Làm báo cùng Giao thông

Người Việt ở nước ngoài nói gì về cấp GPLX số tự động?

16/05/2015, 15:24

Hiện nay dư luận đang quan tâm tới việc cấp GPLX số tự động sau khi Bộ GTVT đưa ra phương án này.

61245
Việc điều chỉnh Thông tư 46 khi cho cấp GPLX số tự động đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Hiện nay Bộ GTVT đang lấy ý kiến để điều chỉnh Thông tư 46 theo hướng sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo lái xe và thực hành, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe số tự động.  Dự kiến, trong tháng 9.2015, thông tư được điều chỉnh xong, sau đó sẽ áp dụng. 

Đọc được thông tin này trên các trang báo mạng, anh Trần Anh Tuấn, nguyên là kỹ sư cầu đường, đã từng công tác 12 năm tại Tổng công ty thiết kế GTVT (TEDI), đã có 4 năm sống và làm việc tại Úc đã gửi tới Báo Giao thông nhiều thông tin khá thú vị về việc cấp GPLX ở nơi anh đang sinh sống.

Báo Giao thông xin giới thiệu tới độc giả bài viết này.

318998_523154364363803_2135411978_n
Anh Trần Anh Tuấn, một kỹ sư đang làm việc tại Úc  đánh giá: "Việc cấp GPLX số tự động là cần thiết cho những người chỉ có nhu cầu lái xe số tự động!".

Việc cấp GPLX số tự động gần như là đã phổ biến ở các nước phương Tây và nhất là ở Úc. Bằng lái xe số tự động (code là A) là bằng sơ cấp nhất ở Úc, bởi muốn lái motor ở Úc thì phải có bằng lái xe ô tô trước mới đủ tiêu chuẩn để cấp GPLX motor, việc thi cũng rất gắt gao. Đầu tiên phải thi qua vòng lí thuyết trực tuyến, sau khi thi xong sẽ được cấp chứng nhận là bằng L rồi mới được thi thực hành.

Learner-driver-2570179b-8676-1409728827
Chữ L (learner) gắn lên xe giống như bảng "xe tập lái" ở Việt Nam.

Để thi thực hành lại chia làm 2 bước, dưới 25 tuổi phải học thực hành lái 100 giờ ngoài đường và có sự giám sát của người đã có bằng Open (bằng chính thức) ít nhất 1 năm.

art-sa-pplaters-20130908183045-8914-5715-140972882
Lái xe với bằng P đỏ. Ảnh: Internet

Nếu người trên 25 tuổi thì quá trình 100 giờ là không bắt buộc nhưng khuyến khích, quá trình tập lái cũng phải có người có bằng open ngồi bên cạnh và thời gian học (thời gian giữ bằng L) cũng phải là 1 năm. Sau 1 năm mới được thi, sau khi thi đỗ thì sẽ được cấp bằng P (provisional - bằng tạm thời), có bằng P thì được lái xe 1 mình. Sau 1 năm giữ bằng P thì mới được thi tiếp bằng open là bằng đầy đủ.

P-Plate003-3873-1409728827
Lái xe với bằng P xanh. Ảnh: Internet

Thông thường để lấy được bằng lái xe ở Úc phải mất ít nhất là 1 năm và  những người nếu đã được cấp bằng thì đều lái rất tốt bởi các khâu sát hạch lái xe ở đây rất nghiêm ngặt. Việc có bằng lái xe tự động trước sẽ giúp những người mới lái xe dễ dàng điều khiển xe hơn.

Chỉ sau khi đã có bằng lái tự động chính thức (bằng open) 1 năm, người lái xe mới được phép dự thi cấp bằng số sàn. Tuy nhiên do đã có 1 năm kinh nghiệm lái xe số tự động nên việc chuyển đổi này cũng dễ dàng hơn.

Ở Úc thi ở ngoài đường thực tế, xử lý các tình huống thực tế chứ không thi như trên sa bàn như mình, ở Việt Nam lái xe thì khó nhưng thi thì lại dễ, ở Úc thì ngược lại, đường sá tốt, luật lệ được tuân thủ nên lái dễ hơn nhưng thi bằng lái lại khó hơn rất nhiều.

Việc cấp bằng số tự động ở Việt Nam là hợp lý vì những lý do như, thời gian học ở VN ít nên sẽ thích hợp hơn với việc học lái số tự động, cách kiểm tra của VN cũng đơn giản nên cũng phù hợp với xe tự động hơn. Chưa kể có những người không có nhu cầu lái xe số sàn. Do đó nếu chưa thay đổi được quy trình thi bằng lái xe thì nên cấp bằng xe tự động cho những người chỉ có nhu cầu lái loại xe này.

Hiện có một số ý kiến cho rằng lái xe số tự động có nhiều ưu điểm trong cách điều khiển, vận hành tuy nhiên lại dễ gây ra tai nạn nghiêm trọng vì nhiều người đôi khi lúng túng đạp nhầm chân phanh thành chân ga, tôi chưa thấy xảy ra hiện tượng này ở Úc với các lái xe có bằng A. Tôi không có con số thống kê cụ thể nhưng cũng đã hỏi rất nhiều đồng nghiệp ở Bộ Giao thông bang Queensland (Úc) về chuyện này thì họ nói ở Úc họ cũng chưa từng biết đến những trường hợp như vậy.

Việc ở Việt Nam có nhiều tai nạn xe số tự động có thể do 2 nguyên nhân, một là việc học lái của người đó chưa cơ bản, chưa thực hành đủ nhưng đã được cấp bằng và hai là khi học thì học bằng xe số sàn nên có thể chưa biết cách sử dụng thuần thục 2 chân nên khi lái xe số tự động thì 2 chân luống cuống nên đạp nhầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.