Giao thông

Người trúng tuyển Tổng cục trưởng:"Tôi dám làm, dám chịu trách nhiệm"

28/04/2014, 15:39

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh tranh tra Bộ GTVT, người vừa trúng tuyển Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, khi trả lời độc quyền Báo Giao thông.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh tranh tra Bộ GTVT, người vừa trúng tuyển Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, khi trả lời độc quyền Báo Giao thông. Ông Huyện là người trúng tuyển chức vụ cao nhất trong hệ thống cơ quan Nhà nước, tính đến thời điểm này.

nn
Chánh thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện trực tiếp kiểm tra hoạt động vận tải tại bến xe Hà Nội

Tôi không có ý định thi

Chào ông, trước tiên xin chúc mừng ông đã đạt điểm cao nhất kỳ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN vừa tổ chức, cảm nhận của ông lúc này như thế nào?

Khi nhận được tin trúng tuyển, bản thân tôi rất phấn khởi và tự hào vì sự phấn đấu của mình đã đạt được kết quả cao nhất của cuộc thi. Nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ ngay đến trách nhiệm khi được giao trọng trách Tổng Cục trưởng Đường bộ, làm thế nào để đổi mới được toàn diện Tổng cục, để Tổng cục hoàn thành được chức năng nhiệm vụ đúng với tầm của một Tổng cục lớn như Đường bộ.

Ông Huyện
Ông Nguyễn Văn Huyện

Tôi thấy mình sẽ nhận trách nhiệm lớn mà Ban cán sự và lãnh đạo Bộ GTVT giao cho, vì đây là đơn vị được nắm trọng trách ở rất nhiều lĩnh vực. Tôi xác định đây là một cơ quan tham mưu quan trọng bậc nhất đối với Bộ GTVT, phải lo nhiều vấn đề: từ bảo trì, duy tu, xây dựng cơ bản, đào tạo sát hạch GPLX, quản lý vận tải, an toàn giao thông…

Được biết lúc đầu ông không có dự định dự thi, và khi sau đã đăng ký ông cũng không khỏi tâm tư, quanh câu chuyện này, ông có chia sẻ gì không?

Phải thú thực rằng ban đầu tôi không có ý định tham gia cuộc thi này. Tôi nghĩ mình mới được Ban Cán sự, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao trọng trách Chánh Thanh tra, ở bối cảnh thanh tra đang còn nhiều việc “nóng” phải giải quyết như kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe, chống tiêu cực trong đăng kiểm, thanh tra loại nhà thầu yếu kém.... Mà thú thực tôi cũng rất say sưa, nhiệt huyết với công tác thanh tra. Nhưng khi được lãnh đạo Bộ gợi ý, tôi thấy đây cũng là cơ hội, thử sức xem thế nào (cười!).

Thực tình khi quyết định thi, bản thân tôi đã xác định sẽ làm được và sẽ làm cho hoạt động quản lý Nhà nước của Tổng cục tốt lên. Tôi cũng tự nhủ với mình, trong lĩnh vực thanh tra tuy thời gian tôi làm Chánh thanh tra ngắn nhưng hoạt động thanh tra đã đi vào nề nếp và nếu mình có đi khỏi thanh tra thì cũng có người kế tục được và tôi đã hứa với lãnh đạo Bộ quyết tâm đi thi với một tinh thần và kết quả cao nhất.

Tập diễn thuyết trước gương

Ông là người nộp hồ sơ muộn nhất nhưng lại trúng tuyển, làm thế nào để ông ôn luyện và nắm bắt được những vấn đề của đường bộ để trúng tuyển?

