Bất động sản

Người rót 600 tỷ đồng vào Cocobay Đà Nẵng chỉ mặt lừa dối của Thành Đô

28/11/2019, 20:54

Ông Mai Huy Tân, Cựu Giám đốc xúc xích Đức Việt cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Cocobay Đà Nẵng chỉ ra những bội tín của Thành Đô.

img
Ông Mai Huy Tân, Cựu Giám đốc công ty đầu tư xúc xích Đức Việt cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Cocobay Đà Nẵng

Thành Đô bội tín, khách hàng thành con nợ

Ngay sau khi Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô), chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng thông báo chấm dứt trả lợi nhuận cam kết, PV Báo Giao thông đã tìm gặp ông Mai Huy Tân, cựu Giám đốc công ty đầu tư xúc xích Đức Việt, cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Cocobay. Hiện nay, vị doanh nhân hơn 70 tuổi đang làm chủ Công ty Nhịp cầu Đức Việt.

“Cả cuộc đời lao động cho tới lúc 70 tuổi mới đầu tư vào Cocobay bởi niềm tin vào chủ đầu tư nhưng lại bị bội tín nên tôi rất buồn…”, ông Tân mở đầu câu chuyện.

Nhắc lại thương vụ đình đám Tập đoàn Daesang của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon, chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức Việt, vào tháng 9/2016, ông Tân nói: “Sau thương vụ này, không chỉ ông Thành (Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch công ty Thành Đô-PV) mà còn một số chủ đầu tư bất động sản lớn khác tìm gặp tôi để mời đầu tư.

Tuy nhiên, do ông Thành là chỗ quen biết từ lâu, cộng thêm bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đứng ra bảo lãnh nên tôi cũng khá tin tưởng”.

Qua nhiều cuộc thương lượng, ông Tân đã quyết định đầu tư 42 bất động sản tại Cocobay Đà Nẵng dưới danh nghĩa Công ty Nhịp Cầu Đức Việt. Cụ thể, hiện nay, Nhịp cầu Đức Việt đang sở hữu 8 biệt thự, 24 boutique hotel, 10 condotel tại Coccobay Đà Nẵng với tổng giá trị đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Theo cam kết của Thành Đô tại hợp đồng mua bán, ông Tân sẽ nhận được mức lợi nhuận 10%/năm đối với biệt thự, boutique hotel được hưởng 12,5%/năm và condotel được hưởng 12%/năm.

Ông Tân kể lại, trước khi quyết định xuống tiền, tôi vẫn băn khoăn bởi trong tay chỉ có 1/3 số tiền, còn 2/3 phải vay SHB. Tuy nhiên ông Thành nói: “Cứ yên tâm bởi SHB vừa là ngân hàng tài trợ vốn cho chủ đầu tư phát triển Dự án, ngân hàng bảo lãnh tiến độ, vừa là ngân hàng duy nhất và độc quyền cho vay tiền mua nhà. Với thu nhập cam kết thì chỉ trong vòng 15 năm sẽ trả hết và anh sẽ sở hữu khối tài sản lớn".

"Vậy là cùng với hợp đồng mua bán là hợp đồng hợp tác cho thuê, tôi đã ký tới 84 hợp đồng. Ngày đó hình ảnh của tôi đã làm PR cho dự án rất nhiều”, ông Tân nhớ lại đó là thời điểm cuối năm 2016.

“Tôi đã dốc hết 200 tỷ đồng vốn, lại vay thêm SHB 402,5 tỷ với lãi suất 10,4% năm để đầu tư vào Cocobay và giờ đây đang bị đẩy vào tình thế nguy hiểm bởi thái độ bất tín của chủ đầu tư”.

Theo lợi nhuận cam kết, trong vòng 10 năm đầu, ông Tân sẽ nhận được khoảng 67,7 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên thực tế số tiền này chỉ được trả đúng hạn trong hai năm 2017 và 2018.

