Thời sự

Người tín nhiệm thấp có bị bãi miễn?

06/06/2014, 16:55

Đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, QH không có ai tín nhiệm thấp dưới 50%, trong khi HĐND tỉnh có 2 người dưới 50%. Nhưng người tín nhiệm thấp có ai bị bãi miễn hay mất chức chưa?

Đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, QH không có ai tín nhiệm thấp dưới 50%, trong khi HĐND tỉnh có 2 người dưới 50%. Nhưng người tín nhiệm thấp có ai bị bãi miễn hay mất chức chưa?

Đây là ý kiến của ĐB Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) khi thảo luận ở tổ chiều nay (6/6) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo ĐB tỉnh Thanh Hóa, hiệu quả lấy phiếu đợt vừa rồi chưa rõ, công bố kết quả xong là thôi, không có tác dụng nhiều. QH không có tín hiệu thấp dưới 50%, trong khi HĐND cấp tỉnh có 2 người dưới 50%. "Người tín nhiệm thấp có ai bị làm sao không? Bị bãi miễn hay mất chức chưa? Cũng chưa thấy nói đến", ông Hiếu nhấn mạnh và cho biết, cần phải suy nghĩ về điều này.

Cũng theo ĐB Đặng Văn Hiếu, việc sửa đổi tới nên có quy định để đánh giá đúng hơn. "Theo tôi ai tín nhiệm cao cần khen thưởng. Bỏ phiếu không phải để chơi. Có người 100% tín nhiệm cao nên khen thưởng rõ ràng và cần có hình thức xử lý người trên 50% trở lên tín nhiệm thấp. Mức nào phải xử lý, mức nào phải bãi miễn, mức nào kỷ luật cần rõ ràng...", ông Hiếu đề nghị.

ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa)
ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa)

Đồng tình với dự thảo Nghị quyết, ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) cho rằng, không thể lấy phiếu tín nhiệm từng năm, bởi 1 năm lấy tín nhiệm một lần chỉ mang tính hình thức. Các đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm rất khó khăn trong công việc. Vì chưa kịp sửa đã lại phải lấy phiếu tín nhiệm lần tiếp theo. "Theo tôi, nên lấy phiếu tín nhiệm đối với cơ quan hành pháp vì liên quan đến đời sống chính trị - xã hội nhiều hơn. Đối với việc lấy phiếu các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn, cần thêm đối tượng là trưởng các ban ngành huyện và giám đốc các sở ban ngành. Bởi nhiều sở ban ngành địa phương tác động đến nhân dân nhưng chưa lấy phiếu tín nhiệm", ông Hiệp nói và đề nghị nên tách việc lấy phiếu với đối tượng thuộc cơ quan hành pháp và cơ quan dân cử theo hướng: đầu năm lấy phiếu tín nhiệm cơ quan dân cử, cuối năm lấy phiếu tín nhiệm cơ quan hành pháp. "Điều này sẽ tránh một bên phiếu cao và một bên phiếu thấp", ĐB tỉnh Thanh Hóa đề xuất.

Cũng cho rằng lấy phiếu 1 lần với cả đại biểu dân cử và hành pháp là không ổn, ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đề nghị cần tách hai mảng rõ ràng theo hai lĩnh vực khác nhau để dễ so sánh. Ông Trường cũng băn khoăn về mức độ đánh giá tín nhiệm theo 3 mức. "Đây giống như là thăm dò dư luận. Theo tôi, nên để 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm", ĐB Hải Phòng nêu quan điểm.

Anh Thiện

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.