Tâm sự

Người phụ nữ 20 năm làm mẹ trẻ tự kỷ

27/03/2016, 10:51

Hơn 20 năm, vị nữ Phó giám đốc luôn là mẹ, là bà để giúp trẻ tự kỷ nói và cười nhiều hơn.

dsc08712-1234
Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ tự kỷ Sao Mai.

“Vừa là duyên, vừa là nghiệp”

Đến trung tâm Sao Mai vào một ngày mưa của tháng 3, chúng tôi như bước vào một thế giới khác đầy ấm áp với nhiều tiếng cười của những đứa trẻ tự kỷ. Những tiếng nói, tiếng cười này là thành quả nhiều năm của bà Đỗ Thúy Lan - người gây dựng trung này.

Bà Thúy Lan từng có một quãng thời gian dài làm Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Tại đây, sự tiếp xúc với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt đã khiến bà khao khát thành lập một trung tâm giúp đỡ những em nhỏ tự kỷ.

"Tại sao trẻ em bình thường, trẻ em khiếm thính đều có môi trường giáo dục tử tế nhưng trẻ em tự kỷ thì không có và không có phương pháp nào tốt nhất để giúp các em?" bà Lan chia sẻ.

Dường như trời không phụ lòng người, năm 1992, bà Lan được cử sang Hà Lan học và tiếp cận với phương pháp điều trị cho trẻ tự kỷ. Tại đây, bà nhận ra rằng, phương pháp y tế với trẻ tự kỷ là chưa đủ mà còn cần phải kết hợp với giáo dục.

Trong quá trình học tập tại Hà Lan, bà Lan đã chủ động gặp Ủy ban Hà Lan 2 để trình bày hoàn cảnh và mong muốn nhận được sự tài trợ của họ đối với trẻ em bị tự kỉ Việt Nam hằng năm.

Sau khi ở Hà Lan về, bà đã mở một thí điểm trạm với 15 em về phương pháp can thiệp giáo dục. “Biết là sẽ khó khăn nhưng trời cho mình được hạnh phúc, mình phải cống hiến cho những người cần giúp đỡ và tôi chọn là trẻ tự kỉ”, bà Lan chia sẻ.

Khi thành lập trung tâm, khó khăn lớn nhất với bà Lan là thiếu giáo viên và sự nhận thức của phụ huynh. Phải mất khá nhiều thời gian để bà đào tạo giáo viên cho trung tâm của mình và thuyết phụ cha mẹ trẻ tự kỷ tham gia.

Sau hai năm, phương pháp can thiệp giáo dục đối với trẻ tự kỉ và khuyết tật trí tuệ đã đạt hiệu quả thông qua lớp thí điểm, nhiều bệnh nhân đã có tiến bộ rõ rệt.

Năm 1995, do nhu cầu của phụ huynh tăng cao và thành công của lớp thí điểm, bà Lan đã xin mở Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ Sao Mai. Từ đây, niềm mơ ước cháy bỏng trong bà như được chắp cánh bay xa hơn. Làm “mẹ” của trẻ tự kỉ vừa là duyên, vừa nghiệp của bà.

21 năm và mãi mãi làm “mẹ” trẻ tự kỉ

dsc08688-1236
Bà Lan đang tư vấn, khám cho bé có triệu chứng bị tự kỉ.

Trung tâm Sao Mai được thành lập trong căn nhà đi thuê ở phố Đội Cấn (Hà Nội). Trung tâm được một tổ chức của Mỹ giúp đỡ. Sao Mai có 8 phòng trị liệu cá nhân, phòng phục hồi cá nhân, 18 phòng học, có bể bơi và số lượng học sinh ngày càng tăng.

Không chỉ giúp trẻ tự kỷ, bà Lan còn giúp cả bố mẹ các em. Bởi lẽ, nhiều em bị tự kỷ nhưng gia đình rất khó khăn khiến việc điều trị trở nên ngoài tầm tay.

Để giúp đỡ các em, bà Lan chủ động khám, xác định bệnh trạng và miễn học phí. Tại Sao Mai, trẻ tự kỷ được dạy hòa nhập với môi trường mới, cách chào hỏi, những cử chỉ đơn giản nhất, kĩ năng sống…

“Con Tuấn Anh (Quảng Ninh) vào đây từ lúc 3 tuổi, không có giao tiếp và có vấn đề về hành vi nhưng sau một thời gian đào tạo, con đã trở về cuộc sống bình thường, học rất giỏi toán, đã chủ động nói chuyện giao lưu với người thân”, bà Lan tự hào chia sẻ.

Cùng với Sao Mai, bà Lan còn mở thêm một quán cà phê cùng tên. Được biết, nhân viên trong quán chủ yếu là các em mắc bệnh tự kỷ.

Bà Lan cho biết: “Quán cà phê Sao Mai là nơi để các em có thể hòa nhập với cộng đồng, giúp trẻ chủ động chào hỏi, đếm tiền, phụ giúp công việc vặt”.

Hơn 20 năm gắn bó với những đứa tẻ tự kỷ, niềm vui lớn nhất của bà là hàng ngày được các “con” tíu tít gọi tên “mẹ”, tên bà, được nhìn các con ngày càng tiến bộ, biết nhận biết cuộc sống, biết gọi tên người thân…

"Tôi đang tìm kiếm người kế nghiệp vì tôi có tâm nhưng không đủ sức nữa rồi. Người kế nghiệp tôi phải biết thương các em. Bởi lẽ, không ai uống nước lã để sống nhưng không được làm giàu trên nỗi đau của người khác", bà Lan chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.