Quá trình chuẩn bị, tôi đã mầy mò và tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia, đồng nghiệp, nhà khoa học và các cơ quan quản lý liên quan, lãnh đạo trực tiếp đã tham gia công tác tại Tổng Cục về các lĩnh vực bảo trì, đào tạo sát hạch, quản lý vận tải… Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi đã hình thành và chuẩn bị được đề án về bài thi để bảo vệ chương trình hành động của mình rất công phu và cẩn thận, với kiến thức sâu ở từng lĩnh vực. Khi quyết định thi, tôi đã dốc toàn tâm toàn lực, ban ngày vẫn điều hành trong lĩnh vực thanh tra, ban đêm tôi tập trung nghiên cứu, viết bài để hoàn thiện đề án của mình.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi viết, tôi đã viết thử trong khoảng thời gian cho phép để xem viết được bao nhiêu trang mà có thể diễn đạt hết các ý tưởng cũng như chương trình hành động của mình. Phải thú thực rằng, khi đi thi ai cũng có những hồi hộp đan xen lo lắng. Để có thể tự tin cũng như truyền đạt được ý tưởng của mình, tôi đã đứng trước gương diễn thuyết lúc đầu là một mình, sau đó trước anh em đồng nghiệp, bạn bè và các nhà nghiên cứu… Sau đó, mọi người cùng góp ý cho mình hoàn thiện về tác phong, khả năng biểu đạt, biểu cảm, cũng như các ý tưởng của tôi bảo vệ trước Hội đồng thi.

Được biết trong quá trình thi, ông đã bảo vệ tốt chương trình hành động của mình, đặc biệt ở phần vấn đáp?

Tôi xác định, khi đi thi thì mình là học sinh, và phải nghiêm túc, bước vào phòng thi hành trang chỉ là cây bút, và khi đọc đề thi, những kiến thức đã ở trong đầu cứ thế diễn đạt ra thôi. Tôi hoàn thiện bài thi viết của mình trước 20 phút và dành thời gian này để đọc lại, soát lỗi cũng như có điều kiện để bổ sung các kiến thức trong phần thi Bảo vệ chương trình hành động của mình. Thú thực, tôi bước vào kỳ thi với tâm thế của một thí sinh, miệt mài ôn luyện, bổ sung kiến thức cũng như các ý tưởng được tích lũy từ kiến thức thực tế sau nhiều năm công tác, với tâm niệm nếu không thành công thì đây cũng là một lần trải nghiệm, nạp thêm kiến thức cho mình.

Trong phần bảo vệ chương trình hành động của Tổng cục đường bộ trong thời gian 10 năm tới, tôi trình bày các lĩnh vực của Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ và tôi đưa ra 6 lĩnh vực cần phải làm. Các lĩnh vực nổi lên như công tác duy tu, bảo dưỡng truyền thống; công tác quản lý người lái và phương tiện thì mới chỉ làm được công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe và tôi cũng nói rõ trước hội đồng trong 3 năm thành lập Tổng cục thì Tổng cục mới chỉ làm được vài chức năng đúng với tầm cỡ của một Tổng cục, còn một số lĩnh vực làm chưa rõ nét, làm chưa sâu, chưa xứng với cấp của Tổng cục mà mới chỉ dừng ở cấp Cục.

Theo ông, những ý tưởng nào của ông đã thuyết phục được Hội đồng cho điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển này?

Đã có 8 giám khảo hỏi tôi 16 câu hỏi, tôi rất muốn các giám khảo hỏi thêm nhưng để có thêm thời gian bảo vệ cho chương trình hành động của mình, bản thân tôi cảm nhận mình đã làm hài lòng các giám khảo bằng các câu trả lời mang tính thuyết phục. 

Một chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT cho biết, hiện phụ cấp chức vụ của chức danh Chánh Thanh tra Bộ GTVT là 1,0. Phụ cấp chức vụ của chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN là 1,25.

Các câu hỏi đều xoáy vào các công việc làm thế nào để đổi mới Tổng cục, và anh giải quyết những tồn tại bằng những giải pháp gì, cả về trước mắt và lâu dài. Tôi cũng trả lời thẳng, khâu yếu nhất của Tổng cục hiện nay là công tác chỉ đạo điều hành và tất cả các cấp trưởng của các bộ phận tham mưu điều hành chưa kiên quyết, chưa rõ ràng dù đã phân cấp nhưng vẫn bị cấp trên can thiệp dẫn đến cấp dưới bị động, làm việc thì nặng về giải quyết sự vụ, tình huống mà chưa chuyên nghiệp hóa được công tác quản lý của Tổng cục.