Kể từ đầu năm 2019 tới nay, công ty Thành Đô mới trả cho Việt Đức khoảng 14,5 tỷ đồng.

“Theo quy định, hạn trả lợi nhuận cam kết kỳ 1 là trong vòng 1 tuần kể từ 15/6 và 1 tuần kể từ 25/12 trả kỳ 2. Chính vì cam kết này, SHB ép khách hàng trả đúng hạn tiền nợ gốc và lãi vào 26/6 và 26/12 nếu không sẽ chịu nợ quá hạn. Bây giờ Thành Đô bội tín, đẩy khách hàng của mình thành con nợ quá hạn và đẩy SHB có nguy cơ trở thành ngân hàng có nhiều nợ xấu”, ông Tân bức xúc.

img
Ông Tân cho rằng chính việc đầu tư dàn trải lãng phí khiến Thành Đô thiếu hụt dòng tiền

Cũng theo điều khoản trong hợp đồng, Thành Đô cam kết trong vòng 50 ngày làm việc kể từ ngày bàn giao thực tế, chủ sở hữu sẽ nhận được hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với nhà ở (sổ đỏ).

Tuy nhiên, ông Tân cho biết tới giờ này, sau 3 năm thanh toán đủ 100%, ông vẫn chưa hề nhận được một sổ đỏ nào trong số 42 bất động sản của mình tại Cocobay Đà Nẵng.

“Mỗi lần hỏi, Thành Đô chỉ trả lời bằng miệng rằng do Đà Nẵng chưa làm”, ông Tân cho biết.

Thành Đô "tham bát bỏ mâm"

Phân tích câu chuyện Thành Đô dừng trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng bởi rủi ro pháp lý và “có vấn đề về dòng tiền”, ông Tân bức xúc: “Condotel chỉ là một trong nhiều sản phẩm bất động sản tại Cocobay Đà Nẵng. Vậy mà Thành Đô đổ lỗi khách quan về cơ sở pháp lý của khối condotel để tuyên bố chấm dứt trả thu nhập cam kết cho các chủ sở hữu, không chỉ của condotel mà còn cả nhiều chủ sở hữu boutique và biệt thự Nam An. Rõ ràng, Thành Đô vẫn nắm quyền khai thác và tạo ra dòng tiền rất tốt từ một số bất động sản khác nhưng đã không trả thu nhập cam kết theo hợp đồng cho khách hàng”.

Cụ thể, ông Tân chỉ ra nhiều nguồn thu khủng của Cocobay Đà Nẵng, ngoài khoản 3.800 tỷ đồng thu từ khoảng 1.700 chủ sở hữu từ 2016 tới nay.

"Dự án này có quy mô 51 ha gồm: 21ha thuộc khu Nam An Retreat và Nam An Residence, trong đó đã xây dựng khoảng 6 ha. Phần xây dựng biệt thự đã đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2015, 2016 với tỷ lệ sử dụng rất cao (85%), đảm bảo dòng tiền rất tốt để trả thu nhập cam kết. 15ha còn lại nhìn ra biển Đông là đất vàng rất hiếm hoi hiện nay tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng. Theo Chủ tịch tập đoàn Thành Đô, giá trị phần đất này nếu Thành Đô chuyển nhượng có thể tối thiểu là 20 triệu đồng/m2.

Đối với 30ha thuộc khu Cocobay với phần lõi là khối 9 tòa boutique hotel 7 tầng, trong đó 5 tầng phía trên là các phòng khách sạn; còn tầng trệt và tầng 2 là diện tích kinh doanh dịch vụ. Phần lõi này đã đưa vào khai thác kinh doanh dịch vụ từ năm 2017 và có dòng tiền tương đối tốt với tỷ lệ lấp đầy năm sau cao hơn năm trước”, ông Tân phân tích.

