Quản lý

Người sẵn sàng từ quan vì cứu vỉa hè

03/03/2017, 06:21
image

Các cán bộ trật tự đô thị dùng khoan, xà beng đập bỏ bất cứ bậc thềm nào lấn chiếm vỉa hè.

1

Ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo phá bỏ bồn hoa lấn chiếm vỉa hè trước Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 1 - Ảnh: Hữu Công

Ngày đầu tiên theo chân ông Đoàn Ngọc Hải (Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) trong chiến dịch “giải cứu vỉa hè”, tôi hơi sốc. Sốc vì dưới sự chỉ đạo của ông Hải, các cán bộ trật tự đô thị dùng khoan, xà beng đập bỏ ngay bất cứ bậc thềm của nhà dân nào lấn chiếm vỉa hè. Điều chưa từng có tiền lệ.

Không dẹp được loạn vỉa hè sẵn sàng từ quan

Chiều 13/2, ông Đoàn Ngọc Hải cùng lực lượng chức năng kiểm tra tình trạng vỉa hè trên đường Trần Quang Khải. Thấy nhiều tấm đan bằng sắt, bê tông của nhà dân chìa ra quá nửa vỉa hè khiến người đi bộ vấp ngã, ông Hải yêu cầu lực lượng chức năng phá bỏ ngay. Một người đàn ông chừng 80 tuổi hùng hổ ra chỉ mặt ông Hải mắng té tát. Nhiều người tỏ vẻ ái ngại. Nhưng ông Hải mềm dẻo: “Mời bác vào nhà để chúng tôi làm việc. Vỉa hè là do Nhà nước quản lý”, rồi ông quay sang phía lực lượng trật tự đô thị: “Các anh cứ đập đi để lấy đường cho người đi bộ”.

Sau câu nói ấy, người đàn ông già bất ngờ quay lại và vỗ… mông khiêu khích nhưng ông Hải vẫn bình thản chỉ đạo lực lượng chức năng làm việc. Thấy vậy những người dân xung quanh để hàng hóa, tấm đan trên vỉa hè tự dọn vào nhà.

Ông Đoàn Ngọc Hải (SN 1969 tại Thanh Trì, Hà Nội). Nhiều người mới biết ông Hải qua chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng với người dân quận 1 ông Hải đã quá quen thuộc. Ai đã sống ở TP HCM những năm cuối thế kỷ 20 đều biết đến chợ Cầu Ông Lãnh với sự nhếch nhác, bẩn thỉu, xập xệ như thế nào. Giai đoạn từ tháng 11/2008 - 2/2010 khi giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, ông Hải chính là người đi đầu trong việc di dời chợ Cầu Ông Lãnh, giúp bộ mặt của phường khang trang hơn. Từ tháng 4/2015, ông Hải giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1 phụ trách mảng kinh tế. Từ tháng 7/2016, ông chuyển sang phụ trách mảng đô thị.

Lần khác, chiều 24/2, kiểm tra vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, thấy cửa hàng mắt kính lấn chiếm vỉa hè nhưng cấp dưới chần chừ có vẻ muốn bỏ qua để dân tự sắp xếp, ông Hải kiên quyết giữ nguyên tang vật để lập biên bản. Người phụ nữ chủ cửa hàng gào lên trong sự tức tối. Nhiều người dân xung quanh cũng hùa vào xem với ánh mắt dò xét, chỉ cần chờ một chút sơ hở của lực lượng chức năng thì tình huống sẽ trở nên căng thẳng. Nhưng ông Hải hóa giải ngay bằng động thái quyết liệt. “Bác đã lấn chiếm vỉa hè thì phải bị xử lý, đã sai rồi còn lớn tiếng la lối lực lượng chức năng là một hình thức chống đối người thi hành công vụ”, Phó chủ tịch quận 1 nói với chủ cửa hàng và quay sang phía lãnh đạo phường Bến Thành: “Từ ngày hôm nay anh phải giám sát tất cả các hộ này, nếu vi phạm vỉa hè thì xử lý nghiêm, còn để tồn tại thì anh phải chịu trách nhiệm”. Sau những lời nói quyết liệt của ông Hải, hộ dân đã chấp hành.

Chiến dịch giành lại vỉa hè của quận 1 đã bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán. Thế nhưng người ta chỉ thực sự chú ý khi ông Đoàn Ngọc Hải có những phát ngôn đi kèm hành động mạnh mẽ, quyết đoán tại hiện trường. Ngày 20/2,  ông Hải trực tiếp chỉ đạo đập 2 bồn hoa của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 1 xây lấn ra vỉa hè; phá bậc thềm của trụ ATM trước cổng trung tâm; lập biên bản, cẩu 2 ôtô đỗ trên vỉa hè trước cao ốc ở giao lộ Nguyễn Trãi - Nam Quốc Cang.

Nhiều người lo ngại liệu việc dẹp vỉa hè có bền vững hay chỉ “bắt cóc bỏ đĩa” thì ông Hải trả lời ngay. “Tôi không làm được sẽ cởi áo về luôn chứ không có kiểu làm đánh động”.

Xem thêm video:

2

Ông Đoàn Ngọc Hải tại hiện trường chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm lòng đường, vỉa hè

“Đến khi nào giành được vỉa hè cho người đi bộ thì thôi”

Để việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ có kết quả, ông Hải luôn giữ bí mật đến phút cuối để không “bị động”. PV cũng một vài lần được ngồi chung xe với ông nhưng không hề biết trước sẽ đi đâu. Mỗi lần đi qua tuyến đường nào, thấy công trình hay xe cộ lấn chiếm lòng lề đường, ông Hải đều trao đổi với các cán bộ tư pháp, địa chính, quản lý đô thị… đi cùng, để xác định vị trí đó có vi phạm hay không.

