Thế giới giao thông

Người Mỹ xấu hổ vì chất lượng sân bay thua châu Á

01/04/2015, 10:30

Nhiều năm liền, châu Á chiếm lĩnh bảng xếp hạng sân bay tốt nhất thế giới, vượt xa các sân bay của Mỹ.

102
Cảnh chờ đợi tại sân bay La Guardia (New York, Mỹ)

Vắng bóng Mỹ trong top

“Sân bay tốt nhất thế giới” còn được biết là giải thưởng hành khách lựa chọn do Tập đoàn Tư vấn hàng không SkyTrax tổ chức từ năm 1999. Năm nay, SkyTrax khảo sát trên 13 triệu hành khách tại 112 quốc gia từ tháng 5/2014 tới tháng 1/2015 để xếp hạng các sân bay. Hành khách được yêu cầu cho điểm sân bay dựa trên nhiều tiêu chí: Sự thoải mái tại nhà ga (nghỉ ngơi, ăn uống), quá trình check-in, thời gian chờ đợi tại cửa hải quan và an ninh.

Trên tạp chí Air Line Pilot, luật sư Carol Hallett đến từ Tổ chức Thương mại Mỹ - tổ chức vận động hành lang nhận định: “Mỹ có nguy cơ sẽ tụt xa so với châu Á, Trung Đông, châu Âu trong lĩnh vực hàng không toàn cầu”.

Năm nay, 6/10 nước châu Á tiếp tục chiếm hữu bảng xếp hạng 10 sân bay tốt nhất thế giới. Dẫn đầu là sân bay Changi (Singapore) - ba năm liên tiếp đón nhận vinh dự này.  Ngay trong top 5, có tới bốn sân bay thuộc châu Á và hoàn toàn vắng bóng các đại diện Bắc Mỹ (kể cả nước Mỹ). Thứ hạng cao nhất của các sân bay Bắc Mỹ là vị trí thứ 11 thuộc về Vancouver (Canada). Trong khi đó, sân bay tốt nhất nước Mỹ - Cincinnati xếp tận thứ 30. Sân bay John Frank Kennedy (New York) bị bỏ xa ở vị trí thứ 60.  

Đây không phải lần đầu tiên mà là tình trạng chung của bảng xếp hạng sân bay quốc tế tốt nhất 10 năm trở lại đây. Hơn một thập kỷ qua, top 3 sân bay: Quốc tế Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) thay nhau giữ vị trí số 1. Đồng thời, luôn có từ bốn tới sáu sân bay khu vực châu Á trong top 10 sân bay tốt nhất thế giới.

Phó tổng thống thấy “ngu xuẩn”

Trong một bài viết mới đây trên mục ý kiến của tờ Businessinsider, ông Patric Smith, nhà báo, nhà bình luận, biên tập viên và nhà phê bình thâm niên 30 năm, từng có thời gian làm việc tại hai tờ báo lớn của Mỹ International Herald Tribune và The New Yorker có bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân đánh giá thực trạng tồi tệ của các sân bay tại Mỹ.

Trong bài viết, ông Smith nói: “Bản thân tôi không muốn đưa chủ đề này ra thế giới. Nhưng trải nghiệm của tôi tại các sân bay của châu Á vài ngày vừa qua buộc tôi phải viết. Nhân dịp nghỉ lễ, tôi có dịp đi từ sân bay Thủ đô Bangkok (Thái Lan) tới sân bay Amsterdam (Hà Lan), quá cảnh tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tại sân bay Hồng Kông, nhà ga ở đây rộng rãi, sạch sẽ, yên tĩnh. Thời gian rời khỏi máy bay và lên máy bay tiếp theo chỉ mất khoảng chục phút.

Top 10 sân bay hàng đầu thế giới 2015

1. Sân bay Changi (Singapore)
2. Incheon (Hàn Quốc)
3. Munich (Đức)
4. Hong Kong (Trung Quốc)
5. Tokyo (Nhật Bản)
6. Zurich (Thụy Sĩ)
7. Trung Nhật (Nhật Bản)
8. Heathrow (Anh)
9. Amsterdam Schiphol (Hà Lan)
10. Bắc Kinh (Trung Quốc)

Tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Thái Lan), là khách quốc tế nhưng tôi chỉ phải chờ khoảng vài giây chứ chưa nói đến một phút tại cửa xuất nhập cảnh. Tôi chạnh lòng khi so sánh quá trình tương tự tại sân bay của Mỹ. Với một du khách nước ngoài đến Mỹ (tới trực tiếp hay quá cảnh) đều làm thủ tục cực lâu và rườm rà. Đầu tiên là thời gian làm thủ tục nhập cảnh có thể mất ít nhất một giờ đồng hồ vì khu vực này luôn đông nghẹt người. Sau đó, dù chỉ quá cảnh qua Mỹ, bạn cũng buộc phải kiểm tra hành lý một lần nữa, mất thêm ít nhất 20 phút. Khi qua được “ải” hành lý, bạn tiếp tục phải nối hàng, chờ tại điểm kiểm tra hải quan. Thời gian di chuyển giữa các nhà ga sẽ ngốn tiếp khoảng 15 phút.

“Cửa ải” mệt mỏi nhất là kiểm tra an ninh, bạn tiếp tục phải xếp hàng 20 phút hoặc hơn. Kế đến, phòng chờ khởi hành ồn ào, bẩn thỉu, đông đúc. Tiếng trẻ con khóc, tiếng tin tức oang oang từ CNN, hàng loạt các thông báo công cộng - hầu hết là vô nghĩa, một nửa là không thể hiểu được - chồng chéo lên nhau. Thời gian bạn phải hứng chịu cảnh này có khi lên tới hai tiếng đồng hồ.

Chẳng vậy mà trong cuộc khảo sát trước đó do CNN thực hiện đối với 1.200 hành khách hạng thương gia tới Mỹ, có tới  20% thề sẽ không bao giờ quay trở lại vì thủ tục nhập cảnh tại sân bay quá lâu; 40% cho biết sẽ khuyến khích người khác tới thăm Mỹ.

Năm ngoái, bức xúc trước việc sân bay LaGuardia (New York) tụt xuống mức sân bay tồi tệ nhất thế giới nhiều năm liền, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thốt lên trên tờ CNBC rằng: “Sân bay LaGuardia chẳng khác nào sân bay ở một nước "Thế giới thứ ba”. Tại sao vậy, trong khi chúng ta đang trong top dẫn đầu thế giới về kinh tế bấy lâu nay và sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại nhất thế giới?”. Ông Biden nhấn mạnh: “Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong thập kỷ qua, chất lượng cơ sở hạ tầng của Mỹ giảm 20 điểm. Đây là một điều đáng xấu hổ và ngu xuẩn với chúng ta”.

Ngay bên dưới lời chỉ trích của ông Biden, CNBC thực hiện một khảo sát ý kiến độc giả thì có tới 79% đồng ý, 11% không đồng ý và 10% không dám chắc chắn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.