Thế giới

Người Trung Quốc nhúng tay vào hạt nhân Iran

25/03/2016, 08:46

Một người Trung Quốc đã bị kết án tù vì cung cấp hàng có nguồn gốc từ Mỹ cho chương trình hạt nhân Iran.

Phiên toà xử Sihai Cheng 9 năm tù giam vì tội buôn
Phiên tòa xử Sihai Cheng 9 năm tù giam vì tội buôn lậu liên quan đến chương trình hạt nhân Iran

Kẻ vào tù, người vô tội

Hồi tháng 2 vừa qua,  Sihai Cheng bị kết án 9 năm tù với 6 tội danh liên quan đến việc buôn lậu các mặt hàng do Mỹ sản xuất cho Iran. Cheng là một trong hai cá nhân phải ra tòa về việc cung cấp bộ biến áp đặc biệt cho chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, một kẻ đồng lõa với Cheng, người Iran lại vô can vì là một phần trong chương trình trao đổi tù nhân với Mỹ, theo thỏa thuận hạt nhân Iran. Do đó, trường hợp này dấy lên nhiều câu hỏi nghi ngờ và đặc biệt liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1.

Cheng đã từng là người thu mua hàng hóa cho các cơ quan của Iran nhiều năm trước khi mối liên lạc người Iran của anh ta - Seyed Abolfazl Shahab Jamili - đề nghị anh ta thu mua bộ biến áp do MKS - một công ty ở Andover, Massachusetts của Mỹ sản xuất. Bộ biến áp là một thiết bị đặc biệt cần thiết trong quá trình làm giàu urani. Loại thiết bị này chỉ được sản xuất bởi chưa đến 10 công ty trên toàn cầu.

Các bằng chứng tại tòa cho thấy, Cheng (và đồng bọn Jamili) thu mua thiết bị này thay mặt Công ty Điện lực Kalaye (Kalaye Electric Company), một công ty thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran đảm nhiệm việc làm giàu urani. Cheng tiếp cận với Công ty MKS Thượng Hải (Chi nhánh tại Trung Quốc của MKS Andover, MA) để yêu cầu về việc cung cấp bộ biến áp. Qiang Hu, nhân viên bán hàng của MKS Thượng Hải nhận thấy sự nhạy cảm của việc cung cấp hàng và thông báo sẽ không bán hàng trực tiếp cho Cheng mà sẽ cung cấp thông qua một người Trung Quốc khác là Wang Ping.

Cả 3 được cho là đã âm mưu gom hàng do MKS sản xuất ở Andover. Những tên này sử dụng tên của các khách hàng của MKS để thu mua máy biến áp của MKS Andover, sau đó bóc nhãn mác và chuyển cho chương trình làm giàu urani của Iran. Khoảng 1.000 bộ biến áp có nguồn gốc từ Mỹ đã được chuyển cho Iran.

Cheng bị bắt ở Sân bay Heathrow (London) cuối năm 2014, khi tới Anh để xem bóng đá và bị dẫn độ sang Mỹ tháng 12/2014. Điều thú vị là việc dẫn độ theo cáo buộc vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu là trường hợp hy hữu và không phải là một ưu tiên của EU mà Anh là thành viên. Với 9 năm tù, cái án mà Cheng nhận được có vẻ là nặng; Trong khi Jamili lại không phải ra toà và  Hu, nhân viên quản lý bán hàng trước đây của MKS Thượng Hải bị nhử tới Boston năm 2012, bị kết án 34 tháng tù.

Cũng đáng chú ý là việc tố tụng những trường hợp buôn lậu này xảy ra ở Mỹ chứ không phải là Trung Quốc, nơi những người trên là công dân và là nơi các hành động phạm tội diễn ra. Quyết định của Mỹ dụ Hu từ Trung Quốc đến Mỹ và tìm cách dẫn độ Cheng từ Anh cũng là điều gây tranh cãi.

Nghi vấn tương lai thỏa thuận hạt nhân

Tuy nhiên, đó là câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn ở đây, điều đáng chú ý hơn là sự vô tội của Jamili khiến nhiều người nghi vấn. Bên cạnh đó, nó cũng dấy lên câu hỏi về  tương lai nỗ lực ngăn chặn hành động thương mại phi pháp hay buôn lậu, đặc biệt là trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran mùa hè 2015, đã có hiệu lực từ 16/1/2016, cùng ngày với việc trao đổi tù nhân.

Iran vốn bị cấm mua các hàng hóa nhạy cảm liên quan đến chương trình hạt nhân theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Theo một phần của thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực từ đầu năm nay, Iran sẽ mua các vật dụng liên quan đến chương trình hạt nhân thông qua một kênh mua bán chính thức được giám sát. Chính Iran cũng thừa nhận rằng, việc thu mua bất hợp pháp những máy biến áp có thể khiến thỏa thuận hạt nhân bị đổ vỡ.

Trường hợp này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh thu mua và những hạn chế của kiểm soát xuất khẩu theo cách truyền thống. Kênh thu mua cho Chính phủ Iran sẽ được yêu cầu ký một biên bản người dùng cuối cho bất cứ sản phẩm liên quan đến hạt nhân nào được nhập khẩu, trong đó có cả các loại máy biến áp.

Nếu Iran nhập khẩu những mặt hàng này mà không có biên bản yêu cầu người dùng cuối và sự cho phép từ nhóm công tác về thu mua của Ủy ban chung, thì có thể vi phạm Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Tuy nhiên, việc kiểm soát kênh thu mua hàng hóa dường như vẫn chưa làm việc hiệu quả.

Việc 2 người Trung Quốc phải ra tòa hoàn toàn được hoan nghênh. Tuy nhiên, nhìn vào chiều sâu cho thấy, khoảng trống lớn đáng kể và những hạn chế của kế hoạch ngăn chặn chương trình hạt nhân. Trong bối cảnh thực hiện JCPOA, điều thiết yếu không chỉ là thúc đẩy kiểm soát xuất khẩu, mà còn là điều tra và ngăn chặn những trường hợp vi phạm. Nếu không làm được điều này, thì việc ngăn cản chương trình hạt nhân Iran bằng JCPOA sẽ rất khó khăn.

Nick Gillard, cựu chuyên gia quốc phòng Australia về vấn đề giải giáp hạt nhân cho rằng, Iran có một mạng lưới buôn lậu khá quy mô. Ngay cả các cơ quan quốc phòng và năng lượng, cũng như lực lượng vũ trang hay lực lượng hậu cần cũng đều có các kênh thu mua riêng, rải rác, tách biệt với nhau và rất khó kiểm soát.

“Hơn 30 năm qua, Iran đã dễ dàng chi hơn tỷ USD trong việc mua bán hàng hóa nước ngoài. Trong đó, phần chi cho các thiết bị liên quan đến chương trình hạt nhân có thể là 250 triệu USD. Tuy nhiên, con số chính thức không thể biết được và đây có thể chỉ là khoảng 20-30% con số thật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.