Y tế

Người nhiễm Covid-19 tăng nhanh, ứng phó thế nào?

29/11/2021, 06:38

Các chuyên gia dự báo, số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, vậy làm cách nào để kiểm soát, ngăn chặn?

Nếu chủ quan, ca mắc Covid-19 còn tăng

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 28/11, cả nước ghi nhận hơn 12.936 ca Covid-19, trong đó nhiều nhất là TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp…

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.102 ca/ngày.

Đáng chú ý, số mắc có xu hướng tăng cao trở lại một số địa phương như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp.

img

Đẩy mạnh tiêm phủ 2 mũi vaccine là một trong những giải pháp kiểm soát dịch Covid-19

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Con số mắc mới Covid-19 tăng cao, tuy nhiên nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố cũng nằm trong dự báo sau khi thực hiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19”.

Theo ông Phu, số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

“Khi thực hiện Nghị quyết 128, mục tiêu đặt ra chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng nhưng không nhiều quá, giảm ca nặng để tránh quá tải y tế và giảm tử vong. Trong lúc này, chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch. Dự báo, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus”, ông Phu cho hay.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Khi “cửa” mở ra, nhiều thứ có thể “đi vào”, nhất là với dịch bệnh lây lan rất nhanh như Covid-19. Nếu chủ quan, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng cao tại một số địa phương”.

Giải pháp nào kiểm soát dịch Covid-19 trong tình hình mới?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, khi số ca mắc tăng, điều quan trọng là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết nhanh nhất có thể.

Đồng thời, sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Các địa phương chủ động sẵn sàng nguồn lực, xây dựng các phương án đáp ứng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiếp tục chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Đến ngày 30/11, về cơ bản Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vaccine trên 70% dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi.

Bộ Y tế đã quyết định lập 3 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nói về giải pháp kiểm soát dịch Covid-19 trong tình hình mới, ông Phu nhấn mạnh, cần tổng hợp các giải pháp, trong đó lưu ý 4 việc cần làm.

Thứ nhất, các địa phương cần phải giám sát dịch tốt, đánh giá nguy cơ thì mới có thể biết được tình hình dịch ở địa phương mình như thế nào. Bằng hình thức như xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, xét nghiệm vùng nguy cơ; xét nghiệm đánh giá nguy cơ như các trường hợp ho sốt phải xét nghiệm, nhân viên y tế, lái xe... các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, siêu thị…

Thứ 2, khi có dịch vẫn phải truy vết, phát hiện, “quây” ổ dịch càng nhỏ càng tốt, không thể buông xuôi cho rằng tiêm vaccine rồi thì không cần “quây” ổ dịch. Đồng thời, quan trọng nhất là phải có phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch ở tất cả các ngành nghề, các khu vực như mô hình xí nghiệp an toàn, chợ an toàn, siêu thị an toàn, trường học an toàn, vận tải an toàn...

Thứ 3, cần phủ nhanh vaccine Covid-19. Việc rút ngắn thời gian cách ly, cách ly tại nhà, nới lỏng được hay không là ở vấn đề vaccine.

Thứ 4, các bệnh nhân Covid-19 phải được tiếp cận sớm với y tế, phải được điều trị. Các tỉnh thành cần chuẩn bị các cơ sở hồi sức cấp cứu, chuẩn bị theo cơ số, theo đánh giá nguy cơ từng tỉnh thành. “Phải đánh giá nguy cơ để có sự chuẩn bị trước là như vậy”, ông Phu nhấn mạnh.

Phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K +”

Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp cả trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam.

Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các giải pháp khác”.

Trong đó, vaccine, thuốc điều trị có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.