Đô thị

Người xịt sơn vào hàng loạt ô tô tại KĐT Dương Nội đối diện mức phạt nào?

09/11/2020, 18:36

Người thực hiện hành vi phun xịt sơn vào xe ô tô có thể đối diện mức phạt tù tới 20 năm, tùy vào mức độ thiệt hại...

img
Hình ảnh xe ô tô bị xịt sơn tại khu đô thị Dương Nội (Hà Nội) đang nhận sự quan tâm của đông đảo dư luận

Mới đây, vụ việc hàng loạt ô tô bị xịt sơn lên thân xe tại các vị trí dọc tuyến đường tại khu đô thị Dương Nội (Hà Nội) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngoài việc lên án hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của người khác, nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến trách nhiệm của đối tượng xịt sơn và chủ xe trong vụ việc.

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Phạm Kỳ Dương, Văn phòng luật Giang Thanh cho biết, căn cứ vào các hình ảnh trên mạng xã hội có thể thấy, việc chủ xe đỗ và rời khỏi xe nhưng không đặt các biển báo hiệu nguy hiểm phía trước và phía sau là vi phạm Điểm d Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Cũng theo luật sư Dương, việc chủ xe bị phun sơn, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chủ xe có quyền yêu cầu người phun sơn vào xe phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp này, cho dù chủ xe đỗ không đúng quy định, tuy nhiên hành vi phun sơn vào xe của người khác có dấu hiệu của tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm

Hình phạt trên cũng áp dụng với đối tượng hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp như: Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

“Đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia,... thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Đối với các mức thiệt hại lớn hơn, đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 - 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm”, luật sư Dương thông tin.

Cũng theo Luật sư Dương, theo quy định tại Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự, các hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản chỉ bị coi là phạm tội khi giá trị tài sản từ 2 - 50 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.

“Trong trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 2 triệu đồng, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền lên tới 5 triệu đồng”, luật sư Dương chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.