Xã hội

Người lao động nghỉ làm do dịch Covid-19 được trả lương và chế độ ra sao?

26/03/2020, 22:11

Bộ LĐTB&XH vừa hướng dẫn cách trả lương cho người bị ngừng việc do Covid-19 trong các DN gặp khó khăn phải cho lao động nghỉ.

img
Bộ LĐTB&XH vừa hướng dẫn cách trả lương cho người bị ngừng việc do Covid-19 trong các DN gặp khó khăn phải cho lao động nghỉ (ảnh minh họa)

Bộ LĐTB&XH vừa có công văn hướng dẫn trả lương cho người bị ngừng việc do Covid-19 trong các DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phải cho lao động nghỉ việc.

Theo đó, công văn nêu rõ, việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc, do lỗi của người sử dụng lao động, hay người lao động, hay do nguyên nhân khách quan.

Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp; Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly; Người lao động phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng DN, bộ phận DN đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại DN làm việc …thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động. Theo đó, tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đối với trường hợp DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động (Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động).

Trong trường hợp nếu thời gian ngừng việc kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động (Quy định làm việc không trọn thời gian).

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 (Hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) hoặc Điều 44 (các phương án sử dụng lao động) Bộ luật Lao động.

Đối với những trường hợp phát sinh khác, Bộ LĐTB&XH đề nghị các sở căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hoặc báo cáo về Bộ để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Trước đó, Bộ LĐTB&XH cũng đã đề xuất Chính phủ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của dịch bệnh Covid-19, từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

Qua báo cáo nhanh của các DN trong tháng 2, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.

Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2/2020 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so với tháng 01/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.