Người ta "vô cảm" trước nạn nhân TNGT vì... không biết phải làm gì!

15/01/2015, 07:30

Sự vô cảm hay sự bối rối, không biết nên làm gì với người bị tai nạn chính là thủ phạm đã cướp đi cơ hội được sống của không ít người?...

vo cam
Không phải ai cũng vượt qua được nỗi sợ hãi để có thể cứu giúp người bị tai nạn

Thực tế hiện nay khi xảy ra tai nạn, nạn nhân thường không được đưa đi cấp cứu kịp thời, bởi những người dân xung quanh chỉ biết đứng nhìn một cách thụ động. Nhiều ý kiến cho rằng đó là vô cảm, nhẫn tâm, tuy nhiên không ít người cho rằng nếu không biết cách sơ cứu hoặc cấp cứu nạn nhân, việc di chuyển nạn nhân khỏi hiện trường sẽ rất khó khăn và vô tình gây nguy hiểm cho họ, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề là mọi người không biết mình phải làm gì trong trường hợp này hơn là do vô cảm. Mặc dù sự vô cảm này thì vẫn có, nhưng không phải là nhiều. Rất nhiều người trong cộng đồng bối rối khi chứng kiến người bị tai nạn, thậm chí đó là người thân của mình.

Do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên nhiều người cảm thấy lo lắng và không dám hỗ trợ nạn nhân khi tai nạn xảy ra. Họ lo sợ nạn nhân do mình ứng cứu lại bị nặng hơn.

Vừa qua Báo Giao thông có đăng tải tâm sự của một lái xe về sự vô cảm đáng sợ trên đường, mà trong đó người viết trăn trở, bày tỏ sự quan ngại về thái độ lạnh nhạt, thờ ơ  vì sợ liên lụy kiểu "làm ơn mắc oán"của người đi đường. Người viết bài này cũng tỏ bày lo lắng khi sự chậm trễ của một số đội ngũ y, bác sĩ khiến khả năng sống sót của nạn nhân càng giảm đi, ông có suy nghĩ như thế nào?

Sự vô cảm luôn xảy ra trong xã hội, không phải chỉ riêng trong việc không hỗ trợ người đi đường khi gặp TNGT mà còn trong rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Tâm lý "ngại", "sợ đen đủi", hoặc tránh rắc rối rất hay gặp trong cuộc sống. Mặc dù đã có các qui định về hỗ trợ người bị nạn nhưng vẫn có nhiều người bỏ qua, đây là vấn đề tâm lý chung, chúng ta cần phải nâng cao tuyên truyền về sự trợ giúp này.

TS Lã Ngọc Quang
TS Lã Ngọc Quang

Chúng ta đồng ý rằng năng lực của hệ thống cấp cứu còn thấp. Nhưng đấy là do độ bao phủ, do việc tiếp cận hiện trường chứ không phải do nhân viên y tế không biết làm. Khi trường hợp tai nạn xảy ra, nếu nhân viên y tế có mặt, họ được đào tạo trong chương trình chung và họ biết cách xử trí thì chắc chắn khả năng sống của nạn nhân sẽ được tăng cao lên rất nhiều, tuy nhiên sự có mặt của họ tại thời điểm nào, có kịp thời không mới là quan trọng.

Để  hạn chế những sự việc đau lòng từ những vụ tai nạn và sự vô cảm của người dân, dưới góc độ một chuyên gia về y tế, ông suy nghĩ như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, việc phổ biến rộng rãi những kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn là hết sức cần thiết cho mọi người, vì nếu nói đến tai nạn nói chung thì không chỉ là tai nạn giao thông mà còn nhiều dạng tai nạn thương tích khác xảy ra trong cộng đồng và xung quanh họ.

Còn sự vô cảm thì nơi nào cũng có, nước nào cũng có, nhưng tôi nghĩ nó không có nhiều ở nước ta! khi mà bạn thấy mọi vụ tai nạn giao thông xảy ra hoặc các vụ tai nạn khác như cháy, đuối nước ... luôn có rất nhiều người tới hỗ trợ, ứng cứu!

Tại hội nghị ATGT 2014 vừa tổ chức, ông cũng đã có bài tham luận nhấn mạnh công tác ứng cứu kịp thời sau TNGT có thể giảm 50% khả năng tử vong, vậy ông có thể đưa ra những giải pháp nào nhằm khắc phục hạn chế và nâng cao trình độ ứng cứu tai nạn của mọi thành phần trong xã hội tại Việt Nam?

Để có thể nâng cao trình độ ứng cứu tai nạn của mọi thành phần trong xã hội tại Việt Nam, thì các ban, ngành liên quan tới an toàn giao thông và y tế cần thiết phải tổ chức nhiều chương trình giảng dạy, tập huấn về sơ cấp cứu ban đầu cho mọi người đặc biệt là những người thường xuyên tham gia giao thông trong cộng đồng. Nhiều tài liệu y khoa, cũng như nhiều tài liệu hướng dẫn cấp cứu được ấn bản và sẵn có ở nhiều nơi để mọi người tham khảo.

Ông có thể cung cấp một số thông tin cụ thể hơn để mọi người có thể nắm rõ và trang bị kiến thức  sơ cấp cứu cho mình không, thưa ông?

Tôi có thể tóm tắt lại một số nội dung cơ bản nhất cho sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị tai nạn.

Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra. Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), thì yêu cầu họ nằm nghỉ ngơi ngay, thời gian nằm nghỉ tại chỗ có thể 10-15 phút hoặc lâu hơn tùy thuộc sự hồi phục của nạn nhân, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.

Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Với người có tổn thương gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Sử dụng nẹp, máng treo cố định chi gẫy rồi mới đưa đi bệnh viện gần nhất.

Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm nạn nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết; sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, không bế xốc bổng hay bế gập nạn nhân lại mà cần thiết từ 2-3 người đưa nạn nhân lên ván cứng rồi đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.

Không lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này các vật đó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều, có thể bị tử vong. Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ.

Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định các chi bị gãy hoặc đưa nạn nhân lên ván cứng. Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp. Không đưa bất cứ một vật lạ, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nam (Thực hiện)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.