Đô thị

Người đi bộ gặp họa vì vỉa hè bị chiếm dụng

04/11/2020, 07:00

Những ngày qua, clip ghi lại vụ việc một cụ bà bị người phụ nữ đi xe máy đâm trọng thương khi đi bộ dưới lòng đường gây xôn xao mạng xã hội.

img
Những ngày qua, clip ghi lại vụ việc một cụ bà bị người phụ nữ đi xe máy đâm trọng thương khi đang đi bộ dưới lòng đường gây xôn xao mạng xã hội.

Sự việc xảy ra trên đoạn đường đối diện số 54 đường Thành Công (Hà Nội). Thời điểm đó, toàn bộ vỉa hè của tuyến phố đã bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô, xe máy.

Chứng kiến vụ việc, một số người đã lên tiếng chỉ trích người phụ nữ đi xe máy thiếu quan sát để xảy ra va chạm với cụ bà. Trong khi đó, một số khác cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của vụ việc là do vỉa hè bị chiếm dụng quá đà và lên án mạnh mẽ sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.

“Vỉa hè chặn hết thế thì cụ không đi bên dưới thì cũng chẳng biết đi vào đâu nữa”; “Nói về luật, người đi bộ phải đi trên vỉa hè. Nhưng chính quyền phải chịu trách nhiệm cho cụ vì đã để hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè”; “Cứ lôi lãnh đạo phường ra thôi. Có vỉa hè mà không được đi. Phải xử lý thật nghiêm một nơi thì mới có thể răn đe cho hàng chục nơi khác”… là những bình luận cư dân mạng bức xúc để lại.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Chuyên gia Jica cho rằng, sự việc đáng tiếc của người phụ nữ cao tuổi ở trên là hậu quả ai cũng có thể nhìn trước được trong bối cảnh vỉa hè tại các đô thị lớn ở Hà Nội đang dành cho hàng quán và phương tiện cơ giới nhiều hơn dành cho người đi bộ hiện nay.

“Một số tuyến phố tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đối với người đi bộ như Nguyễn Lương Bằng, La Thành, Bạch Mai, đường Láng. Tại những cung đường này, nhiều năm nay vỉa hè thường xuyên bị các hộ kinh doanh chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống dưới lòng đường. Đặc biệt, trên đường La Thành, nguy hiểm còn cao hơn khi người đi bộ thường xuyên phải đối mặt với những chiếc xe máy chở sắt, thép quá khổ. Va chạm có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, TS. Đức nói.

Cũng theo ông Đức, trong bối cảnh việc ứng dụng camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự đô thị đang triển khai vô cùng chậm trễ tại các đô thị lớn, cơ quan chức năng buộc phải gắn trách nhiệm xử lý vi phạm vỉa hè đối với người đứng đầu.

“Địa bàn nào để hiện tượng tái chiếm vỉa hè với diện tích lớn phải truy trách nhiệm tới cùng và xử nghiêm từ người lãnh đạo đến các bộ phận liên quan. Chừng nào việc xử lý trách nhiệm còn hời hợt thì sẽ còn hiện tượng “lobby”, cơ chế xin - cho, trục lợi trên vỉa hè và người đi bộ sẽ vẫn phải “đơn độc” bảo vệ mình trên chính hạ tầng ưu tiên cho mình”, TS. Đức nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.