Xã hội

Người duy nhất thoát chết vụ “bom thư” chấn động giờ ra sao?

25/07/2021, 07:05

Kiên cường vượt qua “cửa tử”, mất 94% sức khỏe nhưng Thơ nỗ lực sống, với mong muốn sống có ích.

Bước ngoặt tăm tối của cậu trò giỏi

Trung tuần tháng 7, PV Báo Giao thông tìm về thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và gặp Nguyễn Văn Thơ (SN 1987) - là nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm án cuồng ghen bằng “bom thư” khiến 3 người tử vong gây chấn động dư luận.

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của mẹ con Thơ nằm sâu trong ngõ nhỏ. Bà Sính (65 tuổi), mẹ Thơ đang lọ mọ ngoài vườn, thấy có khách vội đứng lên gọi con. Từ trong nhà, Thơ thấp bé như một học sinh tiểu học cuối cấp dò dẫm vịn tay vào tường bước ra, mời chúng tôi vào căn nhà tuềnh toàng, không có vật gì đáng giá.

img

34 tuổi, nhưng di chứng của vụ nổ khiến Thơ mù, điếc, bé như một học sinh tiểu học và ốm yếu quanh năm

Cả hai mẹ con Thơ đều hiếu khách và cởi mở. Bà Sính chia sẻ, nhà giờ chỉ có hai mẹ con ở. Bố Thơ bị bệnh ung thư, đã mất vài năm trước. Ba chị gái Thơ đã đi lấy chồng. Bản thân bà cũng ốm yếu, Thơ thì tàn tật và sức khoẻ rất yếu. Nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau, rau cháo qua ngày.

Mọi sự giúp đỡ anh Nguyễn Văn Thơ xin gửi về: Tài khoản 3160205594528, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Agribank, chủ tài khoản Nguyễn Văn Thơ.

Số điện thoại liên hệ: Anh Thơ 034 8089268.

“Tôi chỉ có mình Thơ là con trai, nó là điểm tựa, niềm vui sống của tôi. Hồi nhỏ, Thơ kháu khỉnh, thông minh, học giỏi, vâng lời cha mẹ, chúng tôi kỳ vọng nhiều vào cháu lắm”, bà Sính kể.

Chính nhờ học giỏi, nên trong kỳ thi tuyển sinh THPT năm 2003, Thơ đỗ vào trường THPT Sóc Sơn. Do nhà bà Sính cách trường chừng 10km, sợ Thơ đi lại vất vả, gia đình quyết định cho Thơ thuê trọ ở gần trường để ăn học.

Thế là Thơ đến thuê nhà anh Nguyễn Văn Viện (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn), ở cùng gia đình. Trưa 31/10/2003, một đôi nam nữ đến nhà anh Viện gửi hộp quà, bên trong có chiếc đài radio cùng phong thư ghi dòng chữ “nhờ anh Viện sửa giúp, mai lấy ngay”.

Anh Viện làm nghề sửa chữa đồ điện tử, nên việc có người đến gửi một chiếc radio để sửa là chuyện hết sức bình thường. Hôm đó, anh Viện không có nhà, em trai anh Viện là anh Thắng mở gói quà và quả bom phát nổ kinh hoàng.

Anh Thắng, vợ anh Viện là chị Nhàn và con gái nhỏ chưa đầy 2 tháng tuổi của anh Viện tử vong tại chỗ, chỉ mình Thơ là sống sót trong tình trạng nguy kịch.

“Hôm đó tôi vừa ăn tối xong thì hàng xóm chạy sang báo tin “nhà thằng Thơ thuê trọ bị nổ bom, thấy bảo 3 người chết”. Cả gia đình vội chạy lên nhà anh Viện, hiện trường vẫn còn chị Nhàn, anh Thắng và cháu nhỏ tử vong nằm đó. Tôi tìm con trai thì không thấy, rồi ngất lịm đi”, bà Sính bàng hoàng kể lại.

Tỉnh lại, bà được biết Thơ đã được chuyển lên Bệnh viện Xanh Pôn. Đến thăm con, bà lại một lần nữa ngất lịm khi thấy con nguy kịch, băng bó khắp người, hôn mê sâu. 14 ngày sau, Thơ tỉnh lại nhưng vĩnh viễn mù đôi mắt, tai điếc, não bị tổn thương.

“Tai bay vạ gió ập đến, thằng bé đang khoẻ mạnh, học giỏi thành ra như sống thực vật. Nhiều tháng sau khi điều trị, Thơ cứ tỉnh là lại khóc, đòi chết. Nhưng tôi bảo con, con còn may mắn hơn 3 người đã tử vong. Chỉ cần con giữ được mạng là con còn cơ hội sống...”, bà Sính nghẹn lời.

