Kinh tế

Người trồng lúa "đứng ngoài" thị trường gạo

22/10/2014, 09:25

Người trồng lúa không được tham gia định giá sản phẩm, luôn bị tư thương ép giá; gạo bán trong nước phải chịu thuế VAT còn gạo xuất khẩu được miễn thuế... là những bất hợp lý đang diễn ra...

Hết lo mất mùa, nông dân lại lo bị ép giá Ảnh: Viết Huy
Hết lo mất mùa, nông dân lại lo bị ép giá

Nông dân bị ép giá

Nông dân Trương Văn Tài (xã An Hòa, huyện Châu Thành, An Giang) phấn khởi vì vụ lúa hè thu năm nay, giá lúa khô bán được hơn 5 nghìn đồng/kg, tính ra cũng có lãi chừng 15 triệu đồng/ha. “Cả vụ chỉ trông cho thời tiết thuận lợi để được mùa, đến khi gặt lại ngóng thương lái thu mua cho được giá, bởi được mùa mà mất giá thì cũng bằng không”, ông Tài cho hay.

Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam, 93% nông dân đang bán lúa tươi tại ruộng cho các thương lái, bởi nông dân không có kho chứa, ít vốn, và vì vậy, họ dễ dàng bị các thương lái ép giá. Cũng bởi vì ít vốn, lại không tiếp cận được các quỹ tín dụng vi mô, nên nông dân thường phải vay mượn từ thương lái để mua giống, thuốc trừ sâu... và bị lệ thuộc vào thương lái.

"Để có sân chơi công bằng và gạo Việt Nam nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán, cần phải có cơ chế để nông dân tham gia ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình và có quy định riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao”.

GS. Võ Tòng Xuân

Trong khi đó, đa phần thương lái trực tiếp thu mua lúa của nông dân cũng hoạt động manh mún, họ chỉ có một ghe thuyền, không có kho chứa, nên cũng nhanh chóng chuyển số lúa thu mua được cho các thương lái lớn hơn và các thương lái đầu nậu này lại tổ chức xay xát, bán lại cho các doanh nghiệp lớn. Và những tầng lớp trung gian này đã đội giá gạo lên cao.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, một chuyên gia Nông nghiệp cho biết, hiện người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì khi xác định giá bán lúa. Bởi mức giá sàn lúa gạo do Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, còn mức giá trực tiếp do các thương lái quyết định trên cơ sở tín hiệu giá do các doanh nghiệp xuất khẩu ấn định.

Chỉ hỗ trợ gạo xuất khẩu

Một điểm “tréo ngoe” nữa trên thị trường lúa gạo Việt Nam là quy định hiện hành, các công ty bán gạo trực tiếp cho người tiêu thụ gạo trong nước phải nộp thuế VAT 5% trong khi bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì không phải nộp. “Đây là một thực tế phũ phàng khi người đóng thuế Việt Nam thực chất đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với gạo Việt Nam. Tại sao người Việt Nam ăn gạo Việt trên nước Việt phải chịu thuế, còn gạo Việt bán trên nước khác lại được hỗ trợ thuế?”, TS. Nguyễn Đức Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp đặt vấn đề.

Cho rằng quy định bất hợp lý này tạo ra sự bất lợi cho các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường trong nước khi phải cạnh tranh với hệ thống phân phối gạo truyền thống qua mối quan hệ thương lái-tiểu thương, TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - cây thực phẩm, cho rằng cần lập tức bãi bỏ thuế VAT sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp gạo tạo dựng được các thương hiệu gạo trên thị trường nội địa, giúp người dân Việt Nam có cơ hội được sử dụng gạo có chất lượng cao hơn.

TS. Đào Thế Anh cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện các doanh nghiệp Nhà nước đang chiếm hơn 40% thị phần xuất khẩu gạo, và hiện đang hưởng ưu đãi nhiều nhất, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Nhà nước với vốn lớn, kho bãi đầy đủ, hoàn toàn có thể xây dựng hệ thống thu mua gạo trực tiếp từ nông dân để nông dân bán được lúa với giá cao hơn, thì họ lại vẫn duy trì hình thức thu mua qua nhiều tầng lớp thương lái cho “nhàn” hơn, dễ thu lời hơn. “Do đó, cần giảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, thay vào đó là khuyến khích và thúc đẩy tăng vai trò của doanh nghiệp tư nhân”, ông Đào Thế Anh đề xuất.

“Giá mà Nhà nước giúp nông dân và doanh nghiệp kết nối với nhau. Doanh nghiệp có thể ràng buộc nông dân bằng cách hỗ trợ vốn ban đầu, công nghệ, giống lúa... với điều kiện nông dân phải bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, thì nông dân sẽ “dễ thở” hơn”, nông dân Trương Văn Tài mong mỏi.

Hải Quỳnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.