Làm báo cùng Giao thông

Nguồn cảm hứng Đoàn Ngọc Hải

03/03/2017, 06:54

Công bằng để đánh giá, nếu không có một Đoàn Ngọc Hải, liệu có kết quả chúng ta chứng kiến trong 2 tuần qua?

8

Lực lượng chức năng quận 1 xử lý vi phạm vỉa hè - Ảnh: Sao Mai

Công bằng để đánh giá, nếu như không có một Đoàn Ngọc Hải, liệu có kết quả chúng ta chứng kiến trong hai tuần qua? Hiệu ứng của quận 1 đã tác động đến các quận khác, lan ra cả Hà Nội, các cuộc ra quân tiếp theo thuận lợi hơn.

Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM là nhân vật trung tâm trong cuộc ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ trong suốt hai tuần qua. Ông Hải không chỉ là người lãnh đạo chiến dịch mà còn là người truyền cảm hứng.

Không ít ý kiến cho rằng, cuộc ra quân đó là ý chí của tập thể, là triển khai thực hiện chỉ đạo chung của lãnh đạo thành phố, không phải là một hoạt động để cá nhân xây dựng hình ảnh. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng dù muốn dù không, cá nhân vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt một phong trào hay một chương trình hành động.

Qua quan sát diễn biến cuộc ra quân hai tuần qua, có thể tin rằng, ông Đoàn Ngọc Hải không có mục tiêu xây dựng hình ảnh bản thân.

Nhưng từ tính chất của sự việc trên hiện trường, diễn biến ngoài thực địa, năng lực và phẩm chất của ông được bộc lộ, cho nên hình ảnh cá nhân của ông được ghi dấu.

Ông Hải có mặt trên phố, không ngại đụng chạm, không sợ sức ép. Báo chí không thể không “focus”  ống kính vào chân dung của một cán bộ lãnh đạo hàng hiếm như ông.

Xem thêm video:

Phát ngôn và hành động của ông Đoàn Ngọc Hải đã tạo ra những sản phẩm cụ thể. Đoàn quân của ông đi đến đâu, những công trình xây dựng trái phép lập tức bị đập bỏ, những chiếc xe biển xanh, biển trắng bị cẩu đi, không khoan nhượng, không thỏa hiệp. Có những lúc ông ra tối hậu thư trong vòng 5 phút, sau đó là cưỡng chế tháo dỡ. Những cú điện thoại can thiệp cũng không làm thay đổi tình thế.

Không cảm hứng sao được khi ông nói: “Làm đúng và minh bạch để người dân thấy công bằng”, “Tôi mà ngồi văn phòng thì họ (lãnh đạo phường-NV) không có làm”. Còn nhiều phát ngôn rất ấn tượng của ông và hay nhất là sẵn sàng “cởi áo về vườn nếu không đòi lại được vỉa hè cho dân”. Đó là câu nói xác quyết nhất, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo. Hãy thử nhìn lại xem, lâu nay ngoài những lời hứa chịu trách nhiệm chung chung, không mấy ai dám tuyên bố “từ quan” trước một công việc được đo lường sự thành công hay thất bại cụ thể trong ngắn hạn như chuyện dẹp loạn vỉa hè.

Công bằng để đánh giá, nếu như không có một Đoàn Ngọc Hải, liệu có kết quả chúng ta chứng kiến trong hai tuần qua? Hiệu ứng của quận 1 đã tác động đến các quận khác, lan ra cả Hà Nội, các cuộc ra quân tiếp theo thuận lợi hơn. Một điều rất thú vị là sau tuần đầu ra quân, ở nhiều tuyến phố của quận 1, người dân tự nguyện đập bỏ, tháo dỡ những công trình lấn chiếm. Rất cảm ơn sự tự nguyện của bà con, nhưng trong câu chuyện này, rõ ràng có sức ảnh hưởng từ sự quyết liệt của ông Hải. Bởi vì người dân nhận thức rằng, không dẹp cũng không xong, ông Hải sẽ dẹp.

Người ta nói nhiều đến lợi ích nhóm trong việc khai thác vỉa hè. Xin hỏi nhóm nào nếu không phải là những người có trách nhiệm quản lý các vỉa hè đó. Ông Đoàn Ngọc Hải không phải đập bỏ những công trình lấn chiếm, mà đập bỏ những chiếc “lô cốt” lợi ích nhóm tồn tại trên các vỉa hè từ lâu. Lãnh đạo quận đã nói không thì lãnh đạo phường nào dám nói có. Nếu có kẻ nào làm “cai đầu dài” thu tô từ tài nguyên vỉa hè, thì người dân cũng không “tự nguyện” đưa như trước vì họ biết sẽ bị phá dỡ. Cho nên, ông Đoàn Ngọc Hải không chỉ dẹp vỉa hè, trong mắt người dân ông Hải đang đập bỏ sự thỏa hiệp, trì trệ.  

Ông Đoàn Ngọc Hải được lãnh đạo cấp trên đánh giá cao và ông được đa số người dân lên tiếng ủng hộ. Cho dù ai đó không muốn xây dựng hình ảnh một cá nhân hữu hình thay cho tập thể vô hình, nhưng cuộc sống luôn cần có những con người đủ năng lượng tạo ra nguồn cảm hứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.