Đường sắt

Người dân vùng cao biên giới ngóng những chuyến tàu an sinh

06/11/2021, 11:39

Những chuyến tàu an sinh được Nhà nước hỗ trợ chi phí, giúp bà con dân tộc miền núi, biên giới đi lại thuận tiện, an toàn hơn.

Đi lại, mưu sinh trông vào những chuyến tàu

Cách đây khoảng một năm, trên chuyến tàu chợ Yên Viên - Hạ Long, cảnh hàng lên, hàng xuống, mua, bán tấp nập trên tàu, dưới ga. Toàn là rau, quả, gà, vịt và cả hàng lâm sản khu vực Lạng Sơn như măng, lá móc mật...

Bà Bội (ở Kép, Bắc Giang) chia sẻ, bà theo tàu này đi buôn bán nông sản trên tuyến đến 40 năm. Giờ đường bộ thuận tiện hơn nhiều nhưng vẫn thích đi tàu. “Đi tàu, cước hàng rẻ hơn, hàng hóa có toa riêng, sắp xếp gọn gàng được, còn đi ô tô thì hàng hóa chồng lên nhau, dập nát hết, lại nguy hiểm nữa, không an toàn. Giờ buôn bán khó khăn hơn trước, nên chúng tôi phải tiết kiệm, đi tàu vẫn hơn”, bà Bội nói.

img

Tàu Yên Viên - Hạ Long chủ yếu phục vụ bà con vùng xa đi chợ, mưu sinh

Tuy nhiên, hiện tàu này đã dừng hoạt động từ tháng 3/2020 sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân vùng cao đi lại khó khăn hơn. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Đông Anh cho biết, ngoài tuyến Yên Viên - Hạ Long, các tàu khách trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Long Biên - Quán Triều (Thái Nguyên) cũng dừng chạy.

Nguyên nhân tàu dừng chạy do việc tổ chức chạy tàu khách trên các tuyến kết nối vùng cao, biên giới với Hà Nội, vùng biển Quảng Ninh không hiệu quả, chi phí bỏ ra nhiều, nhưng giá vé lại rẻ để phục vụ bà con vùng cao, nên khách có kín chỗ cả đoàn tàu 3-4 toa xe thì doanh thu cũng không đủ bù chi.

Ông Tuấn cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng qua nhiều xã nghèo, miền núi khó khăn, giao thông đường bộ không thuận tiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Điển hình như khu vực Bắc Thủy, Bản Thí, huyện Chi Lăng hay khu vực xã Tân Thành, xã Hòa Thắng (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), xã Hương Sơn (huyện Lạng Giang, Bắc Giang).

Vì vậy, tàu khách trên tuyến chủ yếu phục vụ nhu cầu đi chặng ngắn của học sinh, sinh viên, bà con đi chợ và đặc biệt là người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng ở khu vực các ga: Kép, Vôi Xô, Phố Vị, Sông Hóa, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Bắc Lệ, Bản Thí và Yên Trạch.

“Những khu vực này giao thông đường bộ không thuận tiện cho việc đi lại của người dân, khu dân cư cách đường bộ từ 9-10 km, còn cách các ga đường sắt từ 4-5 km. Giá vé đường bộ cũng cao hơn so với đường sắt. Do vậy, bà con dân tộc thiểu số ở các khu vực trên chỉ chọn tàu hỏa là chính để trao đổi hàng hóa nông sản và cá nhu cầu thiết yếu khác cho cuộc sống”, ông Tuấn cho hay.

Tương tự, tàu hỗn hợp tuyến Hà Nội - Hạ Long chủ yếu phục vụ bà con khu vực từ ga Bảo Sơn, Lan Mẫu, Đông Triều, Mạo Khê. Trong đó, nhiều bà con dân tộc Nùng thường mang hàng hóa, nông sản như: rau, măng, trái cây đến Hạ Long để cung cấp cho khu vực biển.

