Xã hội

Người thân ngất xỉu đón ngư dân bị bắn ở Trường Sa

02/12/2015, 06:11

Những giọt nước mắt thương cho ngư dân xấu số khiến không khí tang tóc bao trùm khắp làng chài nghèo.

10
Anh Trương Đình Huynh (giữa) khóc nghẹn khi thấy thi thể cha - Ảnh: Hữu Trí

Sáng 1/12, tàu cá QNg 95861 do ngư dân Bùi Văn Cu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã đưa xác ngư dân Trương Đình Bảy cùng 12 ngư dân về đến đồn kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi).

Những giọt nước mắt thương cho ngư dân xấu số khiến không khí tang tóc bao trùm khắp làng chài nghèo.

Đêm kinh hoàng trên biển

Phờ phạc sau hành trình 5 ngày từ Trường Sa trở về, những khuôn mặt ngư dân ăn sóng nằm gió lộ rõ vẻ mệt mỏi. Họ vừa mệt vì sóng gió vừa phải chịu nỗi đau tinh thần lớn khi mất đi một người anh em cùng ra khơi bám biển. Tại trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ, thuyền trưởng Bùi Văn Cu đã thuật lại sự việc diễn ra trên vùng biển Trường Sa dẫn đến cái chết oan uổng của ngư dân Bảy: Vào khoảng 18h ngày 26/11, khi neo tàu gần khu vực đá Suối Ngọc, sau khi ăn cơm chiều, 12 ngư dân xuống hai ca nô đi lặn. Chỉ có thuyền trưởng Cu và ngư dân Bảy ở trên tàu, bất ngờ phát hiện hai xuồng máy, mỗi xuồng chở 4 người tiến đến. Biết có chuyện chẳng lành, thuyền trưởng Cu lập tức nổ máy tàu, ngư dân Bảy tiến vội về trước mũi tàu, chặt dây neo. 

Lúc này có nhiều tiếng súng vang lên, một xuồng máy ép sát, mấy tên leo lên tàu, trong đó có một tên cầm súng. “Vừa chặt đứt dây neo, tôi lập tức cho tàu tăng hết tốc lực tháo chạy và kêu anh Bảy chạy vào cabin. Khi anh Bảy vừa chạy về be tàu để vào cabin thì tôi nghe hai tiếng súng nổ rất gần, nhìn ra thì thấy anh Bảy đổ về phía tên cầm súng. Lúc đó, tôi không biết anh Bảy bị bắn chết mà cứ nghĩ đang giằng co với tên này. Thấy vậy, tôi chạy ra giật súng. Tôi và tên này giằng co nhau chừng 5 phút, rơi cả băng đạn. Tôi cướp được súng, vứt súng và xô tên này ngã xuống biển. Hai tên đứng phía sau tàu thấy súng bị cướp, đồng bọn bị hất văng xuống biển cũng hốt hoảng nhảy xuống biển”, thuyền trưởng Cu kể.

Câu chuyện khiến ai nghe thấy cũng chết lặng, thuyền trưởng Cu cũng không khỏi xúc động khi kể lại câu chuyện. Nén một hơi thở dài, thuyền trưởng Cu kể tiếp, đến khoảng 18h20, tôi vừa cho tàu chạy vừa cảnh giác xem hai chiếc xuồng máy có bám theo không và nhìn khắp tàu xem còn tên nào núp đâu đó đề phòng bị đánh úp.

“Sau đó, tôi quay lại vị trí neo tàu, tìm các ngư dân đang lặn bắt hải sản, dùng đèn pin làm hiệu gọi tất cả lên tàu”, thuyền trưởng Cu kể.

Sau khi tìm được 12 ngư dân đang lặn biển, đưa hết lên tàu, nhiều ngư dân đã khóc nghẹn khi thấy anh Bảy bị bắn chết. Ngư dân Trương Đình Đệ là con trai ông Bảy đã suýt ngất vì đau xót. Sáng 27/11, tàu chạy đến đảo Đá Nam nơi Lữ đoàn 146 Trường Sa đóng quân để xác nhận ông Bảy bị bắn chết, đồng thời mang bốn viên đạn còn rơi lại trên tàu cho hải quân xem. Sau khi nghe các ngư dân trình báo, lãnh đạo đảo Đá Nam đã viết hai bản tường trình sự việc. Trong đó, giữ lại một bản và đưa cho ngư dân mang về một bản.

Tang thương từ cầu cảng đến xóm chài

Đối với các ngư dân trên tàu, chưa bao giờ ngày trở về lại đau thương như thế. Họ nín lặng, chẳng ai nói với ai lời nào. Khi tàu vừa tới cảng Sa Kỳ, tiếng khóc than vỡ òa khiến không khí trở nên tang thương. Chị Mai Thị Long (43 tuổi, vợ ngư dân Bảy), khi nghe chồng về đã ngất lịm không thể ra đón thi thể chồng tại cầu cảng.

Anh Trương Đình Huynh, con trai ông Bảy lặng đi vì không chịu nổi cú sốc mất cha.

Một cuộc họp khẩn ngay tại cảng Sa Kỳ, sau đó, công an tỉnh Quảng Ngãi tiến hành khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân cái chết của ông Bảy.

Những người dân trong làng xúm lại căn nhà cấp bốn cùng chung tay lo đám tang cho người xấu số. Lão ngư Tám (79 tuổi) đi quanh thi thể ông Bảy rồi nói: “Thời chúng tôi đi máy 2 (33CV) nhưng đánh bắt dễ lắm, giờ tàu lớn mà biển đã không còn yên bình nữa rồi. Khổ thân thằng Bảy”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam:
Dùng vũ lực với ngư dân là vô nhân đạo

Hôm qua, trả lời Báo Giao thông về việc tàu cá Quảng Ngãi có số hiệu QNg 95861 TS bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

“Ngay sau khi nhận được thông tin tàu cá QNg 95861 TS của tỉnh Quảng Ngãi bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa khiến một thuyền viên Việt Nam thiệt mạng, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam. 

Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc và mong gia đình ngư dân bị nạn sẽ sớm vượt qua những khó khăn, mất mát để sớm ổn định cuộc sống”.

Q.M

Hội Nghề cá lên án mạnh mẽ

Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN & PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại T.Ư để phản đối việc ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa.

Văn bản của Hội nghề cá Việt Nam nêu rõ, vào ngày 26/11, khi tàu cá QNg-95861 của ông Bùi Văn Cu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng 14 ngư dân đang neo đậu gần đảo đá Suối Ngọc thuộc quần đảo Trường Sa (khi đó trên tàu còn hai thuyền viên, 12 thuyền viên khác xuống ca nô đi đánh bắt thủy sản) thì bị một tàu lạ tiếp cận. Trên tàu có 8 người và 3 người trên tàu này với hai khẩu súng đã nhảy sang tàu cá QNg-95861 lục soát đồ đạc và bắn ông Trương Đình Bảy làm ông gục chết tại chỗ.

Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định hành động nói trên là phi pháp, vô nhân đạo, vi phạm chủ quyền của Việt nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống đối với ngư dân khi khai thác hải sản trên biển. Trên cơ sở đó, Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối hành động phi pháp, vô nhân đạo của tàu lạ nói trên và yêu cầu phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị bắn chết. Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết kịp thời sự việc trên, quyết liệt ngăn chặn những hành động phi pháp, vô nhân đạo và tăng cường bảo vệ ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam.

Hoài Vũ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.