Chuyện dọc đường

Người tiêu dùng tiếp tục phải "hy sinh"?

14/09/2017, 10:27

Quyền lợi người tiêu dùng đã bị bỏ qua khi nhiều năm trời nay buộc phải mua xe với giá “trên trời”.

xe-o-to

Ảnh minh họa

Nguyên nhân là bởi nhiều chính sách thuế khác như thuế TTĐB, VAT, phí mới nhiều khả năng được điều chỉnh cũng từ thời điểm đó, và đa phần theo chiều hướng tác động làm tăng giá xe.

Trong bối cảnh ngân sách vẫn eo hẹp, nguồn thu khó khăn, việc tăng nhiều loại thuế, phí theo đề xuất của Bộ Tài chính là dễ hiểu đứng dưới góc độ quyền lợi Nhà nước. Mặt khác, là nhằm tiếp tục bảo hộ ngành công nghiệp ô tô được đánh giá đến nay đã thất bại khi tỷ lệ nội địa hóa loại xe dưới 9 chỗ trung bình chỉ đạt 7-10% so với mục tiêu đặt ra phải đạt 40% từ năm 2005 và 60% từ năm 2010. Và xét đến cùng, bảo hộ công nghiệp ô tô cũng chính là bảo hộ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, kinh doanh trong lĩnh vực này. Cũng chính vì đứng về quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp, nên quyền lợi người tiêu dùng đã bị bỏ qua khi nhiều năm trời nay buộc phải mua xe với giá “trên trời”.

May mắn là trong bức tranh xám xịt của công nghiệp ô tô Việt Nam còn một vài chấm sáng như: Trường Hải, Hyundai Thành Công hay Toyota khi các doanh nghiệp này nỗ lực đầu tư, từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa. Và trong điều kiện cạnh tranh gay gắt bởi thuế nhập khẩu nội khối về 0%, “cửa” cho các doanh nghiệp này vẫn để ngỏ với chính sách thuế mới đang được Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện. Theo đó, với các dòng xe sản xuất đạt mức sản lượng nhất định, thuế suất nhập khẩu linh kiện sẽ được giảm về 0%. Cùng đó, thuế TTĐB cũng được giảm theo mức độ nội địa hóa. Như vậy, những dòng xe được sản xuất số lượng lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao có cơ hội giảm mạnh chi phí giá thành để cạnh tranh với xe sản xuất trong khu vực ASEAN không phải chịu thuế nhập khẩu, tăng lựa chọn cho người tiêu dùng.

Để nắm bắt cơ hội đó không dễ dàng bởi đến nay, tỷ lệ nội địa hóa, như của Toyota cao nhất mới đạt 37% với dòng Innova và lượng sản xuất mẫu này hiện cũng chỉ xấp xỉ 10.000 chiếc/năm - mức sản lượng khó để được hưởng thuế suất linh kiện bằng 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp không cách nào khác phải quyết liệt thúc đẩy nhanh hơn, cao hơn tỷ lệ nội địa hóa. Và những doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, sản lượng nhỏ, nhiều khả năng sẽ phải “dừng cuộc chơi”.

Điều này cũng là phù hợp với xu thế chung, bởi hiếm có nước nào (trừ Trung Quốc - thị trường tiêu dùng quá lớn) có mười mấy thương hiệu xe cùng mở nhà máy lắp ráp như Việt Nam. Các nước có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu, có thị trường tiêu thụ lớn như: Mỹ, Nhật, Đức..., cũng chỉ tập trung vào vài thương hiệu của chính nước họ.

Điều đó cũng là sòng phẳng và cần thiết, bởi dù đã được hưởng vô số ưu đãi, song các doanh nghiệp này đóng góp không nhiều cho công nghiệp ô tô Việt Nam. Mặt khác, không thể tiếp tục bắt người tiêu dùng Việt Nam mãi “trả giá” để đổi lại một nền công nghiệp ô tô èo uột.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.