SEA Games 32

Người thày “gàn dở” của chân chạy giành HCV SEA Games 31

30/05/2022, 08:22

HLV Nguyễn Thuận từng bị nói "gàn dở" khi theo đuổi nghiệp huấn luyện điền kinh ở mảnh đất nghèo Hà Tĩnh...

Lê Tiến Long là một trong những bất ngờ tại SEA Games 31 khi anh xuất sắc giành HCV ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật môn điền kinh.

Ít ai ngờ, người thày dìu dắt anh cũng rất dị biệt nhưng lại cực mát tay trong công tác huấn luyện.

img

HLV Nguyễn Thuận (ngoài cùng bên trái) và VĐV Lê Tiến Long (thứ 2 từ trái qua) tại sân Mỹ Đình, nơi diễn ra các nội dung thi đấu môn điền kinh. Ảnh: NVCC

Ông “đồ gàn” gây dựng điền kinh ở vùng trắng

Tại SEA Games 31, Lê Tiến Long là một trong những bất ngờ lớn nhất ở môn điền kinh khi anh xuất sắc vượt qua người đàn anh Đỗ Quốc Luật - đương kim vô địch ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật để giành HCV.

Trước đó, hồi cuối năm 2021, Tiến Long đã đánh bại Quốc Luật ở Giải điền kinh vô địch quốc gia nhưng không nhiều người nghĩ chàng trai Hà Tĩnh có thể lần thứ 2 giành chiến thắng khi tham sự SEA Games 31.

Với đa số người hâm mộ điền kinh, Tiến Long đương nhiên là cái tên mới mẻ nhưng bất ngờ hơn, người thày trực tiếp dìu dắt anh - HLV Nguyễn Thuận cũng ít được biết tới.

Thậm chí, ông Thuận còn từng bị chê là “hâm”, “gàn dở” khi quyết gây dựng phong trào điền kinh cho Hà Tĩnh, một địa phương vốn là vùng trắng với môn thể thao này.

Gặp HLV Nguyễn Thuận, ấn tượng đầu tiên là “đôi chút xù xì”, nước da ngăm đen và gương mặt già hơn nhiều so với tuổi 42.

Người thày sinh năm 1980 bảo, nắng gió ở mảnh đất miền Trung với những ngày tháng lăn lộn cùng các lứa học trò biến ông thành ra như vậy. Nhưng trái ngược với dáng vẻ bên ngoài, tiếp xúc mới thấy ông Thuận hiền và chân chất.

Ông kể, khi còn ngồi ghế nhà trường, ông nổi tiếng chạy nhanh rồi giành nhiều giải ở các cuộc thi dành cho học sinh. Năm 1996, vị HLV này được tuyển chọn vào đội điền kinh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau, ông đã chia tay sự nghiệp. “Tôi cảm thấy con đường đã chọn không hợp nên dừng lại và chuyển hướng”.

Rời “đường đua đỏ”, ông Thuận thi vào Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), Khoa điền kinh. 4 năm đèn sách giúp ông tích lũy nhiều kiến thức và cũng giúp ông nung nấu về ý định gây dựng phong trào điền kinh của tỉnh nhà.

Cầm tấm bằng đại học trên tay, ông Thuận về công tác tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Tĩnh và bắt tay vào xây dựng con đường của riêng mình.

“Thời đó, tôi bắt đầu từ số không, không kinh phí, cơ sở vật chất thì tạm bợ, học trò được vài người. Tôi bắt đầu đi về các địa phương tuyển quân nhưng cũng khó khăn bởi Hà Tĩnh nghèo, các gia đình chỉ muốn con em đi làm công nhân để có thu nhập chứ theo thể thao bập bõm.

Kinh phí tôi phải vận động từng chút một bởi chưa có thành tích thì khó thuyết phục lãnh đạo. Thế rồi mọi thứ tốt dần lên, đội điền kinh trong tay tôi lúc nào cũng có trên dưới 30 học trò. Cùng với thành tích ở các cấp độ, địa phương đã quan tâm nhiều hơn. Tất nhiên, điều kiện ở đây không thể sánh với Hà Nội hay những địa phương kinh tế phát triển”, ông Thuận chia sẻ.

Cũng bởi điều kiện hạn hẹp, thày trò vị HLV trẻ phải tìm mọi cách khắc phục. Ngày đầu, ông Thuận kiếm gạch về xây rào, sau đi xin những chiếc ghế, đoạn gỗ thừa đóng thành.

Dù thiếu thốn đủ bề nhưng ông không chỉ huấn luyện những nội dung cơ bản mà còn đào tạo cả ném lao, 7 môn phối hợp. Lao thì được tận dụng từ những ngọn tre, cuốn dây chun.