Vươn lên để sống

img

Ảnh hưởng bởi vụ nổ, Thơ thường xuyên phải vào viện điều trị (Trong ảnh: Nguyễn Văn Thơ trong lần điều trị tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng, tháng 6/2021)

Bán sạch những gì có thể, từ trâu bò, lợn gà đến mọi thứ tài sản trong nhà, vợ chồng bà Sính vay lãi chồng chất để cứu Thơ. Sau nhiều tháng năm viện, Thơ được về nhà, nhưng với cơ thể đầy sẹo, tai điếc, mắt mù, cứ nghe tiếng động lớn là co rúm người vì sợ hãi, rồi la hét.

Di chứng của vụ nổ bom kinh hoàng gần như rút cạn sức khoẻ của Thơ, cậu thường xuyên bị bệnh trào ngược mũi họng, đau nhức tai, đau đầu, ốm sốt... đến độ không lớn nổi. Giờ Thơ chỉ cao chừng 1,5m.

“Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng rồi chết đi không được thì phải sống”, Thơ - lúc đó là cậu nam sinh 16 tuổi nghĩ.

Nói là làm, Thơ tập làm các động tác trong bóng tối, tập tự chăm sóc bản thân, rồi tập nấu cơm, làm việc nhà. Những ngày đầu tiên đứng lên đi lại, làm việc trên đôi chân và bằng bàn tay chằng chịt sẹo, co rút cơ, đôi mắt không nhìn thấy gì khiến Thơ nhiều lần té ngã bầm dập. Nhưng Thơ lại đứng lên, mắm môi tập tiếp.

Năm 2011, Thơ xin bố mẹ đi học chữ nổi ở Hội Người mù huyện Sóc Sơn. Năm 2012, sau 9 năm tự nhốt mình trong nhà, Thơ đăng ký học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Những ngày đầu, Thơ được bố chở lên huyện bắt xe buýt, rồi đi xe ôm đến trường. Sau quen đường hơn, Thơ đi cùng một người mù nữa. Họ cứ bắt 2 tuyến xe buýt là đến được trường. Nỗ lực được đền đáp khi Thơ đã hoàn tất chương trình học lớp 12.

Nhưng rồi, biến cố tiếp tục ập đến gia đình Thơ khi bố Thơ bị ung thư. Ước mơ học tiếp lên cao hơn của Thơ thành dang dở, Thơ đành về nhà, tham gia các hoạt động tình nguyện của Hội Người mù, động viên và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2018, có một người bạn khiếm thị cùng cảnh rủ Thơ bán hàng online, các mặt hàng đồ gia dụng, mật ong, mặt hàng thiết yếu cho các gia đình sử dụng. Bán hàng được 2 năm, gần Tết 2021,

Thơ trở bệnh, tai lúc nào cũng nghe thấy tiếng như ve kêu, đầu đau nhức. Bác sĩ khuyến cáo Thơ không nên dùng điện thoại, nên Thơ cũng không thể kinh doanh được nữa.

Khó khăn nhất, những năm gần đây, Thơ đau ốm nhiều hơn. Hiện mẹ con Thơ chỉ trông chờ vào hơn 2 sào ruộng, cặp bò cùng khoản tiền trợ cấp 700.000 đồng/tháng cho người khuyết tật và 350.000 đồng/tháng tiền chăm sóc của anh Thơ.

Bà Sính bảo, đang cố tích góp tiền mua máy trợ thính cho con trai, nhưng chưa lo nổi. Dịch bệnh khiến cuộc sống của mẹ con Thơ càng trở nên khó khăn hơn.

Thương cảm trước hoàn cảnh của Thơ, một số nhà hảo tâm đã giúp đỡ mẹ con anh. Ở giai đoạn này, đây là nguồn hỗ trợ rất lớn để Thơ cùng mẹ vượt qua bệnh tật, khó khăn.

Vụ thảm án cuồng ghen bằng “bom thư” khiến 3 người tử vong bắt nguồn từ mối quan hệ yêu đương không thành giữa Lại Thị Kiều Lan (44 tuổi, quê Thái Nguyên) và anh Viện.

Sau đó, anh Viện kết hôn, còn Lan thành bạn gái của Ngô Mạnh Hùng (SN1971, quê huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Thế nhưng, Lan vẫn đem lòng hận anh Viện. Lan và Hùng đã bàn kế trả thù. Hùng đã chế một quả bom dưới vỏ bọc một chiếc radio và gửi đến nhà anh Viện, gây nên cái chết oan ức cho vợ, con gái và em trai của anh Viện.
Tháng 6/2004, TAND Hà Nội tuyên phạt Hùng tử hình về tội “Giết người”, “Chế tạo sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”, còn Lan lĩnh án chung thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.