Phát triển - Kết nối

Người Khmer ở Kiên Giang được giúp vốn thoát nghèo

Kiên Giang đứng thứ 3 vùng ĐBSCL về số lượng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với gần 56.800 hộ, 242.602 khẩu, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.

18,195 tỷ đồng là con số mà Trung ương và tỉnh Kiên Giang đã phân bổ để thực hiện Chương trình 135 mà Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang quản lý trong năm 2020.

Với số tiền này, 42 công trình cầu, đường, nước sạch… đã được đầu tư xây dựng phục vụ đồng bào Khmer trong tỉnh. 10 công trình bảo dưỡng, duy tu trường học… phục vụ người Khmer cũng đã được hoàn thành.

img

Nhờ đồng vốn hỗ trợ, nhiều nông dân Khmer trong tỉnh Kiên Giang đầu tư trồng màu cho thu nhập ổn định. Ảnh: Tháp Mười

Dồn lực cho đồng bào Khmer

Thực hiện Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, trong năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cũng đã chi hơn 5,6 tỷ đồng hỗ trợ 250 hộ đồng bào dân tộc vay vốn chuyển đổi ngành nghề; 149 hộ được vay vốn sản xuất; cấp bồn chứa nước cho gần 750 hộ…

Nhờ vậy, tại Kiên Giang, hiện đã có 100% xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường giao thông nông thôn (GTNT) đến trung tâm xã; 100 xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có trạm y tế; 7/9 xã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; 40 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là xã Nông thôn mới.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, trong giai đoạn vừa qua, với nguồn lực của Trung ương và tỉnh, các chương trình, dự án, đề án, các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được đầu tư thực hiện. Từ chỗ sản xuất lúa là chính, đồng bào đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái, một bộ phận đã chuyển đổi ngành nghề sang làm việc ở các khu công nghiệp…

Từ năm 2014 đến nay, Kiên Giang đã hỗ trợ 7.420 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 24 tỷ đồng; các chương trình tín dụng đã cho 18.128 lượt hộ vay để phát triển sản xuất với số tiền trên 211 tỷ đồng. Tỉnh đã hỗ trợ mua đất ở cho 635 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với kinh phí gần 21 tỷ đồng theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kinh tế khởi sắc, đời sống nâng cao

img

Cầu, đường GTNT vùng đồng bào dân tộc Khmer được đầu tư xây dựng ngày khang trang. Ảnh: Tháp Mười

Nguồn vốn đầu tư hiệu quả, giúp đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên rõ rệt. Hiện địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm từ 10.346 hộ (chiếm 17,6%) của năm 2015 xuống còn 4.855 hộ (chiếm 7,29%) vào năm 2020…

Ông Huỳnh Thuận, ngụ ấp Nha Sáp, xã Vĩnh Diều, huyện Giang Thành cho biết: “Gia đình tôi đã sử dụng 50 triệu đồng nhờ chính quyền hỗ trợ vay qua Ngân hàng chính sách để nuôi heo bán công nghiệp và trồng dưa hấu, bí rợ theo tiêu chuẩn Việt Gap. Và đến nay, nay gia đình tôi đã gây dựng đàn heo thịt, heo nái gần 100 con cùng 9.000m2 đất rau, củ, quả xanh tốt, doanh thu hàng năm 300-400 triệu đồng”.

Ngày 14/4 vừa qua, tại huyện Châu Thành, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang còn phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh và Ban Giám hiệu Trường đại học Kiên Giang tổ chức chương trình Giao lưu hữu nghị giữa thanh niên Kiên Giang - Lào - Campuchia đang học tập tại Trường đại học Kiên Giang. Chương trình diễn ra trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer...

Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn ta, Ok Om Boc của người Khmer, chính quyền địa phương các cấp ở Kiên Giang đều tổ chức rất chu đáo. Những phần qùa được trao tận nhà, những cuộc thi đua ghe, vui chơi… cũng được tổ chức để đồng bào có những ngày lễ tết vui tươi trọn vẹn…

img

Nhờ vốn hỗ trợ, nhiều nông dân Khmer trồng màu và thoát nghèo. Ảnh: Tháp Mười

Bê tông hóa cầu đường, mở mang hàng chục km đường giao thông nông thôn

Thông qua các cuộc vận động của MTTQ và các đoàn thể các cấp, các tổ chức từ thiện, xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đã có hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương đã được xây dựng cùng hơn 50 cầu bê tông, 800 cây nước bơm tay, hàng chục km đường giao thông nông thôn trị giá hàng chục tỷ đồng đã mang lại lợi ích cho đồng bào. Những việc làm trên thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tỉnh Kiên Giang cũng tập trung đào tạo nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; chú trọng dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer. Nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hộ dân không có đất sản xuất được học nghề, tìm việc làm ổn định ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, ổn định đời sống.

Từ năm 2014 đến nay, các chương trình Quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng 121 công trình, gồm cầu, đường giao thông, nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học…

Kiên Giang đã cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7.910 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với kinh phí trên 10 tỷ đồng; xây dựng 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng đồng bào dân tộc với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng.

img

Đường GTNT vùng đồng bào dân tộc Khmer được đầu tư xây dựng ngày khang trang. Ảnh: Tháp Mười

Tỉnh cũng đã đầu tư 10 công trình điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 7.967 hộ ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, với kinh phí trên 91,5 tỷ đồng. Và các ngành, các cấp đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bao gồm cầu, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, hệ thống thủy lợi… trong vùng đồng bào dân tộc Khmer với kinh phí trên 300 tỷ đồng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.