Xã hội

Người dân phải làm gì để xác nhận cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu?

22/02/2022, 10:16

Sau ngày 31/12 năm nay, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ bị khai tử hoàn toàn, kết thúc gần 60 năm sứ mệnh của 2 loại giấy tờ này.

Sổ hộ khẩu kết thúc gần 60 năm "sứ mệnh lịch sử"

Từ năm 1964 tới nay, cuốn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, do là loại giấy tờ cần thiết để đi làm nhiều thủ tục hành chính, giao dịch quan trọng, như: Thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn; Thủ tục làm sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán nhà; xác nhận tình trạng hôn nhân; ký hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng…

img

Sổ hộ khẩu sẽ bị khai tử vào cuối năm 2022, sau gần 60 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử

Tuy vậy, cuối năm 2022, hai loại giấy tờ từng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam sẽ bị khai tử.

Theo Khoản 3 Điều 38 Chương VII Luật Cư trú 2020, khi thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Do vậy, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng, thay vào đó, người dân sẽ được quản lý bằng dữ liệu điện tử có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Xác nhận thông tin về cư trú thế nào sau khi bỏ sổ hộ khẩu?

Theo Luật Cư trú 2019, kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, mọi thông tin liên quan đến cư trú được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi người dân nhập hộ khẩu, xóa hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… đều được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được viết tay trong cuốn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trước đây.

Nghị định 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn người dân có thể khai thác các thông tin về cư trú của mình bằng văn bản yêu cầu, bằng dịch vụ tin nhắn hoặc bằng cách truy cập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Ngay từ khi có thông tin sẽ xóa bỏ sổ hộ khẩu, có nhiều luồng thông tin cho rằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip sẽ được sử dụng để thay thế sổ hộ khẩu. Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CCCD gắn chip tích hợp nhiều thông tin liên quan đến người dân, trong đó có thông tin về cư trú. Do đó, CCCD gắn chip sau này hoàn toàn có thể thay thế sổ hộ khẩu giấy. Người dân khi đi làm thủ tục chỉ cần mang theo CCCD gắn chip là có thể làm các thủ tục liên quan đến nhân, hộ khẩu bình thường.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hoàn, Đoàn luật sư Hà Nội: Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, được biết, khi cơ sở dữ liệu của các bộ, ban, ngành được hoàn thiện và kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân mới có thể sử dụng thẻ CCCD thay cho sổ hộ khẩu.

Trong trường hợp CCCD gắn chip chưa tích hợp đủ các trường thông tin liên quan đến nhân, hộ khẩu, người dân thực hiện phương án xin giấy xác nhận của cơ quan quản lý cư trú (công an).

Cụ thể, theo Điều 17 Chương IV Thông tư 55/2021/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021) của Bộ Công an thì công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước (không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân) để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú. Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 19 Chương III Luật Cư trú; xác nhận về việc khai báo cư trú và có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản (có chữ ký và đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) theo yêu cầu của công dân.

Trường hợp nội dung đề nghị xác nhận của cá nhân hoặc hộ gia đình chưa được cập nhật trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục để điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định tại Điều 26 Chương IV Luật Cư trú.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.