Thế giới giao thông

Người lao động được trả tiền nếu đi làm bằng xe đạp, xe buýt

06/06/2021, 10:02

Năm 2020 có 54% người lao động tại Thụy Sĩ dùng xe buýt, xe điện... từ nhà đến nơi làm việc...

img

Pháp ưu đãi cao cho người đi xe đạp đến công sở

Từ cách đây hàng chục năm, nhiều nước phát triển như: Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ... và mới nhất là Nhật Bản đã, đang và sắp có chế độ ưu đãi hấp dẫn cho người lao động đi làm bằng các phương tiện không phát thải... Việc này nhằm thay đổi nhận thức về môi trường, sức khỏe và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Pháp: Chi trả tới 11 triệu đồng/năm

Pháp bắt đầu hỗ trợ đi lại cho người lao động từ cách đây hơn 70 năm, xuất phát từ Thủ đô Paris. Theo quy định năm 1948, chủ lao động tại Pháp có trách nhiệm trả 1 khoản trợ cấp đi lại bắt buộc cho người lao động.

Đến năm 2008, Chính phủ Pháp áp dụng quy định yêu cầu tất cả các nhà tuyển dụng tư nhân/ nhà nước trên toàn nước Pháp phải chịu một nửa chi phí thẻ giao thông công cộng cho nhân viên.

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung phúc lợi đi lại cho người lao động, Pháp đã không chỉ hỗ trợ chi phí sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm mà còn áp dụng cả với xe đạp để khuyến khích người dân ưu tiên những phương tiện vận tải ít phát thải nhất, hạn chế xe cá nhân. Đáng chú ý là chương trình trợ cấp tính trên số km di chuyển bằng xe đạp: khoảng 20 euro cent/km (5,5 nghìn VNĐ) và tối đa 200 euro/năm (hơn 5 triệu VNĐ).

Kết quả, ở thời điểm năm 2017, số người sử dụng xe đạp tăng 125%. Ngày càng có nhiều người sử dụng phương tiện này từ 3-4 lần/tuần, số người dùng hàng ngày cũng tăng gấp đôi.

Về tác động với môi trường, sau 6 tháng thu thập dữ liệu, Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp (ADEME) ước tính, nhờ các chương trình trợ cấp trên, năm 2017 Pháp đã giảm 2,7 tấn khí thải CO2.

Không dừng ở đó, năm 2019, khi xác định mục tiêu môi trường đầy tham vọng đưa lượng khí thải CO2 về mức 0 vào năm 2050, Quốc hội Pháp đã thông qua luật “Định hướng di chuyển” áp dụng trên toàn quốc, trong đó có rất nhiều điều khoản liên quan tới người lao động.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải thực thi chương trình “Kế hoạch vận tải” cho người lao động bao gồm các biện pháp như: Hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến nơi làm việc, thưởng cho những người sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, trang trải chi phí đi lại cho người dùng xe điện, xe lai điện, xe đạp, xe đạp điện, tham gia mô hình chia sẻ xe đạp...

Pháp cũng tạo ra “Gói giao thông bền vững” cho phép chủ lao động chi trả tới 400 euros (khoảng 11 triệu VNĐ)/ năm/ người lao động chọn đi lại bằng phương tiện thân thiện môi trường hoặc chọn hình thức chia sẻ xe. Với các cơ quan nhà nước, công chức được chi trả 200 euro (hơn 5 triệu VNĐ)/năm nếu đáp ứng điều kiện đi lại như trên.

Ngoài ra, Pháp còn dành ngân sách 350 triệu euro (9,8 nghìn tỉ VNĐ) phân bổ trong nhiều năm để tập trung cải thiện hạ tầng xe đạp, nâng cao an toàn cho người đi xe đạp, chống trộm cắp và phát triển văn hóa xe đạp.

Thụy Sĩ: Áp dụng “thời gian linh hoạt”

Tại Thụy Sĩ, một trong những đất nước có tỉ lệ người sử dụng phương tiện công cộng nhiều và hài lòng nhất thế giới, các doanh nghiệp cũng áp dụng không ít chương trình khuyến khích, chi trả tiền đi lại hàng năm cho những nhân viên sử dụng phương tiện công cộng hoặc tham gia mô hình chia sẻ xe ô tô để đi làm.

Người Thụy Sĩ vốn nổi tiếng về việc đúng giờ nên họ thường có xu hướng dễ căng thẳng một khi đến công sở muộn. Hiểu rõ tâm lý này, nhiều công ty còn chiều nhân viên đến mức đưa ra chương trình “thời gian linh hoạt” cho phép người lao động có thể đến muộn trong một khoảng thời gian định trước.

Qua đó, khi xe buýt/ tàu điện đến trễ hoặc người lao động bị nhỡ chuyến, nhân viên sẽ bớt vội vàng, căng thẳng. Nhờ đó, họ có thể giữ được tâm lý tích cực khi bắt đầu làm việc và tạo năng suất cao hơn.

Đó chính là lý do vì sao dù dân số tại Thụy Sĩ càng ngày càng cao, giao thông đông đúc, cũng gặp tình trạng tắc nghẽn và tiếng ồn nhưng người lao động Thụy Sĩ ít bị căng thẳng khi đi làm nhất châu Âu (tỉ lệ chỉ khoảng 20%).

Hơn nữa, theo số liệu thống kê mới nhất đến năm 2020, có 54% người lao động tại Thụy Sĩ dùng xe buýt, xe điện... từ nhà đến nơi làm việc và 94% những người dùng phương tiện công cộng cảm thấy hài lòng.

Bỉ: Hỗ trợ tối thiểu 6.000 đồng/km

img

Nhiều nước Châu Âu như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ khuyến khích người lao động đi xe đạp đi làm

Bỉ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách trợ cấp người lao động dựa trên số km sử dụng xe đạp.

Chính sách này được Bỉ công bố từ năm 1999, trong đó các chủ lao động có thể trả tiền cho nhân viên tùy theo số km mà họ di chuyển từ nhà đến nơi làm việc bằng xe đạp với mức tối thiểu 24 euro cent/km (khoảng 6 nghìn VNĐ) và không giới hạn mức tối đa.

Dù các doanh nghiệp không bắt buộc phải thực hiện chính sách trên nhưng tính đến năm 2018, đã có khoảng 550 nghìn lao động (tương đương 13% tổng số lao động tại Bỉ) được hưởng lợi.

Cùng lúc, từ năm 2019, Bỉ thực hiện thêm một giải pháp được đánh giá rất cao nữa mang tên “ngân sách giao thông”. Mỗi năm, Bỉ sẽ giải ngân một khoản tiền chi trả tiền di chuyển từ nhà đến nơi làm việc cho người lao động nếu họ sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường. Những người lao động sử dụng ô tô của công ty cũng vẫn được hưởng lợi nếu phương tiện đó là xe điện.

Nhật đặt mục tiêu lớn

Theo dự thảo mới được công bố, đến năm 2025, Nhật sẽ hỗ trợ về ngân sách và thuế cho các doanh nghiệp để xây dựng bãi đậu xe đạp, giúp người dân đi làm bằng xe đạp dễ dàng hơn.

Qua đây, Nhật kỳ vọng có thể tăng lượng sử dụng xe đạp lên 18,2% trong tổng số các phương tiện giao thông công cộng tính đến 2025. Chương trình này sẽ góp phần vào mục tiêu chung vừa được Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga công bố cách đây 1 tháng đó là giảm 46% khí thải CO2 tính đến năm 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.