Theo ông Tân, nguyên nhân thiếu hụt dòng tiền chủ yếu do lỗi chủ quan của Thành Đô khi đầu tư quá dàn trải, lãng phí. “Phần đất còn lại trong khu 30ha được Thành Đô xây các tòa cao ốc condotel với các tên thương mại khác nhau như trong bản đồ quy hoạch. Mỗi tòa cao ốc có khoảng 500-600 căn hộ condotel, riêng tòa tháp đôi Twin Tower số căn hộ dự kiến là 2.000.

Đến quý 3/2019, chỉ có 1 cao ốc tòa R2 đi vào khai thác hoạt động. Tất cả các tòa còn lại chưa được hoàn thiện hoặc mới chỉ làm phần thô, thậm chí tòa tháp đôi Twin tower tại vị trí mới chưa được làm móng.

Ngoài ra, công ty Thành Đô còn xây dựng nhiều công trình dở dang như nhà hát Opera, trung tâm hội nghị, nhiều tòa nhà 5 tầng chỉ xây phần thô rồi bỏ dở vì sai giấy phép xây dựng, bị thanh tra bộ xây dựng đình chỉ thi công và yêu cầu phá dỡ.

Thành Đô còn sử dụng rất lãng phí, dàn trải nguồn vốn thu được từ hàng nghìn chủ sở hữu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dòng tiền…”, ông Tân dẫn chứng.

Trước khó khăn như thông báo của Thành Đô, ông Tân cho biết: “Tôi không muốn dồn ông Thành vào con đường kiện cáo. Ông ấy hoàn toàn có lối thoát trong danh dự mà vẫn giữ được khối tài sản, đừng tham bát bỏ mâm mà bội tín với khách hàng”, vị doanh nhân hơn 70 tuổi nói.

Ông chủ Thành Đô: Khách hàng chưa thiệt hại gì cả

Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô thừa nhận không thể trả lợi nhuận cam kết cho người mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng.

"Tôi khẳng định đến giờ này khách hàng của tôi chưa thiệt hại gì cả. Hai năm vừa rồi chúng tôi đã chi trả hàng trăm tỉ thu nhập cam kết. Năm 2019 còn một số chưa chi trả nhưng chúng tôi cam kết vẫn chi trả đến hết 31/12”, ông Thành nói.

Ông Thành cho hay, có 3 nguyên nhân khiến Công ty đưa ra quyết định dừng trả lợi nhuận cam kết. Thứ nhất, Công ty muốn cam kết rõ ràng lại với khách hàng, condotel là căn hộ du lịch, không hình thành đơn vị ở.

Thứ hai, đối với bản thân doanh nghiệp, đây là thời điểm phù hợp nhất để giải quyết việc này vì pháp lý đã bảo đảm, rõ ràng đâu là đất ở, đâu là đầu tư ...

Ba là đối với khách hàng, ông Thành cho rằng đây là thời điểm họ phải lựa chọn.

"Tôi thấy 70% khách hàng đồng thuận lấy lại tài sản. Nếu khách hàng muốn đi tiếp hoặc thanh lý thì chúng tôi sẵn sàng. Phương án thanh lý chúng tôi sẽ trả đầy đủ nhưng cần một lộ trình. Chậm nhất là 30/9, sau đó chậm ngày nào tôi sẽ tính lãi theo ngân hàng", ông Thành nói.

Lý giải việc chuyển căn hộ condotel sang chung cư mất phí 15%, ông Thành cho hay, từ đất thương mại chuyển sang đất ở phải đóng phí 30%. Công ty Thành Đô thu 15% là chia sẻ một phần với khác hàng.

"Chúng tôi nhận mình có lỗi vì chậm trả một vài kỳ thu nhập cam kết nên lòng tin bị xói mòn", ông Thành thừa nhận.

Cũng theo ông Thành việc chi trả đối với những khách hàng thanh lý hợp đồng sẽ thực hiện từ quý II năm 2020.

Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô), chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng và Nhà ở cao cấp The Empire bất ngờ ra thông báo chấm dứt chi trả thu nhập cam kết (lãi suất 12%/năm) theo phụ lục 6 của hợp đồng mua bán với khách hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.