Sách

"Người xã hội: Nhận diện cạm bẫy" hé lộ quy luật về "thế giới đen"

17/02/2022, 13:07

Sau mùa dịch, nhiều đầu sách xuất hiện. Có lẽ khoảng thời gian dài ở nhà giãn cách đủ để cho những cây viết bộc bạch tâm tư.

Trong số những đầu sách ấy, có cuốn sách: "Người xã hội: Nhận diện cạm bẫy". Sách được viết dưới thể loại phóng sự, do một "cây bút" có nghề phóng sự trong làng báo, Vương Liễu Hằng.

Khoảng thập niên 90, phóng sự của cây bút này xuất hiện tràn ngập trên báo Công an thành phố. Sau đó là hàng loạt những tập phóng sự riêng lẻ được phát hành, tạo nên cơn sốt sách phóng sự với độc giả thời đó.

img

Bìa cuốn sách "Người xã hội - Nhận diện cạm bẫy"

Tuy là "cây bút" nữ nhưng Vương Liễu Hằng chọn cho mình những đề tài dữ dằn, gai góc: Tệ nạn xã hội. Muôn mặt của cuộc sống tệ nạn được phơi bày đến từng ngóc ngách dưới ngòi bút "máu lửa" của cô.

Sau bao năm, giờ Vương Liễu Hằng lại ra sách. Vẫn là phóng sự, nhưng giờ đã dưới một phong cách khác, như cô bộc bạch: "Nếu trong những bài phóng sự ngày xưa, tôi luôn chú ý đến từng chi tiết thì giờ khi viết cuốn sách này, tôi lại tư duy theo khuynh hướng quy luật. Bởi có những hình thái sẽ thay đổi theo thời gian nhưng bản chất vấn đề vẫn luôn như vậy".

img

Tác giả Vương Liễu Hằng

Nhưng tại sao lại là Người xã hội? Theo "cây bút" cá tính này, khi đề cập đến mảng tệ nạn, người ta hay dùng đến những khái niệm như: Giang hồ, đầu gấu, xã hội đen, mafia... Nhưng Vương Liễu Hằng lại đưa ra khái niệm "Người xã hội".

Theo lý giải của cô, "Người xã hội" là một danh từ dùng để chỉ một nhóm người. Trong đó, tất nhiên có những giang hồ, đầu gấu, xã hội đen, mafia... Nhưng nó không phải là sự khu biệt và đóng đinh, mà uyển chuyển và tan loãng trong từng ngóc ngách xã hội.

Đó không đơn thuần là hình ảnh một anh đại xăm trổ, đeo kính đen, xuống tay không thương tiếc hay hình ảnh một chị đại quyền lực vô song. Nó có thể giản dị như một nữ sinh nhưng cầm đầu đường dây mại dâm cỡ lớn, hay một người vẫn được tung hô khen ngợi trên truyền thông mỗi ngày nhưng thực chất lại là tội phạm.

Hơn 25 năm làm báo, Vương Liễu Hằng dày dạn kinh nghiệm lẫn sự am hiểu về thế giới tệ nạn. Do đó, cô có thể tự tin đúc kết nên những quy luật trong thế giới này.

Qua cuốn sách, người đọc có thể có cái nhìn tổng thể về dòng chảy tiền tươi, sự vận hành của tín dụng đen bên cạnh hệ thống tín dụng của nhà nước, về đề đóm, câu chuyện của người xây mả cho chính mình - một hình thức cờ bạc bình dân nhưng vô cùng khốc liệt và phổ biến. Độc giả cũng bắt gặp một chuyên gia thẩm định "xứ lừa" và câu chuyện của những kẻ mang nước bọt đổi tiền tỷ.

Những người thật, việc thật với các chiêu trò lừa đảo tinh quái, tinh vi đến mức không bao giờ có thể tưởng tượng ra.

Cuối cùng là nhận diện “Người xã Hhi 4.0”. Từ khi internet và mạng xã hội phát triển cũng phát sinh ra loại hình tội phạm mạng. Đây cũng là vẫn đề rất đau đầu đối với các cơ quan chức năng. Có thể nói, "Người xã hội - Nhận diện cạm bẫy" là cuốn sách khá lạ, đầy ắp hơi thở của cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.