Hàng không

Thẩm định dự án hãng hàng không vận tải hàng hoá của ông Hạnh Nguyễn

14/02/2022, 06:42

IPP Air Cargo có tham vọng đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở lại thị trường Air Cargo chuyên nghiệp

Sáng 14/2, Cục Hàng không sẽ tổ chức thẩm định và báo cáo Bộ GTVT kết quả cấp phép cho hãng hàng không IPP Air Cargo.

img

Với 36 năm kinh nghiệm làm hàng không, nhiều chuyên gia kỳ vọng vào sự bùng nổ của “Vua hàng hiệu” trong ngành hàng không với Air Cargo những năm tới.

Đây là tin vui đối với Tập đoàn IPP và ngành hàng không Việt Nam khi sắp tới sẽ có một hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam.

Chủ tịch IPP Air Cargo là ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn IPP.

Ông Hạnh Nguyễn là một doanh nhân nổi tiếng, được biết đến với hình ảnh người khai phá đầu tư những ngành nghề khó nhưng rất cần thiết cho Việt Nam phát triển.

Ông Hạnh Nguyễn cũng được vinh danh là người tiên phong mở đường bay kết nối Việt Nam với các nước tư bản từ 36 năm về trước.

Vào những năm 1984 khi đất nước bị cấm vận, cuộc sống người dân còn khó khăn, các thế lực thù địch tấn công mọi phía.

Lúc này, ông Hạnh Nguyễn đang làm thanh tra tài chính cho hãng Boeing Subcontractors đã trở về nước để nhận một “nhiệm vụ” đặc biệt: Mở đường bay.

Những chuyến bay đầu tiên kết nối thế giới với Việt Nam cũng là những chuyến bay chở hàng hoá (Cargo) gồm nhu yếu phẩm, thuốc men, thực phẩm, hàng hoá… và hàng viện trợ từ khắp nơi trên thế giới về cho người dân trong nước.

Từ 1985 đến nay, mặc dù ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nhưng mảng vận tải hàng hoá chuyện biệt bằng đường hàng không gần như bị bỏ trống và đó cũng là điều khiến ông Hạnh Nguyễn trăn trở trong nhiều năm qua.

Vì thế, IPP Air Cargo được nghiên cứu kỹ lưỡng, lên kế hoạch và đầu tư bài bản để tham gia một cách chuyên nghiệp trên thị trường vận tải quốc tế và nội địa.

Với kinh nghiệm vận chuyển hàng không từ hơn 36 năm về trước, chúng ta có thể trông chờ sự bùng nổ của “Vua hàng hiệu” với Air Cargo trong những năm tới.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, trong ngành hàng không việc vận chuyển hàng hoá là thị trường quan trọng giúp duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động phụ thuộc vào thời gian.

Kể từ khi chuyến bay vận chuyển hàng không đầu tiên diễn ra năm 1910, ngành công nghiệp này đã phát triển bất chấp nhiều thách thức.

Theo AeroTime, có 5 hãng vận chuyển hàng hóa hàng không lớn nhất về quy mô đội bay từ năm 2021.

Đó là: FedEx với 684 tàu bay (đang đặt thêm 135 tàu bay ); UPS có 284 tàu bay; DHL 191 tàu bay; Atlas Air 94 tàu bay chở hàng chuyên dụng và Amazon Air là một trong những hãng hàng không có tốc độ phát triển tàu bay nhanh nhất, chỉ chuyên chở hàng hóa của hãng mình với tổng cộng 73 chiếc máy bay.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều hãng bay chở hành khách hầu như suy kiệt. Ở Việt Nam, vận tải hàng hóa lại trở thành một cứu cánh để bù đắp một phần doanh thu cho các hãng bay hành khách. Tuy nhiên, đó không phải là các máy bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.

Việc tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển chỉ là một giải pháp mang tính nhất thời, không hiệu quả, cũng không mang tính bền vững lâu dài, không thể đại diện cho 1 ngành vận chuyển hàng không chuyên nghiệp cho Việt Nam.

Đặc biệt, đất nước đang trên đà tăng trưởng xuất nhập khẩu, bứt phá, lọt top 3 trong ASEAN 2021 và xem xuất, nhập khẩu là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước phát triển trong những năm tới.

"Vì vậy, IPP Air Cargo ra đời với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh vận tải hàng hoá của Việt Nam trên các đường bay quốc tế.

Đồng thời góp phần bình ổn giá cước vận chuyển, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Dần cân bằng thương quyền bay vận tải hàng hóa

Cũng theo ông Hạnh Nguyễn, việc IPP Air Cargo ra đời sẽ cân bằng lại thương quyền bay cho ngành hàng không Việt Nam.

Vì Hiệp định hàng không quy định 1 - 1, hay nói cách khác, cứ một chuyến bay từ nước khác vào Việt Nam thì chúng ta được quyền bay ngược lại 1 chuyến. Nhưng do chưa có hãng vận tải hàng hoá hàng không chuyên biệt nên mình bị thua thiệt.

Trong khi đó, các hãng vận tải hàng không nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm 88% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu.

Khi IPP Air Cargo ra đời thì tỷ lệ này sẽ được cân bằng 50/50. Số lượng chuyến bay cũng sẽ tăng lên và các hãng nước ngoài cũng nhờ thế được tăng gấp đôi số chuyến bay và lượng hàng hoá.

“Các hãng bay vận tải hàng hoá, chuyển phát nhanh nước ngoài vốn đã là các đối tác có mối quan hệ mấy chục năm qua với tập đoàn IPP. Vì vậy, chúng tôi có nhiều thuận lợi, họ rất ủng hộ IPP Air Cargo”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Để chuẩn bị cho IPP Air Cargo vận hành chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn hảo, ông Hạnh Nguyễn cũng đã thành lập Công ty Bellazio Logistics.

Đây là công ty sẽ đầu tư chuỗi kho chuyển phát nhanh và chuỗi kho tổng trung tâm (logistic HUBs) tại các sân bay và khắp các tỉnh thành Việt Nam để tiếp nối tạo thành một hệ thống vận chuyển chuyên nghiệp liên hoàn hỗ trợ cho Ipp Air Cargo.

Khi đó, các công ty chuyển phát nhanh trong nước cũng sẽ là những đơn vị được hưởng lợi lớn khi có thêm lượng hàng khổng lồ từ 16 sân bay và các hệ thống kho tổng trung tâm.

"Toàn bộ các hệ thống kho của tập đoàn chúng tôi sẽ đều được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ hiện đại kết nối mạng với nhau và các cơ quan kiểm soát giám sát chuyên ngành tại các kho hàng ở bất cứ tỉnh thành nào cũng có thể tra cứu trên hệ thống đã được kết nối.

Có thể nói đây sẽ là một hệ thống xuyên suốt từ A- Z siêu thông minh, theo công nghệ AI tiên tiến nhất”, ông Hạnh Nguyễn khẳng định.

Hiện IPP Air Cargo đã làm các thủ tục theo hướng dẫn của Cục hàng không để xin được cấp phép bay và các công tác chuẩn bị xin giấy phép điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.

Ông Hạnh Nguyễn kỳ vọng sẽ sớm được cấp các giấy phép cần thiết trong năm 2022.

Được biết, IPP Air Cargo đã ký thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD. IPP Air Cargo cho biết sẽ đào tạo 1 đội bay hùng hậu để triển khai kinh doanh, đồng thời có tham vọng đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Dự án lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.

Năm đầu khai thác, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Doanh nghiệp dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.