Thị trường

Người ùn ùn kéo về, doanh nghiệp miền Tây vẫn khát lao động

19/10/2021, 08:33

Hàng trăm nghìn người đổ về quê, nhưng doanh nghiệp miền Tây vẫn chịu cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng.

Nguồn lao động - Khó khăn cho các TP lớn

Một tháng qua, riêng các tỉnh miền Tây vẫn đang rất căng thẳng, khi đối diện với cảnh phải tiếp nhận tổng cộng 500.000 người lao động bỏ về quê, từ những vùng tâm điểm dịch như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Theo con số thống kê, Sóc Trăng là tỉnh có người lao động về quê đông nhất từ trước đến nay, với con số 50.000 người ở khắp các huyện và thị xã. An Giang đứng thứ hai với 37.000 người, Đồng Tháp đứng thứ ba với 22.000 người.

img

Công nhân làm việc tối đa công suất nhưng không đủ đơn hàng giao

Còn Kiên Giang có 19.000 người về, Bạc Liêu 13.000 người, Cà Mau 20.000 người, Trà Vinh 13.000 người, Vĩnh Long 6.000 người, Hậu Giang 7.440 người, Bến Tre 4.625 người, Cần Thơ 5.000 người…

Đây là con số cực lớn mà các tỉnh miền Tây phải chịu nhiều áp lực, vừa phải thực hiện cách ly tập trung, tại nhà… cho người dân từ vùng dịch về, test sàng lọc để tách những F0 di chuyển từ vùng dịch về rất nguy hiểm.

Các tỉnh thành cũng phải hỗ trợ người lao động, chi phí sinh hoạt nếu cách ly. Bởi đa số họ là dân lao động, nhiều tháng qua không có thu nhập, do giãn cách.

Việc người lao động vượt hàng trăm km để về quê như vậy gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tại các TP lớn như: HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn.

Những nơi này hiện thiếu nguồn lao động làm việc sau khi mở cửa, kéo theo ảnh hưởng lớn đến năng suất, và từ đó gây ra thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa. Và các doanh nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước, ngoài nước - đối với doanh nghiệp chuyên sản xuất để xuất khẩu.

Đó cũng là một nguyên nhân gây tăng giá, đột biến về giá… trong thời gian qua.

Lao động ùn ùn kéo về... vẫn thiếu nhân công

Vấn đề không chỉ ảnh hưởng ở các tỉnh, TP lớn như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… mà các tỉnh miền Tây vẫn rơi vào hoàn cảnh tương tự.

img

Thông báo tuyển dụng của Công ty Cafatex.

Nguyên nhân hiện nay là người lao động chưa được di chuyển liên tỉnh, đi lại vẫn còn khó khăn. Ở một số địa phương quy định chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước mới được ưu tiên di chuyển qua lại giữa các tỉnh.

Việc sử dụng lao động trong tỉnh thì chưa đáp ứng được số lượng tuyển dụng. Do hiện tại các địa phương đã nới lỏng giãn cách nhưng diễn ra theo từng bước thận trọng các chốt liên tỉnh vẫn còn.

Những ngày qua, Công ty CP Thủy sản Cafatex (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cũng thông báo tuyển gấp, giải quyết cho 200 lao động phổ thông. Thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/tháng cho mỗi lao động làm việc tại xưởng chiên tôm độ tuổi từ 16 đến 45 tuổi, không phân biệt nam, nữ.

Đối với người lao động từ vùng dịch về ưu tiên nếu đã tiêm đủ 2 mũi vacxin xét nghiệm âm tính, hoặc đã tiêm 1 mũi có giấy test âm tính, theo quy định phòng dịch của nhà nước được nhận vào làm ngay.

img

Công ty Cafatex thông báo tuyển 200 công nhân, nhưng mấy ngày qua vẫn không tuyển đủ người.

Các trường hợp còn lại phải hoàn thành thực hiện cách ly, tiêm chủng theo quy định của địa phương, và quy tắc an toàn phòng dịch của Bộ Y tế.

Còn Công ty Minh Phú Hậu Giang (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cũng đăng tuyển 1.000 lao động phổ thông, công nhân làm việc trong dây chuyền chế biến tôm đông lạnh. Đối với tất cả lao động phổ thông, đầy đủ sức khỏe công ty sẽ trả mức lương từ 4,5 - 7,5 triệu/tháng.

Tuy nhiên, sau mấy ngày thông báo tuyển, những công ty này vẫn chưa tuyển đủ nhu cầu!

Theo chủ một doanh nghiệp thủy sản tại Hậu Giang: “Doanh nghiệp mới mở cửa hoạt động lại vào ngày 11/10, vấn đề đang gặp phải là thứ nhất, người lao động trong tỉnh chưa điều động được hết, bởi người lao động ở nông thôn họ ái ngại bởi dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai người ngoài tỉnh chưa sử dụng được, đa số cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp này đang ở ngoài tỉnh chưa được phép đi liên tỉnh”.

Theo ông này, hiện tại chỉ có tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ chỉ cho phép cán bộ, viên chức Nhà nước di chuyển liên tỉnh.

“Hiện tại doanh nghiệp chỉ mới huy động được chưa tới 50% cán bộ công nhân, lao động của công ty trở lại làm việc”, ông than.

img

Nhiều doanh nghiệp tuyển công nhân để trả nợ đơn hàng cho đối tác nước ngoài nợ vào mấy tháng trước

Theo thống kê, với số lượng công nhân hiện tại, có hoạt động tối đa công suất ngày đêm, thì cũng không kịp hoàn thành đơn hàng, để trả nợ đơn hàng cho đối tác nước ngoài nợ vào mấy tháng trước.

Việc này là rất gấp, vì đã nợ đơn hàng đối tác ngoài nước. Khách hàng nước ngoài rất khó tính, mà ngành thủy sản lại rất nhạy cảm. Nếu không giao đúng hạn cho đối tác, họ sẽ hủy hợp đồng, mà huỷ hợp đồng thì khó duy trì doanh nghiệp trong những năm sau.

“Rất mong trong thời gian tới, các tỉnh nới lỏng di chuyển cho người lao động, đi lại liên tỉnh dễ dàng hơn giữa các tỉnh, từ đó doanh nghiệp điều động, tuyển dụng đủ lao động. Để hoạt động hết công suất mới sản xuất đủ hàng giao cho đối tác, chứ như tình hình hiện tại rất khó khăn”, chủ doanh nghiệp Hậu Giang nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.