Còn tuyến Long Biên - Quán Triều (Thái Nguyên) phục vụ nhiều bà con người Sán Dìu, Tày, Nùng. Như ở ga Phổ Yên thường xuyên có bà con đi chợ mang nông sản địa phương về khu vực Gia Lâm (Hà Nội)...

Cần cơ chế hỗ trợ để chạy lại tàu an sinh

Thông tin với Báo Giao thông, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2020, sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhu cầu đi lại của người dân giảm, doanh nghiệp này đã dừng chạy tàu khách trên các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều.

img

Bà con đi chợ chủ yếu mang hàng nông, lâm sản xuống vùng than, vùng biển Quảng Ninh để tiêu thụ

Tuy nhiên, theo bà Hà, nguyên nhân chủ yếu là trên các tuyến này, đường bộ đã được đầu tư làm lại, song song đường sắt nên ô tô thu hút lượng lớn hành khách. Tuy nhiên, vẫn có những hành khách mong muốn được đi tàu do nhà ở địa bàn xa quốc lộ, gần ga hơn, người say xe, người đi chữa bệnh, nhất là bà con dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, các khu vực nghèo, khó khăn. Vì vậy, công ty vẫn tổ chức chạy mỗi ngày một đôi tàu khách/tuyến để đáp ứng nhu cầu của bà con.

“Việc chạy tàu khách ít như vậy chủ yếu là duy trì tuyến, nhưng mỗi năm công ty vẫn phải chịu lỗ từ 25-35 tỷ đồng trên 3 tuyến. Đầu năm 2018, chúng tôi dừng các đôi tàu khách này nhưng nhiều địa phương và người dân vẫn đề nghị chạy lại để phục vụ an sinh nên đến tháng 9/2018 mới cho chạy lại”, bà Hà cho hay.

Ngày 4/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 8080 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi phát triển GTVT đường sắt. Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT xem xét xử lý kiến nghị về việc phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội.

Ông Đỗ Tuấn, Phó trưởng phòng Kế hoạch Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, dù có tăng toa, khách đông kín thì vẫn lỗ. Đó là do khách đi các mác tàu trên chủ yếu đi chặng ngắn, giá vé rẻ nên tổng thu không cao; trong khi chi phí như: sức kéo, nhiên liệu, lương nhân viên vẫn không giảm.

“Để phục vụ bà con nghèo, cũng như hút thu khách những tàu này, chúng tôi xác định ngay từ đầu giá vé thấp hơn nhiều so với giá vé ô tô cùng cung chặng, nên có kín phương án chỗ vẫn lỗ”, ông Tuấn nói và cho biết, trung bình doanh thu mỗi chuyến tàu đông khách cũng chỉ được từ 2-4 triệu đồng tùy tuyến.

Trước thực trạng này, những năm qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đưa các mác tàu này vào diện tàu an sinh để được Nhà nước hỗ trợ theo Luật Đường sắt 2017 và các văn bản pháp luật khác.

Ông Tuấn cũng cho biết đã xây dựng kế hoạch chạy lại tàu an sinh trên các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều trong năm 2022 để xin ý kiến các địa phương và báo cáo các Bộ, ngành. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của các địa phương trên các tuyến nhằm phục vụ bà con đi lại. Tuy nhiên, trong khi chờ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tàu này vẫn dừng hoạt động vì doanh nghiệp không thể “gánh” lỗ mãi.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, việc tổ chức chạy tàu an sinh trên các tuyến đường sắt này là cần thiết để phục vụ người dân đi lại, nhất là người dân ở vùng sâu, bà con dân tộc, khó khăn. Việc này cũng để duy trì hạ tầng, giữ đường, giữ đất đường sắt.

“Tuy nhiên, do đây là chi phí Nhà nước phải bù lỗ nên cần phải đảm bảo thủ tục chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Bộ GTVT đang tích cực xây dựng, ban hành các quy định pháp luật liên quan, trong đó có định mức chi phí để làm cơ sở xét duyệt kế hoạch chạy tàu an sinh và chi phí được hỗ trợ”, ông Hồng Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.