Hà Nội đang trong những ngày rét nhất từ đầu mùa khiến nhiều người không khỏi "rùng mình" mỗi khi phải ra đường.
Đặc biệt vào ban đêm, cái lạnh "cắt da thịt" càng cảm nhận rõ rệt hơn khi nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C. Mặc dù vậy, dọc theo các tuyến phố của Thủ đô, không khó để bắt gặp hình ảnh những người lao động vẫn miệt mài mưu sinh.
Giống như mọi ngày, chị Hồng (quê Nam Định) lại rong ruổi khắp phố phường để thu gom phế liệu. Theo chị, mỗi buổi tối cố gắng nhặt nhạnh cũng bán được hơn 100.000 đồng.
"Thời tiết có khắc nghiệt, giá buốt hơn nữa thì tôi vẫn phải làm việc. Chỉ mong có được sức khỏe ổn định để tiếp tục bươn chải, kiếm sống, lo cho gia đình", chị Hồng bày tỏ.
Cách đó không xa, anh Trung, công nhân vệ sinh môi trường trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đang cố gắng hoàn thành công việc sớm.
"Ca làm của tôi bắt đầu từ 16h chiều và có thể kéo dài đến 1h sáng hôm sau. Quãng thời gian ngồi chờ xe đến chở rác đi là lúc lạnh nhất. Dù mặc thêm cả áo mưa nhưng cũng chẳng ăn thua", anh Trung chia sẻ.
Gần 23h đêm, chợ đầu mối Long Biên tấp nập người qua lại.
Nhanh tay phân loại mực tươi ở các thùng xốp, anh Hoàng Minh Ngọc, nhân viên tại kiot bán hải sản cho biết: "Thời tiết này cho tay xuống nước bình thường đã buốt rồi chứ đừng nói đến nước đá. Để giữ ấm và tránh nước thấm vào người tôi đã chuẩn bị đầy đủ ủng, áo mưa, 2 lớp găng tay...".
Hải sản được ướp đá lạnh để đảm bảo độ tươi khi vận chuyển đường dài.
Thời tiết Hà Nội lúc này cũng trở thành "cực hình" đối với những "phu đá" như anhTô Văn Dương (quê Thanh Hóa).
"Còn nhớ ngày đầu vào nghề, tôi rất ngại đi làm vì phải bê những cây đá lạnh đến thấu xương. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá, trung bình 400.000 nghìn đồng/ngày", anh Dương cho hay.
Càng về khuya, khu chợ càng trở nên nhộn nhịp. Xe tải lớn nhỏ liên tục vận chuyển đủ mặt hàng hoa quả từ khắp nơi đổ về đây.
Hàng hóa nhanh chóng được bốc dỡ để phân phối đến các cửa hàng, đại lý...
Dù lạnh dưới 10 độ C nhưng tấm lưng của các nữ "cửu vạn" đều đã đẫm mồ hôi khi phải gồng mình kéo xe hàng vượt qua con dốc phía cổng chợ. Ai cũng muốn chở được nhiều chuyến nhất có thể để kiếm thêm thu nhập, vơi đi nỗi lo cơm, áo, gạo tiền...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận