Góc nhìn

Người Mỹ tranh cãi không ngừng về "sở hữu súng tự do"

29/05/2015, 06:05

Bang Texas vẫn tiếp tục xúc tiến hợp pháp hóa hai dự luật: Sở hữu súng công khai và luật mang súng.

H_i ch_ s·ng t_i Chantilly, bang Virginia, M_
Hội chợ súng tại Chantilly, bang Virginia, Mỹ.

Mới đây, cuộc ẩu đả dẫn tới xả súng tấn công nhau giữa các băng đảng mô tô tại TP Waco, bang Texas (Mỹ) khiến một lần nữa nổ ra cuộc tranh luận về việc quản lý súng tại quốc gia sở hữu súng nhiều nhất thế giới này.

Mang súng công khai

Hôm 17/5 vừa qua, do tranh chấp bãi đỗ xe tại chuỗi nhà hàng Twin Peaks Sports Bar and Grill, năm băng đảng môtô tại Mỹ từ tranh cãi biến thành cuộc chiến bằng dao và nhanh chóng leo thang thành đấu súng. Vụ việc làm 9 người chết và 18 người bị thương. 170 thành viên đến từ năm băng đảng mô tô bị chức trách Mỹ buộc tội tham gia tổ chức tội phạm và giết người. Những người bị bắt được đưa tới một nhà tù quận. Mỗi nghi phạm muốn tại ngoại phải trả 1 triệu USD tiền bảo lãnh.

Tuy nhiên, bất chấp vụ ẩu đả chết người trên, bang Texas vẫn tiếp tục xúc tiến hợp pháp hóa hai dự luật: Sở hữu súng công khai và luật mang súng trong trường đại học. Dự kiến cả hai luật sẽ được Thượng viện, Hạ viện tiểu bang thông qua vào cuối tuần này để trình lên Thống đốc ký.

Thống đốc bang Texas lập luận: “Vụ xả súng tại Waco xảy ra khi chúng ta không được mang súng công khai. Từ đó, có thể dễ dàng nhận thấy, luật pháp hiện nay là chưa đủ để ngăn chặn sự việc trên xảy ra”.

Bang Texas không phải bang đầu tiên xem xét dự luật cho phép mang súng công khai. Vì thực tế phần lớn các tiểu bang trên nước Mỹ đều đã cho phép mang súng lục công khai khi ra đường. Duy chỉ có 6 tiểu bang (bao gồm Texas) với số dân chiếm hơn 1/3 tổng số dân Mỹ lại không cho phép việc này. Trả lời phỏng vấn sau ngày đắc cử Thống đốc năm 2014, ông Abott từng nói: “Nếu súng lục được mang công khai ở Massachusetts, thì sao Texas lại không?”. Ông Abbott hứa hẹn sẽ mở rộng quyền dùng súng trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội tiểu bang mà ông làm Chủ tọa sẽ kết thúc vào ngày 1/6 tới.

Theo thống kê của Tổ chức Lưu trữ thông tin về bạo lực do súng (GVA) phi lợi nhuận, tính từ đầu năm 2015 cho đến tháng 5, tại Mỹ đã xảy ra 19.086 vụ bạo lực liên quan đến súng; làm chết 4.905 người; số người thiệt mạng là 9.450.

Cho phép giấu súng trong trường học

Riêng với dự thảo luật mang súng trong trường đại học, luật này cho phép cất súng trong lớp học, được Thượng viện tiểu bang thông qua vào tháng ba vừa rồi và dự kiến sẽ được Hạ viện tiểu bang thông qua trong vài ngày tới đây. Tuy nhiên, luật này khiến người dân Mỹ không khỏi e ngại rằng nó sẽ tạo điều kiện để những vụ xả súng vô tội vạ trong trường học xảy ra, đã và đang để lại hậu quả đau đớn.

Người Mỹ vẫn chưa quên được vụ thảm sát man rợ nhất tại khuôn viên Đại học Bách khoa Virginia ở Blacksburg, Virginia năm 2007. Sát thủ Cho Seung-Hui giết 32 người và làm bị thương nhiều người khác trước khi tự sát. Cho đến nay, đây là vụ thảm sát thực hiện bởi một thủ phạm, bên trong khuôn viên đại học, gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử Mỹ.

Gần đây nhất, tháng 12/2012 xảy ra vụ xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook, TP Newtown, tiểu bang Connecticut do Adam Lanza (20 tuổi), một học sinh giỏi  của trường, là thủ phạm. Adam Lanza bắn và giết chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em và tự sát. Trước đó, Adam bắn chết mẹ hắn - một tình nguyện viên ở trường. Đây là vụ nổ súng tại trường học gây chết người nghiêm trọng thứ nhì trong lịch sử Mỹ.

Trước dự luật trên, nhiều nhóm phản đối cho rằng, luật này sẽ khiến môi trường đại học và cao đẳng nguy hiểm hơn.

Súng và kinh tế - chính trị

Nhiều người tự hỏi: “Tại sao Mỹ loay hoay sửa đổi, bổ sung các luật về quyền dùng súng và sở hữu súng để giảm thiểu rủi ro gây chết người mà không dứt khoát cấm luôn việc cho người dân sở hữu súng?”. Câu trả lời là điều đó được quy định trong Hiến pháp. Tu chính luật thứ hai (được chuẩn y năm 1791) trong Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép công dân Mỹ quyền tự vệ chính đáng và do đó có quyền sở hữu vũ khí hợp pháp. Mọi điều luật sửa đổi bổ sung đều phải dựa trên cơ sở Hiến pháp.

Mặt khác, việc ra một luật hạn chế sử dụng súng đôi khi ảnh hưởng tới lượng phiếu bầu của cử tri nên các chính trị gia khá e ngại. Bài học rõ ràng nhất là của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore (Đảng Dân chủ). Năm 1999, sau vụ hai học sinh Eric Harris và Dylan Klebold tấn công trường Trung học Columbine gần Denver, giết hại 12 bạn học và một giáo viên; 24 người khác bị thương, ông Al Gore đã đề xuất hạn chế luật, siết chặt kiểm tra lý lịch của người mua súng.

Đề xuất của ông Al Gore đã vấp phải sự tranh cãi quyết liệt tại Thượng viện tới mức không phân thắng bại, cuối cùng chính lá phiếu của ông Al Gore đã quyết định dự luật này được thông qua.

Tuy nhiên, sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới số phiếu bầu cho ông Al Gore trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 sau đó. Thậm chí, ông Al Gore còn “thua đau” ngay trên sân nhà. Bởi, khoảng 48% cử tri trên toàn quốc thời điểm đó là những người sở hữu vũ khí (so với 37% năm 1996) và trong số những người sở hữu súng, 61% đã bỏ phiếu cho ông George W. Bush.

Tới năm 2013, khảo sát do ABC News/Washington Post thực hiện, 44% người được hỏi cho biết, họ sở hữu ít nhất một khẩu súng trong nhà và tất nhiên họ không ủng hộ các biện pháp hạn chế súng.

Về kinh tế, lệnh cho phép sở hữu súng đã mở cửa cho ngành kinh doanh súng nở rộ. Năm 2013, ngành kinh doanh súng tạo ra 250 nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp, với lợi nhuận 38 tỉ USD mỗi năm. Do đó, nếu chính phủ hạn chế súng sẽ gây ảnh hưởng không ít tới kinh tế trong bối cảnh nước Mỹ đang chật vật vượt qua khủng hoảng. Năm 2014, doanh số súng ngắn tại California tăng cao, đánh dấu năm thứ 11 tăng liên tục. Cụ thể, hơn 500 nghìn khẩu súng ngắn đã được bán cho những người mua hợp pháp trong năm 2014, tăng gấp đôi so với lượng súng bán được 5 năm trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.