Ví dụ, công tác bảo trì vẫn nặng về bảo trì truyền thống. Trong chương trình hành động của mình, tôi đề xuất đổi mới theo hướng đa dạng hóa các doanh nghiệp làm duy tu cơ bản, đấu thầu công tác duy tuy, hạn chế giao thầu. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể vào tham gia đấu thầu để lựa chọn các doanh nghiệp tốt nhất duy tu, bảo vệ hạ tầng giao thông. Kế đến là phải đưa tỉ lệ cơ giới thay cho làm thủ công là chủ yếu như hiện nay.

Tôi cũng đưa vào chương trình hành động của mình việc đánh giá lại công tác duy tu bảo trì, tức là trong quá trình đưa vào khai thác quan trọng nhất là phải kéo dài tuổi thọ công trình. Nếu đánh giá tốt quá trình này sẽ lập được kế hoạch duy tu bảo trì sát thực tế, anh sẽ ưu tiên duy tu công trình nào, đoạn đường nào, thời gian duy tu thế nào, quy mô ra làm sao phù hợp với điều kiện kinh tế...  Như thế mới sử dụng hiệu quả từng đồng vốn.

Trong công tác quản lý phương tiện và người lái, thì xưa nay làm khá tốt, nhưng để nâng cao hiệu quả, chúng ta phải can thiệp bằng công nghệ để tránh tiêu cực ở khâu lý thuyết, sát hạch. Bên cạnh đó phải nâng cao kỹ thuật lái xe trên đường giao thông và coi tiêu chí này là quan trọng khi cấp GPLX.

Thực lòng mà nói, Tổng Cục mới chỉ quản lý được các xe chuyên ngành thôi, còn các phương tiện khác đang được phân cấp cho Cục Đăng kiểm quản lý. Tôi đã mạnh dạn đề xuất là trong 5 – 10 năm nữa tiêu chuẩn phương tiện cơ giới phải đưa về Tổng cục Đường bộ với các lý do: Tổng cục đưa tiền vào đầu tư con đường thì Tổng cục phải biết được tiêu chuẩn xe, lượng xe chạy trên đường như thế nào và số lượng nhập xe về như thế nào. Quản lý Nhà nước làm như vậy sẽ tốt hơn và sẽ làm triệt để được kiểm soát tải trọng xe. Tôi nghĩ đây cũng là điểm nhấn trong phần bảo vệ chương trình hành động của tôi trước Hội đồng.

Công tác thanh tra của Tổng cục cũng rất yếu, mới chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ và đào tạo sát hạch, chưa thanh tra được toàn diện. Bên cạnh đó, việc ủy thác công tác bảo trì cho địa phương Tổng cục chưa nắm được chất lượng bảo trì và an toàn giao thông ở các tỉnh vì chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra. Quan điểm của tôi là sau khi ủy thác thì mình phải tiến hành thanh tra, kiểm tra nếu các tỉnh làm tốt thì được khen và tiếp tục nhận thêm công việc, tỉnh nào không làm được thì giao cho tỉnh khác làm tốt hơn. Như thế mới kích thích được các đơn vị bảo trì đầu tư công nghệ hiện đại, mới đổi mới được công tác duy tu, bảo trì.

Phải dám nghĩ, dám làm

Chương trình hành động của ông nếu thực hiện sẽ rất "đụng chạm". Ông dự tính sau khi nhậm chức sẽ hiện thực hóa nó thế nào?

Khi vào ngồi vị trí này quan điểm của tôi là chỉ đạo rõ ràng, phân cấp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng từ cao xuống thấp, kiên quyết, xử lý công bằng, công khai. Từ Tổng cục trưởng cho đến trưởng các bộ phận anh phải dám nghĩ, dám làm, và dám chịu trách nhiệm, điều hành toàn diện, thực hiện toàn diện các chức năng mà Bộ giao phó. Và sau khi đã phân cấp, thì quan trọng nhất là phải tăng cường kiểm tra, giám sát...

