Thế giới

"Người hùng CSGT" ở Yangon

26/12/2014, 11:01

12 tiếng mỗi ngày, trung sĩ Khin Myint Maung làm nhiệm vụ ở một trong những nút giao thông đông đúc, lộn xộn nhất, suốt ngày kẹt xe của TP Yangon (Myanmar), vừa được bình xét là người hùng của thành phố này.

Trung sĩ Khin Myint Maung
Trung sĩ Khin Myint Maung

Anh hùng của năm, nhân viên kiểu mẫu

Người đàn ông là con thứ ba trong một gia đình nông dân có năm đứa con sống ở một làng quê heo hút này được nhật báo “Tin tức 7 ngày” tôn vinh là người hùng của năm, được Sở Cảnh sát Yangon bầu là “Nhân viên kiểu mẫu”. Còn một quỹ hoạt động của Đức gọi anh là người anh hùng giữa đời thường.

Tất cả danh hiệu cao quý đó đến với anh nhờ câu chuyện của những người tham gia giao thông. Gần như không thể tìm thấy một người lái taxi nào ở Yangon không ca ngợi khả năng hướng dẫn giao thông của anh cảnh sát 26 tuổi đến từ miền quê này. Bất chấp thời tiết mưa giông, gió bão hay nắng nóng như đổ lửa, anh luôn làm việc với lòng nhiệt tình đến mức khó tin.

U Nay Win Hlaing, một lái xe taxi 37 tuổi nói: “Chúng tôi yêu quý anh ấy. Không có ai không thích anh ấy cả”. 

Nhiều năm trước, đường phố Yangon vắng đến mức lái xe taxi có thể phóng thoải mái và nghe tiếng phanh rít mỗi khi vào cua trên những đường phố vòng vèo. Ngày nay, Myanmar đã mở cửa. Chỉ ba năm, số lượng xe hơi tăng gấp đôi, hơn 400 nghìn chiếc. Và Trung sĩ Khin Myint Maung bỗng nổi lên như một kiểu anh hùng nhân dân mới nằm ngoài những hình mẫu anh hùng thường thấy như chiến sĩ chiến đấu cho nhân quyền, nhà từ thiện hay ai đó đã dũng cảm cứu thoát một con chó nhỏ khỏi đám cháy. Đó là “một cảnh sát giao thông anh hùng”. 

Trên thực tế, những người đàn ông mặc đồng phục ở Myanmar thường khiến người dân e ngại, nhưng riêng Trung sĩ Khin lại chiếm được cảm tình rất nhiều tài xế vốn hay gắt gỏng, nhăn nhó. Họ không sợ tốn thời gian, quay kính xe xuống đưa cho anh một vài chai nước lạnh hay hộp thức ăn. Họ cũng cho anh tiền, điều này vốn không được chấp nhận ở phương Tây nhưng với các lái xe ở Myanmar đó là cử chỉ thể hiện lòng biết ơn để anh có thể cải thiện cuộc sống vốn dựa trên đồng lương ít ỏi. 

Nếu Khin vắng mặt vài ngày ở vị trí quen thuộc, giao thông sẽ rối loạn ghê gớm. Chính vì thế, sau chuyến đi nghỉ phép cách đây hai tháng của anh tới Naypyidaw, chính quyền thành phố đã quyết định thăng chức cho anh lên hàm Trung sĩ. Daw Phyu Phyu, người quản lý một cửa hàng gần nơi Khin làm việc nói: “Trong vòng ba ngày, mọi thứ thật khủng khiếp. Mọi người cứ liên tục bóp còi. Xe hơi không di chuyển nổi. Ai cũng cảm thấy khó chịu”.

Khen “người anh hùng” để chê phần còn lại

Sự nổi tiếng của Trung sĩ Khin không phải là sự tin tưởng dành cho CSGT. Người dân tôn sùng anh cũng là cách thể hiện sự chê trách của họ đối với phần còn lại của lực lượng CSGT và bộ máy điều hành quan liêu. Nhà báo U Pe Myint nói: “Trước đây, chúng tôi không bao giờ thấy công chức làm việc cả. Khin thì khác, anh ấy là công chức đang làm hết nghĩa vụ của mình”. Anh hùng là thứ ngày càng trở nên khan hiếm ở Myanmar. 

Nhật báo “Tin tức 7 ngày” là tờ báo bắt đầu tìm kiếm những người anh hùng để trao giải từ năm 2012. Daw Nyein Nyein Naing, một biên tập viên của tờ này nhận xét: “Rất khó để tìm thấy một công chức Chính phủ xứng đáng với giải thưởng này. Mỗi năm, chúng tôi lướt qua rất nhiều cái tên nhưng khi xem xét nền tảng của họ, chúng tôi tìm ra nhiều điều khiến họ không phù hợp là người hùng đúng nghĩa”.

Thậm chí tờ New York Times ngày 21/11 còn bình luận, giải thưởng cho anh cũng là cáo trạng tham nhũng dành cho người khác.

Trung sĩ Khin hướng dẫn những chiếc Range Rovers, chiếc S.U.V đắt tiền trong khi đồng lương chỉ là 150USD/tháng. Điều đó cho thấy khoảng cách giàu nghèo vô cùng lớn ở Myanmar.

Với mức lương hiện tại, Khin phải tiết kiệm từng xu thì đến hết đời mới có thể mua một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, không bao giờ thể hiện sự bất mãn với những người giàu có, anh nói: “Mỗi người đều có số phận riêng. Người giàu có ở kiếp này là vì họ đã làm nhiều điều tốt ở kiếp trước. Mọi người đều có vị trí của mình”. 

Trung sĩ rất hào phóng nụ cười nhưng lại kiệm lời. Khi nhận giải thưởng, dù được dành cho vài phút để phát biểu trên sâu khấu nhưng anh chỉ đơn giản nói: “Cảm ơn” và nở nụ cười rất tươi, điều mà anh vẫn thể hiện trên đường phố. 

Minh Khôi (Theo NYT)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.