Chính trị

"Người tự ứng cử và người ứng cử đại biểu Quốc hội có quyền lợi như nhau"

08/03/2021, 15:56

"Tất cả các khóa bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp từ trước đến nay không có cản trở vì ứng cử là quyền của công dân", ông Hầu A Lềnh khẳng định.

img

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, để trở thành đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trước hết mỗi ứng cử viên (người được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử), phải tôn trọng các tiêu chuẩn được quy định trong các văn bản pháp luật.

Theo đó, có 7 tiêu chuẩn của ĐBQH được quy định như sau: Đủ 21 tuổi trở lên tính đến ngày được công bố bầu cử; Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội; Có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

"Đồng thời, người tự ứng cử phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức để xứng đáng đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri cả nước", ông Lềnh cho biết.

Theo ông Hầu A Lềnh, việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với việc thẩm định hồ sơ của các cá nhân được các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định như nhau khi xem xét về các tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh...

"Tất cả các khóa bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ trước đến nay không có cản trở vì ứng cử là quyền của công dân. Như vậy có thể nói quyền tự ứng cử không bị hạn chế, người ứng cử đều có quyền lợi như nhau", ông Hầu A Lềnh khẳng định.

Về quy trình tự ứng cử ĐBQH khóa XV, ông Hầu A Lềnh cho biết, người tự ứng cử gửi đơn và hồ sơ đến Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, thành phố nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức tự ứng cử trong bộ máy Nhà nước thì theo quy định người đó phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý thì cá nhân mới tiếp tục nộp hồ sơ.

Với cá nhân tự ứng cử sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật, hướng dẫn về bầu cử để làm đơn gửi đến Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, thành phố liên quan.

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ nếu thấy hợp lệ thì Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố để đưa vào danh sách hiệp thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.