Trưa 28/2, trên xe chỉ huy của ông Hải đến giao lộ đường Hải Triều - Nguyễn Huệ, ông hỏi cấp dưới: “Anh xem dãy xe ô tô đậu vỉa hè đầu đường Hải Triều có vi phạm không”. Khi nhân viên vừa trả lời có vi phạm, ông Hải lập tức xuống xe: “Lực lượng trật tự đô thị, CSGT đâu, các anh khẩn trương lập biên bản ngay cho tôi, không để họ bỏ chạy như mấy chỗ trước”. Ngay sau đó, hai tài xế đỗ dưới lòng đường buộc phải ký biên bản vi phạm tại chỗ. Còn hai xe khác trên vỉa hè, 5 phút rồi 10 phút trôi qua chủ xe chưa thấy xuất hiện, đội trật tự đô thị quyết định dán niêm phong. Ít phút sau có hai tài xế hộc tốc chạy đến, một tài xế lớn tiếng phản ứng cho rằng, được tòa nhà cho phép đậu chứ họ không sai. Sau một lúc tranh cãi, biết mình đuối lý, tài xế lại xuống nước: “Tôi nhận sai rồi, nhưng các anh niêm phong làm khó khăn công việc của tôi, tôi cũng đã có mặt ở đây rồi, cho tôi tự lái xe đi đóng phạt đừng cẩu đi”. Đáp lại ông Hải nghiêm nghị nói với các lực lượng: “Các anh phải làm đúng, phải cẩu xe này về, vì ở đây không chỉ có một mà có hàng nghìn người đang theo dõi, nếu nhân nhượng với một trường hợp như thế này thì coi như công sức làm bấy lâu nay sẽ đổ sông đổ biển, không có kết quả nữa”.

Phó chủ tịch UBND quận 1 cũng được xem là người tiên phong cho sự chuyển động của bộ máy hành chính vốn còn trì trệ. Nếu ông Hải không “vi hành” thì chẳng lòi ra việc bức tường sắp sập gây nguy hiểm tính mạng người dân, nằm giữa Bộ công thương và sân vận động Hoa Lư nhưng không nơi nào chịu trách nhiệm. Chính ông Hải đã yêu cầu giật sập nó chỉ trong vòng vài phút vào sáng 23/2.

Hay trước khi tháo dỡ bức tường chắn vỉa hè của tòa nhà số 208 Nguyễn Trãi, ông Hải đã từng dẫn lực lượng xuống nhắc nhở chủ tòa nhà tự đập bỏ. Gần 1 tuần trôi qua, chủ nhà viện lý do phải chờ đến cuối tuần mới thi công được, ông Hải đã không chần chừ mà chỉ đạo đập bỏ luôn vào chiều 24/2. “Lòng lề đường là hạ tầng giao thông. Các vi phạm trong lĩnh vực này phải được xử lý ưu tiên theo Luật GTĐB, nên phải khắc phục ngay để đảm bảo ATGT”, ông Hải nói với các cán bộ cấp dưới.

3

Lực lượng chức năng xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè

Khi thấy lực lượng chức năng tháo dỡ bức tường chắn hết vỉa hè quá lâu, người dân sống ở gần đó xem rất đông. Một người phụ nữ chừng 70 tuổi tên Liên phấn chấn: “Nãy giờ đứng xem thấy đã quá. Mấy đứa nhỏ đang chờ cơm ở nhà mà cô quên cả ăn. Mấy chục năm nay sống ở đây, cô thấy người ta lấn chiếm vỉa hè buôn bán bầy nhầy lắm. Nhiều lúc cô lên phường phản ánh, nhưng phường sáng xuống làm rồi chiều bỏ, như “bắt cóc bỏ đĩa” đâu lại vào đấy. Giờ làm nghiêm thế này thì chắc chắn sẽ thành công”.

Chia sẻ với báo chí trong quá trình “giải cứu” vỉa hè, ông Hải nói: “Mỗi tuần tôi sẽ xuất quân cùng lực lượng trật tự đô thị và các lực lượng khác liên tục đến hết năm 2017, khi nào giành được vỉa hè cho người đi bộ thì thôi”. Trước và song song với chiến dịch “giải cứu” vỉa hè, ông Hải yêu cầu thông báo tới các phường, các tổ dân phố, thành lập các tổ tuyên truyền đến những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Quận 1 cũng đã lên danh sách những người buôn bán lòng đường, vỉa hè và hướng dẫn họ vay vốn chuyển đổi ngành nghề, để tránh tái lấn chiếm vỉa hè. Trước đó trong năm 2016, quận 1 đã hỗ trợ 298 hộ vay vốn với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.

Tại buổi họp với lãnh đạo 24 quận, huyện bàn về công tác lập lại trật tự lòng lề đường chiều 1/3, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những gì UBND quận 1 đã tiên phong làm được. Chủ tịch UBND TP nói ông đã nhận được rất nhiều tin nhắn của bà con nhân dân, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Ông Phong cũng nhấn mạnh rằng: “Nói như vậy để thấy rằng chúng ta đang làm một việc thuận ý Đảng, lòng dân”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.