Thế giới giao thông

Người Mỹ mở trường dạy lái ô tô bay

31/01/2018, 20:15

Nhận thấy tính khả thi và nhu cầu nhân lực cấp thiết trong ngành kỹ thuật ô tô bay có thể bùng nổ...

35

Xe tự động lái được dự đoán là chủ đề "hot" nhất hành tinh

Nhận thấy tính khả thi và nhu cầu nhân lực cấp thiết trong ngành kỹ thuật ô tô bay có thể bùng nổ trong tương lai không xa, ông Sebastian Thrun, một trong những người tiên phong trong ngành ô tô tự lái, đã thiết kế những bài giảng về ô tô bay và cấp bằng chương trình giảng dạy của trường trực tuyến Udacity, Silicon Valley.

Ngành ô tô bay rất "hot" nhưng thiếu nhân lực

Suốt nhiều năm nay, Sebastian Thrun, nhà khoa học máy tính, cựu Giáo sư Đại học Stanford (50 tuổi), đã theo dõi và nhận thấy, “xe tự động lái sẽ là chủ đề hot nhất hành tinh” khi thị trường này chứng kiến sự xuất hiện của những cái tên rất nổi từ Airbus, Amazon đến Uber tham gia nghiên cứu, phát triển kỹ thuật.

Kỹ sư Thrun thừa nhận: “Tại thời điểm này, ô tô bay vẫn là cụm từ nghe rất kêu, dù thu hút sự chú ý nhưng lại có vẻ xa vời. Người ta vẫn còn cảm giác đây là câu chuyện khoa học viễn tưởng. Nhưng khi Google và Amazon... lấn sân vào lĩnh vực này, trong hai năm tới, rất nhiều hoạt động lớn sẽ được thực hiện”.

Theo ông Thrun, hiện nay, ngành ô tô bay đang trên đà phát triển, cần số lượng lớn nhân lực chất lượng cao nhưng “gần như không thể thuê nhân lực giỏi về thiết kế, phương tiện tương lai - trên mặt đất và trên không để có thể sáng tạo công nghệ tiên tiến bao gồm tự động hóa, trí thông minh nhân tạo và máy móc”.

Vốn là người đi đầu trong đội ngũ ra mắt dự án xe tự lái của Google, hiện đang là cố vấn cho Tập đoàn Alphabet của Google và vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Giám đốc điều hành và người đồng sáng lập Alphabet - ông Larry Page, ông Thrun hiểu rõ: “Hiện nay, tình trạng thiếu hụt kỹ thuật viên về xe ô tô bay rất lớn. Có rất nhiều người thông minh nhưng không thể phát huy vì thiếu đào tạo”.

CEO Page là nhà đầu tư của Tập đoàn Kitty Hawk, một công ty khởi nghiệp khoảng 2 năm, mà ông Thrun là Giám đốc điều hành, người đồng sáng lập. Người bạn này của ông cũng từng tuyên bố sẽ “biến giấc mơ con người có thể bay thành hiện thực”.

Giảng dạy và cấp bằng trực tuyến

Đó chính là lý do nhà khoa học Sebastian Thrun mạnh dạn đưa chương trình giảng dạy và cấp bằng ô tô bay vào Udacity. Trường trực tuyến Udacity được Sebastian Thrun thành lập từ năm 2011.

Ngôi trường này cung cấp dịch vụ giáo dục vì lợi nhuận, mang đến chương trình đào tạo những lĩnh vực kỹ thuật mới nổi mà các trường đại học, cao đẳng chưa bắt kịp. Đến cuối năm 2015, Udacity đã kêu gọi ít nhất 160 triệu USD và được Tạp chí Forbes định giá 1 tỉ USD.

Ông Thrun khẳng định, chương trình xe tự lái của trường đã thu hút 50.000 người tham gia từ năm 2016. Trong tương lai, với chương trình giảng dạy ô tô bay vừa được công bố, ông dự tính sẽ thu hút ít nhất 10.000 người tham gia.

Để nhận bằng kỹ thuật ô tô bay trực tuyến, người học phải tham gia 2 khóa học trong thời gian 12 tuần với chi phí mỗi khóa 1.200 USD, bao gồm một khóa về tự động hàng không và khóa còn lại là Hệ thống Hàng không thông minh. Trường sẽ cấp chứng chỉ trực tuyến trong thời gian ngắn hơn khóa học cấp bằng truyền thống.

Ông Thurn chia sẻ, động lực để sáng tạo chương trình ô tô bay tương đương những gì đã thôi thúc nhà trường mở rộng khóa học về ô tô tự lái.

Nếu như chương trình dạy ô tô bay của Udacity cần thêm thời gian để có thể đánh giá sát sao thì chương trình ô tô tự lái mà trường này đào tạo nhiều năm nay đã và đang mang đến nhiều kiến thức bổ ích, cũng như gây dựng niềm tin.

Năm ngoái, công ty cung cấp phần mềm gọi taxi Lyft của Mỹ đã phối hợp với Udacity tài trợ 400 suất học bổng trong năm nay cho những ứng viên chất lượng cao để hoàn thành chương trình “bằng nano” ô tô tự lái của Udacity.

Giám đốc Chiến lược Lyft Raj Kapoor từng nhận định với Tạp chí Forbes rằng: “Ngành ô tô tự lái đang phát triển này thiếu hụt rất nhiều tài năng. Ông Sebastian được coi là cha đỡ đầu của ngành ô tô tự động lái và đã hệ thống lại kiến thức chương trình học để mọi người có được những căn bản và nền tảng về ngành này”. Chưa kể, lực lượng lao động công nghệ cũng thiếu hụt sự đa dạng trầm trọng, ông Kapoor nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.