Việc kiểm soát tải trọng xe hiện nay đang có nhiều phản ứng khác nhau đặc biệt là với các doanh nghiệp vận tải, khi ngồi vào chiếc ghế nóng này ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Xử lý triệt để vấn đề quá tải trọng, là yếu tố quyết định để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện giờ lợi ích của xe quá tải chỉ rơi vào nhóm nhỏ. Nếu nhóm này thu lợi được 100 tỷ đồng thì ngân sách nhà nước thiệt hại khoảng 10 ngàn tỷ đồng, tuổi của công trình cũng giảm đi theo tỉ lệ này. Một mình Tổng cục hay mình ngành giao thông không thể giải quyết được mà phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Bộ Công an... Kinh nghiệm cho thấy ở đâu lãnh đạo địa phương quyết tâm thì ở đó việc cân xe được thực hiện tốt.

Là một người đi lên từ tổ đội sản xuất, kinh qua các vị trí quản lý ông sẽ làm gì để đổi mới cũng như nâng cao đời sống cho công nhân lao động của ngành đường bộ?

Tôi có khả năng hiểu và nắm bắt công việc mới nhanh. Cái đầu tiên là mình phải rà soát, nghiên cứu để xây dựng cơ chế chính sách, từ đó tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ thay được định mức cho công tác duy tu bảo trì, vì hiện nay nó đã quá cũ. Thay đổi được điều này sẽ nâng cao được chất lượng công tác bảo trì và đồng thời nâng cao được đời sống cán bộ công nhân viên. Nếu bỏ ra 1 đồng ban đầu để bảo dưỡng kịp thời thì sẽ tiết kiệm được 20 đồng cho việc duy tuy bảo trì chậm về sau. Tiếp đến là đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất để giảm được lao động trực tiếp và xây dựng được những doanh nghiệp duy tu chuyên nghiệp và hiện đại hóa hơn.

Bài toán nào sẽ giúp ông hoàn thiện được công tác quản lý vận tải và an toàn giao thông hiện đang rất nóng ở đường bộ?

90% các vấn đề nóng hiện nay là ở lĩnh vực đường bộ, Tổng cục làm tốt hơn thì nó sẽ giúp cho các cơ quan tham mưu của Bộ công tác quản lý Nhà nước và giảm được tai nạn giao thông đường bộ. Tổng cục phải chủ trì, vì bảo vệ kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông và làm kiên trì, liên tục để vấn đề vận tải, an toàn giao thông sẽ đi vào nề nếp. Điều này chắc chắn sẽ giảm được kinh phí bảo trì, kéo dài tuổi thọ công trình.

Làm được công việc này, nó sẽ là cơ sở để chia sẻ với các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy, hàng hải… trong đó trách nhiệm của Tổng cục là làm hệ thống đường kết nối cùng với Bộ để phân vùng chuyển tải và hệ thống phân vùng sẽ chia tải cho đường bộ, chứ không thể như hiện nay tất cả mọi thứ đều đưa lên đường bộ, trong khi các lĩnh vực khác chưa phát huy hết lợi thế và tiềm năng sẵn có.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Khánh Hà (Thực hiện)

Ông Nguyễn Văn Huyện sinh năm 1962
Trình độ: 
Kỹ sư máy xây dựng – Đại học Thủy lợi; Kỹ sư Cầu đường bộ - Đại học GTVT ;  Thạc sỹ quản trị kinh doanh
 Quá trình công tác:
1984 - 1990: Đội trưởng đội thi công cơ giới, Công ty công trình ngầm.
1990 - 1999: Công tác tại Công ty công trình giao thông 208 (Cục Đường bộ Việt Nam).
1999 -2001: Trải qua các chức danh từ đội trưởng, giám đốc xí nghiệp và Phó giám đốc Công ty Công trình giao thông 208.
2001 - 2006: Giám đốc Công ty 228 (Cienco4).
2007 - 2009: Phó tổng Giám đốc Cienco4.
2009 - 2012: Chủ tịch HĐQT Cienco4.
Tháng 9/2012 đến nay: Chánh Thanh tra Bộ GTVT.

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.