Hỏi - Đáp

Người đi bộ tử vong vì va chạm ô tô trên cao tốc, xử lý thế nào?

23/07/2019, 08:30

Theo quy định tại Luật GTĐB, đường cao tốc là tuyến đường dành riêng cho xe cơ giới, nghiêm cấm người đi bộ đi vào.

img
Hiện trường vụ TNGT sáng 14/1/2019, ô tô chạy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng Hà Nội - Hà Nam tông trúng khiến người đàn ông đang đi bộ qua đường tử vong

Hỏi:

Chú tôi đi bộ băng ngang đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên không may bị một xe ô tô va chạm vào dẫn đến tử vong. Sau đó, cơ quan công an cho biết do chú tôi vi phạm Luật GTĐB nên theo quy định, chú tôi là người bị xử lý cũng như bồi thường trong vụ tai nạn, nhưng do chú tôi đã mất nên không truy cứu trách nhiệm nữa. Như vậy, tài xế xe ô tô trong vụ tai nạn đó không bị xử lý trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm bồi thường gì. Xin hỏi việc kết luận như vậy có đúng không?

Lê Thị Uyên (Huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Trả lời:

Theo quy định tại Luật GTĐB, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt.

Như vậy, đường cao tốc là tuyến đường dành riêng cho xe cơ giới, nghiêm cấm người đi bộ đi vào đường cao tốc. Việc người đi bộ đi vào đường cao tốc là vi phạm pháp luật, nếu việc đi vào đường cao tốc là đột ngột, ở góc khuất, tầm quan sát hạn chế khiến những người lái xe trên đường cao tốc không phát hiện ra, không kịp xử lý thì những người điều khiển xe cơ giới không có lỗi, nếu hậu quả chết người cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời không phải bồi thường thiệt hại.

Người điều khiển xe cơ giới trên đường cao tốc chỉ được coi là có lỗi đối với vụ tai nạn với người đi bộ khi người đi bộ trên đường cao tốc đã có tín hiệu cảnh báo, người lái xe có đủ thời gian, đủ khoảng cách để giảm tốc độ, tránh người đi bộ nhưng người này đã chủ quan không thực hiện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì mới có thể xem xét một phần trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì trong trường hợp người điều khiển xe cơ giới (nguồn nguy hiểm cao độ) hoàn toàn không có lỗi, lỗi thuộc về người bị hại thì sẽ không phải bồi thường. Người điều khiển xe cơ giới chỉ phải bồi thường trong trường hợp có lỗi hoặc cả hai bên đều không có lỗi. Trong trường hợp vụ tai nạn xảy ra mà lỗi hoàn toàn thuộc về người bị hại thì người điều khiển phương tiện xe cơ giới không phải bồi thường thiệt hại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.