“Thấy tôi làm, nhiều người bảo tôi hâm, gàn dở nhưng tôi tin tưởng vào bản thân, vào con đường mình chọn. Tôi cho rằng, phương tiện chỉ để bổ trợ, thành công phải do con người nỗ lực tạo ra. Vừa làm tôi vừa học hỏi từ các bậc tiền bối, nhờ người dịch tài liệu nước ngoài để bổ sung kiến thức”, ông Thuận tâm sự.

Lò luyện vàng ở miền Trung

img

Vợ cùng con trai, con gái của HLV Nguyễn Thuận đều yêu thích điền kinh. Ảnh: NVCC

Thực tế, không phải đợi tới SEA Games 31, từ SEA Games 30, học trò của HLV Nguyễn Thuận đã khiến thày nức lòng. VĐV Trần Đình Sơn từng giành 2 HCV, 1 HCB tại kỳ Đại hội trên đất Philippines năm 2019.

Nếu may mắn hơn và đối thủ Thái Lan không nhập tịch VĐV gốc Úc thì Đình Sơn có thể bảo vệ 2 HCV ở nội dung 400m rào và 4x400 hỗn hợp.

Bên cạnh hai lá cờ đầu, học trò của ông Thuận còn VĐV Nguyễn Trung Cường - HCB SEA Games 30 và Nguyễn Văn Lý - HCĐ SEA Games 25. Lý cũng là VĐV đầu tiên của Hà Tĩnh đoạt huy chương cá nhân tại kỳ SEA Games.

Nếu tính các cấp độ giải quốc gia, số huy chương mà học trò ông Thuận mang về còn lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, nội dung 7 môn phối hợp ở giải VĐQG, các VĐV Hà Tĩnh còn thống trị nhiều năm liền.

“Chứng kiến học trò thi đấu tốt, phát huy được năng lực để mang vinh quang về cho thể thao Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung, tôi rất hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ bởi thành tích mà còn vì thày và trò đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có ngày hôm nay. Nhưng tôi vẫn luôn nói với học trò rằng, không được bằng lòng, phải nỗ lực không ngừng bởi với thể thao đỉnh cao, chậm lại 1 giây là đã bị đối thủ vượt qua”, ông Thuận chia sẻ.

Trong thể thao, có thành công thì cũng phải có thất bại. Nhưng thất bại không làm người đàn ông dáng người cao lớn này nản chí.

“Năm 2011, giải việt dã ở Khánh Hòa, Hà Tĩnh trắng tay dù nhiều nội dung đủ khả năng tranh chấp huy chương. Đó là bài học lớn cho tôi và các học trò bởi ngoài tập luyện, khi thi đấu cũng cần có tính toán, chiến thuật hợp lý”.

18 năm kể từ ngày huấn luyện những VĐV đầu tiên, ông Thuận giờ không thể nhớ nổi đã dẫn dắt bao nhiêu học trò. “Cái cây” ông trồng gần 1/5 thế kỷ đã cho trái ngọt nhưng vị HLV ngoài tứ tuần cho hay, ông vẫn còn nhiều tiếc nuối.

“Những năm qua, không phải học trò nào cũng đi cùng tôi tới khi có thành tựu. Nhiều VĐV trẻ tiềm năng lắm nhưng vì gia đình đưa ra định hướng khác nên phải bỏ dở giữa chừng. Tiếc, nhưng tôi cũng chẳng thể làm gì bởi địa phương khó khăn, theo thể thao vất vả nhưng đồng lương lại thấp, một số em phải tìm công việc thu nhập đủ trang trải cuộc sống, giúp đỡ bố mẹ”, ông Thuận bộc bạch.

Đặc thù như vậy nên ông Thuận không chỉ làm công tác huấn luyện đơn thuần mà còn phải sắm vai tuyên truyền viên, tình nguyện viên, bác sĩ hay cả nhà tâm lý học.

“Tôi luôn xác định hết mình vì học trò, làm được gì tôi đều làm, không nề hà. Nhiều em ở tuổi mới lớn, tâm lý thất thường, mình phải lựa bởi cứ cứng rắn thì sẽ phản tác dụng. Đáp lại, học trò của tôi tất cả đều rất lễ phép, nghe lời thầy răm rắp”, ông Thuận cười nói.

Khi được hỏi về gia đình, vị HLV 42 tuổi bỗng trầm ngâm: “Gần 20 năm, tôi ngày nào cũng có mặt tại sân từ sáng sớm tới tối mới về. Tôi làm nhiều nội dung nên cứ hết top này lại tới top khác. Tôi chỉ có 1 trợ lý nên công việc rất nặng. Vợ tôi nói vui bảo tôi ở sân còn nhiều hơn ở nhà. Nhưng biết làm sao được, cái nghiệp mình đã chọn, mình đam mê thì phải theo đuổi tới cùng. Chỉ cần tôi còn sức khỏe, tôi sẽ không từ bỏ những gì mình đã gây dựng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.