiệm máu, tinh dịch đồ hoàn toàn bình thường. Vì thế, "tinh binh khỏe" nhưng bệnh nhân chưa thể có con là do khả năng cương dương của "cậu nhỏ" không thể duy trì khi thực hiện quan hệ tình dục với vợ.

Bác sĩ đã đưa ra kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Nhờ kết hợp các liệu pháp điều trị tư vấn tâm lý, giáo dục tình dục, liệu pháp hành vi và liệu pháp thuốc đường uống nhóm ức chế PDE - 5, bệnh nhân đã quan hệ tình dục với vợ thành công và có thể tự tin mỗi khi "lâm trận".

Sau một năm chờ đợi, "quả ngọt" cũng đã đến với bệnh nhân và gia đình khi vợ bệnh nhân đã mang thai.

Trong các nguyên nhân gây hiếm muộn ở các cặp vợ chồng, 30% trường hợp vô sinh là đến từ phía quý ông. Để quá trình thụ thai thành công, nam giới phải có và giữ được sự cương dương, có đủ tinh trùng hình dạng bình thường và di chuyển bình thường, và có đủ tinh dịch để đưa tinh trùng đến với trứng.

Rối loạn hoạt động tình dục là một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm con, hiếm muộn ở nam giới. Vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết bằng cách đi khám. Lúc đó, bác sĩ sẽ đưa phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.